91 xe BMW nhập lậu trót lọt, Hải quan TPHCM vô can

Tại phiên tòa, đại diện Hải quan TPHCM nói làm đúng quy định trong khi 91 xe BMW qua cửa hải quan nay đang được xem là nhập lậu.

Chủ mưu vụ buôn lậu - nguyên Tổng giám đốc Cty Âu Châu Nguyễn Đăng Thảo tại tòa sáng nay 4/6. Ảnh: Tân Châu

Chủ mưu vụ buôn lậu - nguyên Tổng giám đốc Cty Âu Châu Nguyễn Đăng Thảo tại tòa sáng nay 4/6. Ảnh: Tân Châu

Sáng nay (4/6), tại phiên tòa của TAND TPHCM xét xử sơ thẩm vụ buôn lậu 91 xe BMW do 3 bị cáo Nguyễn Đăng Thảo (nguyên Tổng giám đốc Cty CP ô tô Âu Châu); Trần Hải Đăng (nguyên Phó giám đốc Cty TNHH TM giao nhận Việt Á) và Nguyễn Thị Minh Yến (nguyên Trưởng phòng Kế hoạch, quản lý sản phẩm và phân phối Cty CP ô tô Âu Châu) thực hiện.

Công t61 đang công bố cáo trạng tại tòa. Ảnh: Tân Châu

Liên quan tới các cán bộ Hải quan thuộc Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn Khu vực 3, Viện kiểm sát (VKS) cho rằng, các công chức Hải quan Phan Thị Hoa, Nguyễn Thí Thức, Khưu Hữu Phước, Nguyễn Thị Thu Hiền, Hoàng Thế Vinh và Nguyễn Văn Thuyên được phân công tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ và trực tiếp kiểm hóa đối với 91 xe ô tô do Cty CP ô tô Âu Châu nhập khẩu từ ngày 19/7/2013 đến ngày 4/9/2013.

VKS dẫn tài liệu điều tra cho rằng, quá trình tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ được thực hiện thủ công nên các công chức Hải quan Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn Khu vực 3 không phát hiện các hóa đơn, chứng từ do Cty CP ô tô Âu Châu làm giả để khai báo Hải quan.

Về việc Cơ quan điều tra không đề cập, xem xét xử lý các công chức Hải quan Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn Khu vực 3, theo VKS là do việc kiểm hóa thực tế được thực hiện theo đúng quy định như kiểm tra tên hàng, mã số, số lượng, trong lượng, chủng loại, chất lượng, nhãn hiệu, nhãn hàng hóa, ngày sản xuất và đối chiếu phù hợp giữa hàng hóa thực tế với hồ sơ hải quan điện tử.

Trần Hải Đăng, nguyên phó Tổng giám đốc Cty Âu Châu tại tòa ngày 4/6. Ảnh: Tân Châu

Trả lời Hội đồng xét xử (HĐXX) tại phiên tòa hôm nay, đại diện Hải quan cho rằng, các công chức Hải quan Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn Khu vực 3 đã làm đúng quy định. “Quy định là quy định nào? “ – Chủ tọa hỏi. Trả lời HĐXX, đại diện Hải quan nói quy định liên quan của ngành, của Bộ GTVT.

Nghe đến đây chủ tọa nói: Tòa chỉ hỏi cụ thể trong 91 xe BMW này thôi. “Thưa tòa, công chức Hải quan vụ này làm đúng quy định”- Đại diện Hải quan tiếp tục.

Trước đó đầu giờ xét xử, phần liên quan tới công chức Hải quan trong vụ án, cáo trạng nêu: Để nhập khẩu xe ô tô, Nguyễn Thị Minh Yến chuyển bộ hồ sơ nhập khẩu cho Trần Hải Đăng. Trần Hải Đăng đã soạn Tờ khai hải quan điện tử, Phụ lục tờ khai hải quan điện tử, Tờ khai trị giá thuế hàng hóa nhập khẩu trên phần mềm khai báo hải quan, Giấy đăng ký kiểm tra chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu; Soạn thảo, tạo dựng, làm giả trên máy vi tính Invoice (hóa đơn) của Công ty BMW AG, điều chỉnh lại danh mục phụ kiện trang bị theo xe (Option) ghi trên Invoice (hóa đơn) theo hướng liệt kê chi tiết các phụ kiện và giá phụ kiện; làm thêm Packing list lô hàng và giấy chứng nhận chất lượng (C/Q).

