90% người nhiễm viêm gan C chưa biết mình nhiễm bệnh

Đó là cảnh báo được đưa ra tại Hội thảo báo chí 'Viêm gan C: Căn bệnh không loại trừ một ai' do Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI) tổ chức tại Hà Nội chiều 17/7.

Bệnh viêm gan vi rút C (thường gọi tắt là Viêm gan C – VGC) là một căn bệnh nguy hiểm. Bệnh ít có triệu chứng biểu hiện ra ngoài cho đến khi tiến triển thành xơ gan hay ung thư gan. Theo ước tính, trên thế giới có khoảng 130 -150 triệu trường hợp nhiễm vi rút VGC mạn tính, còn tại Việt Nam số người nhiễm VGC cao gấp 4 -5 lần so với số người nhiễm HIV.

Phát biểu tại hội thảo PGS.TS Đỗ Duy Cường (Khoa truyền nhiễm – Bệnh viện Bạch Mai) chia sẻ: “Trong các hội nghị về Viêm gan thì viêm gan C luôn là vấn đề nóng hổi. Nước ta có tỷ lệ nhiễm Viêm gan C trong cộng đồng nói chung chiếm 1 -3% dân số. Khoảng 100 triệu người thì có khoảng 2 triệu người nhiễm viêm gan C tuy nhiên bệnh này tiến triển âm thầm và hầu như không có triệu chứng bởi vậy, việc phát hiện người nhiễm Viêm gan C rất thấp, trên 90% người nhiễm không phát hiện ra bệnh”.

PGS.TS Đỗ Duy Cường phát biểu tại hội thảo (ảnh do SCDI cung cấp)

Mặc dù là căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhưng hiện nay viêm gan C vẫn đang tồn tại nhiều khó khăn trong phát hiện sớm cũng như điều trị. Ngoài việc người dân không biết mình bị bệnh để đi khám thì các nhận thức của y, bác sĩ cũng như nhân viên y tế, nhiều người vẫn cho rằng căn bệnh này không nguy hiểm, không có điều kiện xét nghiệm cũng như không nghĩ đến. Sàng lọc các bệnh vi rút viêm gan hiện nay vẫn chủ yếu là xét nghiệm viêm gan B hoặc tổng kiểm tra sức khỏe thì thường cho làm các xét nghiệm viêm gan B nhiều hơn viêm gan C.

Đồng thời, mặc dù các xét nghiệm sàng lọc bệnh hiện nay không quá khó khăn, không quá tốn kém về mặt chi phí, chỉ khoảng trên dưới 100 nghìn đồng là có thể phát hiện ra bệnh, tuy nhiên chi phí đó cũng vẫn là một trong những trở ngại đối với một số bộ phận người dân. Có những nơi người dân vẫn không đủ điều kiện để làm các xét nghiệm sàng lọc do đó nên đưa xét nghiệm sàng lọc vào các chương trình bảo hiểm để tăng cường phát hiện sớm.

Cùng với đó, đã phát hiện sớm rồi thì phải đưa người bệnh vào tiếp cận với điều trị. Việc phát hiện sớm, điều trị sớm có thể đem lại tỷ lệ thành công cao cũng như không để lại những di chứng về sau do căn bệnh này đem lại.

“Khi số lượng phát hiện thấp những người được tiếp cận điều trị cũng rất thấp, ước tính có 10% được tiếp cận điều trị. Do đó, phải làm thế nào để tăng cường sàng lọc phát hiện bệnh sớm cũng như tiếp cận điều trị sớm là trách nhiệm của cơ quan quản lý cũng như các nhà chuyên môn”, bác sĩ Cường nhấn mạnh.

My Nguyễn

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/90-nguoi-nhiem-viem-gan-c-chua-biet-minh-nhiem-benh-76759.html