90% người rối loạn giấc ngủ không biết mình mắc bệnh

Vấn đề rối loạn giấc ngủ rất phổ biến, không chỉ tại Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên chỉ có khoảng 10% nhận biết được tình trạng, được khám và điều trị. 90% còn lại không biết được tình trạng bệnh.

Tư vấn cho bệnh nhân bị rối loạn giấc ngủ

Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng nặng nề, thậm chí có thể tử vong trong khi ngủ…

PGS.TS.BS Ngô Minh Xuân – Hiệu trưởng trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM cho biết, rối loạn giấc ngủ có nhiều dạng như ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn, ngưng thở lúc ngủ do rối loạn trung tâm thần kinh trung ương, và ngưng thở khi ngủ hỗn hợp.

Trong đó ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn chiếm tỷ lệ cao nhất và phổ biến nhất. Đối với bệnh lý này thường có triệu chứng điển hình như: ngáy to, nhức đầu buổi sáng, mất tập trung, dễ cáu gắt, ngủ gà ngủ gật vào ban ngày…

PGS Xuân nhấn mạnh: “Theo thống kê, ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn có thể lên tới 80 triệu chứng khác nhau, tuy nhiên người bệnh thường cho đó là những rối loạn bình thường, không đến cơ sở y tế thăm khám và điều trị.

Trong một số trường hợp, người bệnh có thể gặp phải những tai nạn không mong muốn khi tham gia giao thông hoặc tham gia lao động”.

Cũng theo PGS Xuân, ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn là bệnh lý không chỉ ở nam giới mà cũng xuất hiện nhiều ở nữ giới.

Với những người trẻ dưới 30 tuổi, thống kê cho thấy có tới 40% nam giới có những vấn đề về giấc ngủ, nữ giới trong độ tuổi này có khoảng 20% mắc những biểu hiện tương tự. Với độ tuổi ngoài 60 tuổi, tỷ lệ nam giới ngáy, mất ngủ lên tới 60%, nữ giới khoảng 40%.

Đặc biệt, đối với những người có thể trạng béo phì thì nguy cơ ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn có thể tăng gấp 3 lần so với bình thường. Ngoài ra, những người có thói quen sử dụng thuốc lá, rượu bia, chất gây nghiện, chất an thần… cũng có nguy cơ cao mắc bệnh lý này.

“Ngoài những tai nạn trong cuộc sống, ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm về tim mạch, thần kinh, trầm cảm, đặc biệt có thể dẫn đến đột quỵ, gây tử vong trong đêm.

Nhận định được vai trò cần thiết của việc phát hiện và điều trị sớm rối loạn giấc ngủ, trong những năm gần đây, khi ra nước ngoài tại Pháp, Đức, một số nước ở Châu Âu và Châu Mỹ, chúng tôi đã tiếp cận với các phòng khám để học tập, cũng như định hướng tổ chức 1 trung tâm chẩn đoán điều trị, và đào tạo các vấn đề liên quan đến rối loạn giấc ngủ”- PGS Xuân khẳng định.

GS.TSKH.BS Dương Quý Sỹ - cố vấn khoa học của Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch cho hay, theo một nghiên cứu trên đàn ông Nhật Bản, MRI não phát hiện nhồi máu não âm thầm trên 25% bệnh nhân có hội chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn trung bình và nặng, 8% bệnh nhân có hội chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn nhẹ.

Hậu quả của việc không điều trị hội chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn trên hệ thống tim mạch là các biến cố về tim mạch tăng lên rõ rệt.

Do đó, khi có những biểu hiện về rối loạn giấc ngủ, người bệnh cần được khám và điều trị kịp thời. Nếu được phát hiện sớm, phương pháp điều trị khá đơn giản, tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra.

Ngoài các phương pháp chẩn đoán và điều trị, TS.BS Lê Khắc Bảo (Chuyên gia trong lĩnh vực giấc ngủ, hô hấp) khuyến cáo, người dân cũng cần được giáo dục sức khỏe đúng cách, thay đổi lối sống để làm tốt công tác phòng ngừa.

Theo đó, người dân cần được thông báo các kết quả xét nghiệm, được thông báo mức độ nặng của bệnh lý, về sinh lý bệnh, các diễn biến tự nhiên của bệnh và các bệnh đi kèm; hậu quả của việc không điều trị bệnh,…

Ngoài ra, người dân cần thay đổi lối sống, tăng cường vận động, giảm béo phì, vận dụng những liệu pháp tư thế, tránh rượu bia, thuốc an thần trước khi ngủ…

An Nhiên

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/90-nguoi-roi-loan-giac-ngu-khong-biet-minh-mac-benh-post285256.info