99,9% trẻ 5 tuổi được phổ cập mầm non

Sau 10 năm thực hiện phổ cập giáo dục mầm non, tỷ lệ trẻ em mẫu giáo 5 tuổi hoàn thành chương trình đạt 99,9%.

Ngày 9/2, Chính phủ ban hành Quyết định số 239/QĐ-TTg phê duyệt đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi với mục tiêu bảo đảm hầu hết trẻ ở mọi vùng miền được đến lớp để thực hiện chăm sóc, giáo dục 2 buổi/ngày.

Trẻ được học đủ một năm, nhằm chuẩn bị tốt về thể chất, trí tuệ, tình cảm, thẩm mỹ, tiếng Việt và tâm lý sẵn sàng đi học, bảo đảm chất lượng để trẻ em vào lớp 1.

 Thứ trưởng GD&ĐT Ngô Thị Minh phát biểu về giáo dục mầm non sau 10 năm phổ cập.

Thứ trưởng GD&ĐT Ngô Thị Minh phát biểu về giáo dục mầm non sau 10 năm phổ cập.

Tại Hội nghị đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, sơ kết 2 năm thực hiện Đề án Phát triển Giáo dục Mầm non giai đoạn 2018-2025, Thứ trưởng GD&ĐT Ngô Thị Minh đánh giá sau 10 năm năm, mạng lưới trường lớp mầm non được củng cố, mở rộng, nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ.

Bà Nguyễn Thị Thơm, Trưởng phòng Mầm non, Sở GD&ĐT Lào Cai, cho biết từ khi có Thông tư 06/2018/NĐ-CP về quy định chính sách hỗ trợ ăn trưa với trẻ mẫu giáo và chính sách đối với giáo viên mầm non, tỷ lệ trẻ em đến trường ở tỉnh này đạt 99,8%.

UBND tỉnh đã có văn bản kêu gọi các cá nhân, tập thể ủng hộ, tự vận động xã hội chăm lo đời sống cho giáo dục mầm non. Nhiều doanh nghiệp cá nhân chung tay góp sức ủng hộ hàng trăm tấn nguyên, vật liệu xây dựng công trình, làm đường.

Bà Đặng Thị Thái, chuyên viên Phòng GD&ĐT Điện Biên, cho rằng công tác “bà mẹ trợ giảng” khiến tỷ lệ trẻ em được đến trường tăng cao.

Trước đó, chương trình “bà mẹ trợ giảng” được tổ chức Tầm nhìn Thế giới (WV) phối hợp Bộ GD&ĐT thực hiện ở bậc mầm non.

Tại Điện Biên, hình thức này được áp dụng ở những vùng đặc biệt khó khăn. Cụ thể, những “bà mẹ trợ giảng" sẽ được trả lương. Đó có thể là phụ huynh, tham gia hỗ trợ thầy, cô dạy học. Họ là cầu nối giữa giáo viên và học sinh dân tộc thiểu số chưa thông thạo tiếng Việt. Họ được tuyển chọn trên địa bàn xã, đã tốt nghiệp phổ thông.

Những “bà mẹ” này sẽ được đến lớp, tham gia hoạt động cùng giáo viên như chuẩn bị đồ chơi, hỗ trợ ngôn ngữ, nấu ăn, làm đồ chơi cho trẻ.

Ngoài ra, phụ huynh trong địa bàn tỉnh hỗ trợ tạo cảnh quan môi trường lớp học, huy động tấm ván dựng trường, xóa phòng học tạm. Từ những tấm ván, mô hình nhà lắp ghép ra đời. Phụ huynh nộp kinh phí mua gạo, củi, lõi ngô, tham gia trồng rau, cung cấp đảm bảo an toàn thực phẩm cho trẻ.

Bà Đặng Thị Thái đánh giá đề án 239/QĐ-TTg phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ thể hiện sự vào cuộc mạnh mẽ của phụ huynh trong việc giáo dục. Trẻ thấy được tầm quan trọng của việc đi học, tự nguyện đưa trẻ đến trường.

Theo ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non, Bộ GD&ĐT, tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo 5 tuổi được nâng lên mỗi năm. Kết quả duy trì năm 2019 đạt 99,96% (tăng 3,56% so với năm 2011).

Tỷ lệ trẻ em mẫu giáo 5 tuổi hoàn thành chương trình giáo dục mầm non đạt 99,9% (tăng 21,3%). Tỷ lệ trẻ mẫu giáo được học 2 buổi/ngày đạt 99% (tăng 21,3%).

Bình Nguyên

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/99-9-tre-5-tuoi-duoc-pho-cap-mam-non-post1144817.html