90 ngày thách thức sau bữa tối thân mật Mỹ - Trung tại G20

Một cái nhìn thận trọng về lệnh ngừng tăng thuế được hai nhà lãnh đạo Trump - Tập thống nhất tại bàn ăn hôm 1/12.

Hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung cùng phái đoàn đã cùng đối thoại trong bữa ăn tối tại Buenos Aires, Argentina hôm 1/12.

Sau hàng tháng duy trì mối đe dọa thuế quan đối với tất cả, Mỹ - Trung cuối cùng cũng thống nhất không tăng thuế dưới mọi hình thức cho đến ngày 1/1, tiến tới đồng ý về loạt các thỏa thuận trong vòng 90 ngày.

Việc tái tổ chức giữa hai bên chắc chắn sẽ mang lại một quãng nghỉ cho thị trường và các nhà đầu tư. Những nguy cơ đối với thị trường cổ phiếu châu Á vào thứ 2 tới do lo ngại về một cuộc chiến thương mại trầm trọng hơn thì nay đã tạm mờ đi. Đây hoàn toàn không phải sự lo lắng vô cớ, khi cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã là một nguy cơ chính với các nhà đầu tư trong năm nay, đe dọa dự báo kinh tế của nhiều quốc gia trên khắp khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, ít nhất vẫn còn hai vấn đề cần suy nghĩ thấu đáo trước khi ai đó có ý định ăn mừng vì món quà Giáng sinh sớm này.

Ai được - mất bao nhiêu?

Tổng thống Trump đã cố gắng để Bắc Kinh đồng ý thương thảo về một số điểm trong vấn đề giảm thâm hụt thương mại giữa hai quốc gia, bằng cách để Trung Quốc mua thêm một lượng lớn hàng hóa nông nghiệp, năng lượng và công nghiệp từ Mỹ.

Ngoài ra, còn có thỏa thuận về vụ sáp nhập Qualcomm và NXP Semiconductors - những nạn nhân không mong muốn của cuộc chiến thương mại - khi ông Tập hứa sẽ "cởi mở" phê chuẩn sau khi từng phản đối hồi đầu năm nay.

Tuy nhiên, các nhà phân tích tỏ ra khá thận trọng khi nói về bước tiến mới của thương mại Mỹ - Trung, khi cho rằng ngôn ngữ của Bắc Kinh trong thỏa thuận này là khá mơ hồ và không có sự ràng buộc - nghĩa là không rõ chính quyền ông Tập sẽ cởi mở thêm bao nhiêu phần hay nước này sẽ nhập khẩu thêm số lượng bao nhiêu từ Mỹ.

Washington như đang gia tăng thời gian suy nghĩ cho Bắc Kinh, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ điện tử và việc Trung Quốc sẽ quyết "hy sinh" bao nhiêu sẽ phần nào định nghĩa chính xác thỏa thuận này là một "lệnh ngừng bắn" tạm thời, hay sẽ là một sự viết lại về mối quan hệ Mỹ - Trung mang tính lâu dài, ổn định hơn.

Vấn đề về thời gian

Đây là một phần quan trọng của thỏa thuận. Trung Quốc và Mỹ đã đồng ý ngay lập tức bắt đầu các cuộc đàm phán về thay đổi cấu trúc liên quan đến chuyển giao công nghệ bắt buộc, bảo vệ sở hữu trí tuệ, hàng rào phi thuế quan, xâm nhập không gian mạng và lĩnh vực dịch vụ, nông nghiệp - trong vòng 90 ngày tới.

Nếu cả hai bên không thể đạt được thỏa thuận, mức thuế 10% hiện tại sẽ được tăng lên đến 25%. Hạn chót này đưa chúng ta qua kỳ nghỉ Tết Nguyên đán và về cơ bản, thỏa thuận đang "mua" thêm nhiều thời gian hơn của cả hai bên.

Một điều đáng chú ý là mốc thời gian 90 ngày dường như không được đề cập nhiều trên các phương tiện truyền thông hay chính quyền Trung Quốc - điều này có thể đang là một nỗ lực nhằm định hình thỏa thuận này như một chiến thắng tuyệt đối với Chủ tịch Tập Cận Bình, thay vì chỉ là một các vỗ nhẹ với nền kinh tế quốc gia. Điều này cũng là dễ hiểu, khi ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G20 người ta đã dự đoán nhiều về một tuyên bố chung giữa hai ông Trump - Tập như là một phương thức khẩn thiết đối với cả hai trong việc củng cố hình ảnh tại quê nhà.

Các mối đe dọa thuế quan sẽ tạm ngừng - ít nhất là trong thời điểm này, nhưng vẫn còn thiếu quá nhiều chi tiết để có thể khẳng định thị trường thế giới nói chung vẫn bình ổn sau 3 tháng nữa.

Hơn hết, một xung đội trầm trọng sau 3 tháng tới, nếu có, thì có thể không chỉ còn là vấn đề thương mại, khi hiện nay đã có những đợt sóng ngầm tại Nhà Trắng về hạn chế thị thực với các học giả và sinh viên Trung Quốc. Bởi vậy, nếu hai bên không đi đến một thỏa thuận đáng tin cậy lúc này, mọi thứ có thể tồi tệ hơn nhiều trong tương lai.

Hương Thảo (Theo BBC)

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/90-ngay-thach-thuc-sau-bua-toi-than-mat-my-trung-tai-g20-331114.html