Sau khi tạo dựng, làm giả Invoice (hóa đơn), Packing list, Trần Hải Đăng tự nghĩ ra 2 chữ ký người nước ngoài, nhờ nhân viên Nguyễn Thị Thanh Hoàng nghĩ ra 2 chữ ký người nước ngoài, ký rồi chuyển lại cho Nguyễn Thị Minh Yến trình Lãnh đạo Công ty Âu Châu ký Hợp đồng mua bán, Tờ khai, Phụ lục tờ khai hải quan và Trần Hải Đăng làm đăng kiểm và làm thủ tục hải quan.

Tại phần công bố cáo trạng của VKS cho thấy, từ tháng 5 đến tháng 6/2013, lợi dụng việc nhập khẩu xe ô tô hiệu BMW từ Đức về bán tại thị trường Việt Nam, với mục đích giảm thuế nhập khẩu và thông quan lô hàng theo 9 hợp đồng mua bán được ký kết với Cty BMW AG, Nguyễn Đăng Thảo, Nguyễn Thị Minh Yến đã lập lại các hợp đồng mua bán, điều chỉnh giảm giá 91 xe ô tô, hoàn thiện hồ sơ khai báo hải quan; thống nhất với Trần Hải Đăng làm giả 91 Invoice (hóa đơn) của Cty BMW AG có giá trị thấp hơn giá trên Invoice (hóa đơn) do Cty BMW phát hành với tổng số tiền là 129.259EUR, để tiến hành làm thủ tục thông quan 91 xe ô tô hiệu BMW có tổng trị giá 2.163.692 EUR (tương đương 60.027.197.566 đồng), gây thiệt hại cho Nhà nước tổng số thuế là 6.456.290.417 đồng.

Bị cáo Trinh (áo trắng, trái sang), đang tại ngoại hầu tra. Ảnh: Tân Châu

Cáo trạng xác định Nguyễn Đăng Thảo đại diện Cty Âu Châu trực tiếp ký các chứng từ, tài liệu giả hoàn thiện thủ tục nhập khẩu 91 xe trên có vai trò chính trong vụ án.

Trần Hải Đăng trực tiếp làm giả các Invoice (hóa đơn) có trị giá thấp hơn, trực tiếp làm thủ tục nhập khẩu 91 xe ô tô; Nguyễn Thị Minh Yến là người có trách nhiệm đặt hàng, nhận bộ chứng từ mua bán, biết rõ và đã thống nhất với Nguyễn Đăng Thảo, Trần Hải Đăng trong việc làm giả hợp đồng, Invoice (hóa đơn) và các tài liệu trong bộ hồ sơ nhập khẩu nên có vai trò đồng phạm giúp sức trong vụ án.

91 xe ô tô trên được nhập khẩu, thông quan bằng thủ đoạn làm giả bộ hồ sơ và giảm giá trị trên hợp đồng, Invoice (hóa đơn) được xác định là hàng hóa buôn lậu. Hiện, Cty Âu Châu đã tiêu thụ hết, các khách hàng khi mua xe ô tô của Công ty Âu Châu đều ký kết hợp đồng mua bán và không biết Cty Âu Châu sử dụng chứng từ giả để nhập khẩu nên không thu hồi các xe ô tô đã tiêu thụ. Do vậy, Cty Âu Châu phải chịu trách nhiệm về giá trị số xe buôn lậu đã tiêu thụ.

Hành vi sai phạm của các bị cáo dẫn đến thiệt hại cho Nhà nước gần 6,5 tỷ đồng. 3 bị cáo Nguyễn Đăng Thảo, Trần Hải Đăng, Nguyễn Thị Minh Yến bị truy tố về tội “Buôn lậu” quy định tại điểm a, b Khoản 4 Điều 188 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Phiên tòa dự kiến diễn ra trong 2 ngày, do thẩm phán Nguyễn Thị Hà làm chủ tọa.

Tân Châu

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/phap-luat/91-xe-bmw-nhap-lau-trot-lot-hai-quan-tphcm-vo-can-1424301.tpo