96,29% tổng số đại biểu đồng ý thông qua Luật Cảnh sát Biển Việt Nam

Chiều 19-11, Quốc hội biểu quyết thông qua các dự án luật: Luật Trồng trọt, Luật Chăn nuôi, Luật Giáo dục đại học, Luật Đặc xá (sửa đổi), Luật Cảnh sát biển Việt Nam (CSBVN).

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang biểu quyết thông qua Luật CSBVN. Ảnh V.B

Luật CSBVN, với 96,29 tổng số đại biểu tán thành, gồm 8 Chương, 41 Điều, quy định vị trí, chức năng của CSBVN, là lực lượng vũ trang nhân dân, chuyên trách, nòng cốt thực thi pháp luật, bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển; tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành theo thẩm quyền hoặc đề xuất với Đảng, Nhà nước về chính sách, pháp luật bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển; bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trong vùng biển Việt Nam; quản lý về an ninh, trật tự, an toàn, bảo đảm việc chấp hành pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà nước CHXHCN Việt Nam là thành viên và thỏa thuận quốc tế theo thẩm quyền.

Về nguyên tắc tổ chức và hoạt động, CSBVN đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự thống lĩnh của Chủ tịch nước, sự thống nhất quản lý Nhà nước của Chính phủ và sự chỉ đạo, chỉ huy trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; tuân thủ Hiến pháp, pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà nước CHXHCN Việt Nam là thành viên; tổ chức tập trung, thống nhất theo phân cấp từ Bộ Tư lệnh CSBVN đến đơn vị cấp cơ sở.

CSBVN chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh và xử lý hành vi vi phạm pháp luật. Kết hợp nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia, quản lý an ninh, trật tự, an toàn trên biển với phát triển kinh tế biển; dựa vào nhân dân, phát huy sức mạnh nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân. Nhà nước xây dựng CSBVN cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; ưu tiên nguồn lực phát triển CSBVN.

Luật Đặc xá (sửa đổi), có 92,99% tổng số đại biểu tán thành, gồm 6 Chương, 39 Điểu quy định về nguyên tắc, thời điểm, trình tự, thủ tục, thẩm quyền, trách nhiệm thực hiện đặc xá; điều kiện, quyền và nghĩa vụ của người được đề nghị đặc xá; quyền và nghĩa vụ của người được đặc xá. Đối tượng áp dụng, đối với người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân; cơ quan, tổ chức, công dân nước CHXHCN Việt Nam; người nước ngoài cư trú ở Việt Nam, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ nước CHXHCN Việt Nam có liên quan đến hoạt động đặc xá.

Nguyên tắc thực hiện đặc xá, tuân thủ Hiến pháp, pháp luật; bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Bảo đảm dân chủ, công bằng, khách quan, công khai, minh bạch. Chủ tịch nước xem xét, quyết định về đặc xá nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước. Quyết định đặc xá trong trường hợp đặc biệt để đáp ứng yêu cầu đối nội, đối ngoại của Nhà nước mà không phụ thuộc vào thời điểm quy định tại khoản 1 Điều này.

Nhà nước động viên, khuyến khích người bị kết án phạt tù ăn năn hối cải, tích cực học tập, lao động cải tạo để được hưởng đặc xá; tạo điều kiện thuận lợi cho người được đặc xá hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống, phấn đấu trở thành người có ích cho xã hội, phòng ngừa tái phạm tội, vi phạm pháp luật.

Luật cũng quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong thực hiện đặc xá như: Lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn để đề nghị đặc xá cho người không đủ điều kiện được đặc xá; không đề nghị đặc xá cho người đủ điều kiện được đặc xá; cản trở người bị kết án phạt tù thực hiện quyền được đề nghị đặc xá; đưa hối lộ, nhận hối lộ, môi giới hối lộ, nhũng nhiễu trong việc thực hiện đặc xá; cấp, xác nhận giấy tờ, tài liệu liên quan đến người được đề nghị đặc xá trái quy định của pháp luật; từ chối cấp, xác nhận giấy tờ, tài liệu mà theo quy định của pháp luật người được đề nghị đặc xá phải được cấp, xác nhận; giả mạo giấy tờ, tài liệu liên quan đến người được đề nghị đặc xá.

Viết Hà

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/96-29-tong-so-dai-bieu-dong-y-thong-qua-luat-canh-sat-bien-viet-nam/