96.000 hộ dân Đồng bằng sông Cửu Long thiếu nước sinh hoạt

Đây là thông tin mới nhất về ảnh hưởng của tình trạng hạn hán, thiếu nước đang diễn ra tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, theo công bố của Bộ NN&PTNT ngày 14/3.

 Hàng vạn hộ dân đang gặp khó khăn về nguồn nước. Ảnh: VTV.

Hàng vạn hộ dân đang gặp khó khăn về nguồn nước. Ảnh: VTV.

Kết quả quan trắc cho thấy, trong tuần qua, tại hầu hết các tỉnh, TP khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục không có mưa. Mực nước sông Mê Kông chưa được cải thiện đáng kể, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của người dân.

Do thiếu hụt nguồn nước, đến nay, đã có 39.000ha lúa bị thiệt hại. Trong đó, diện tích lúa vụ Mùa 2019 khoảng 16.000ha, diện tích lúa vụ Đông Xuân 2019 – 2020 khoảng 23.000ha, chiếm 1,2% tổng diện tích gieo trồng.

Không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, tình trạng nguồn nước hiện nay còn khiến 96.000 hộ dân các tỉnh, TP khu vực Đồng bằng sông Cửu Long gặp khó khăn về nguồn nước sinh hoạt. Trong đó, Sóc Trăng là địa phương bị ảnh hưởng lớn nhất với khoảng 24.400 hộ, tiếp đến là Cà Mau 20.500 hộ, Bến Tre 20.000 hộ, Kiên Giang 11.300 hộ, Trà Vinh 8.600 hộ…

Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, năm nay, mặc dù phạm vi ảnh hưởng của xâm nhập mặn cao hơn năm 2015 – 2016 nhưng số hộ thiếu nước sinh hoạt thấp hơn 114.000 hộ, giảm 54% so với năm 2015 – 2016 (có 210.000 hộ gặp khó khăn về nước sinh hoạt).

Cũng theo nhận định của Bộ NN&PTNT, xâm nhập mặn từ ngày 15/3 – 6/4/2020 sẽ giảm dần. Phạm vi cách biển từ 35 – 45km trở vào trên sông Cửu Long khả năng xuất hiện nước ngọt khi triều thấp, chan triều, thuận lợi cho việc lấy nước. Tuy nhiên, trên sông Hàm Luông, Cửu Tiểu, Cửa Đại, mặn vẫn còn khá cao.

Trọng Tùng

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/96000-ho-dan-dong-bang-song-cuu-long-thieu-nuoc-sinh-hoat-377733.html