90 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo - Bài 1: Ổn định tư tưởng để sáp nhập xã

Ngành Tuyên giáo của Đảng đã có quá trình 90 năm (01/8/1930 - 01/8/2020) trưởng thành, phát triển, gắn với lịch sử đấu tranh của Đảng và dân tộc; có vị trí, vai trò, nhiệm vụ to lớn trong tiến trình cách mạng Việt Nam, trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Tại Nghệ An, hệ thống tuyên giáo các cấp ngày càng được củng cố, kiện toàn; đội ngũ cán bộ tuyên giáo không ngừng phát triển về số lượng, lớn mạnh về chất lượng; ngày càng thể hiện được tính chủ động, tính chiến đấu, vài trò đi trước, mở đường cho sự nghiệp đổi mới xây dựng, phát triển.

Người dân đến giao dịch tại bộ phận một cửa xã Đại Đồng, huyện Thanh Chương, Nghệ An. Ảnh: Nguyễn Văn Nhật/TTXVN

Người dân đến giao dịch tại bộ phận một cửa xã Đại Đồng, huyện Thanh Chương, Nghệ An. Ảnh: Nguyễn Văn Nhật/TTXVN

Sáp nhập các đơn vị cấp xã không đáp ứng đủ tiêu chí về diện tích, dân số nhằm giảm đầu mối đơn vị hành chính theo hướng tinh gọn, tiết kiệm nguồn lực ngân sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền các cấp là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và đây là việc làm không đơn giản khi mà thói quen, tập tục, điều kiện kinh tế - xã hội và những khó khăn khác từ thực tiễn nảy sinh. Tuy nhiên, tại Nghệ An việc sáp nhập các đơn vị cấp xã đã cơ bản thành công, đáp ứng được với những quy định của Trung ương và của tỉnh đề ra dựa trên sự đóng góp to lớn của công tác tuyên giáo trong việc ổn định tư tưởng, tạo sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên, nhân dân.

Khó khăn chồng chất

Trước đây, các xã Thanh Tường, Thanh Văn, Thanh Hưng (huyện Thanh Chương, Nghệ An) là những xã riêng biệt. Ở từng xã đều có trụ sở, nhà văn hóa các xóm riêng biệt; hệ thống cán bộ từ xã xuống xóm được bố trí, sắp xếp đầy đủ, có tính ổn định cao và phần lớn là người địa phương của riêng từng xã. Thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW, ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị về sắp xếp các đơn vị hành chính, cả 3 xã được sáp nhập thành một xã với tên gọi mới là Đại Đồng. Xã Đại Đồng có diện tích tự nhiên 15,88 km2, dân số 5.005 hộ với 15.361 khẩu; đảng bộ xã có 25 chi bộ trực thuộc, tổng số đảng viên 821 đồng chí. Sau sáp nhập, Đại Đồng trở thành một trong những xã có diện tích, dân số, số đảng viên nhiều nhất trong huyện.

Trong quá trình sáp nhập từ 3 xã để trở thành một xã, rất nhiều khó khăn nảy sinh trong thực tế, trong đó có những khó khăn phát sinh mà trước đây khi đang riêng lẻ từng xã chưa từng gặp. Có cả những khó khăn do phong tục, tập quán, thói quen, do điều kiện tự nhiên, khoảng cách địa lý, hạ tầng cơ sở, bố trí cán bộ… Hàng loạt khó khăn, trong đó có những khó khăn không dễ để xử lý được ngay.

Trước khi sáp nhập, với nhiều nỗ lực của riêng từng địa phương, cả 3 xã Thanh Tường, Thanh Văn, Thanh Hưng đều đã về đích nông thôn mới, đồng nghĩa với việc trước khi sáp nhập, các xã đã tập trung nhân lực, vật lực và có những bước đi riêng để đẩy mạnh và đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới, gắn với đó hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng được chú trọng đầu tư một cách bài bản, đồng bộ. Sáp nhập các xã lại với nhau trở thành một xã, ít nhiều sẽ lãng phí về cơ sở vật chất, trụ sở. Trước đây 3 xã có 3 trụ sở, có những trụ sở được xây dựng khang trang, nhưng cũng chỉ đáp ứng cho hoạt động, làm việc của cấp xã khi đó. Giờ đây khi sáp nhập, chọn đặt trụ sở ở xã nào, trụ sở xã mới có đáp ứng được cho nhu cầu làm việc sau sáp nhập không là cả một vấn đề, đó là chưa nói đến nhà văn hóa, trụ sở các thôn. Đây không chỉ là băn khoăn trong nhân dân mà còn trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và đây cũng là những băn khoăn, lo lắng chính đáng.

Ông Nguyễn Văn Thùy, Bí thư Đảng ủy xã Đại Đồng, huyện Thanh Chương cho biết, các xã tuy cùng giáp ranh nhau và cùng chung một đơn vị cấp huyện quản lý, chỉ đạo, nhưng giữa các xã, ít nhiều có sự khác nhau về truyền thống, về phong tục, tập quán, về sự hình thành, phát triển của cộng đồng dân cư, làng xã, họ tộc trong từng xã…. Những đặc thù này cũng làm ảnh hưởng trực tiếp đến tiến trình sáp nhập các xã. Không chỉ khó khăn về vấn đề trụ sở, cơ sở vật chất, khó khăn lớn hơn nữa đó là dư thừa về đội ngũ cán bộ. Trước đây một xã, bây giờ bộ máy từ 3 xã nhập về trở thành một, dẫn đến hàng loạt cán bộ sẽ dư thừa.

Đảng ủy xã Thanh Phong, huyện Thanh Chương, Nghệ An triển khai công tác Tuyên giáo và các nhiệm vụ khác tại địa phương. Ảnh: Nguyễn Văn Nhật/TTXVN

Ông Phan Đình Hà, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Thanh Chương cho biết, trước đây 3 xã, đương nhiên có 3 Bí thư, 3 Chủ tịch, 6 Phó Chủ tịch và nhiều cán bộ chuyên trách, bán chuyên trách khác. Trong số đó có cả những cán bộ trẻ được đào tạo bài bản, có người học chính quy, kinh nghiệm nhiều năm công tác tại địa phương, người đang có uy tín, hội đủ bằng cấp, đạt chuẩn về trình độ chuyên môn theo quy định. Giải quyết bài toán dôi dư cán bộ ra sao, lộ trình thực hiện thế nào là cả một bài toán không đơn giản cho huyện và cho các xã khi thực hiện việc sáp nhập. Chọn ai làm trưởng, chủ trì, đúng đầu các đơn vị, đoàn thể là bài toán rất khó vì nếu không hợp lý sẽ trở thành băn khoăn trong chính đội ngũ cán bộ, đảng viên. Một khi đã băn khoăn, không thông được vấn đề tư tưởng, giải quyết, xử lý không kịp thời, phù hợp sẽ dần trở thành những tâm tư, thậm chí là phức tạp, dễ trở thành điểm nóng.

"Thực tế tại địa phương trong quá trình sáp nhập, một số đồng chí xin nghỉ theo chế độ, nhưng phần lớn thì chưa biết thế nào, vẫn mong muốn tiếp tục được cống hiến, được làm việc. Ban Thường vụ xã sau sáp nhập thì đã rõ rồi, vị trí từng người đều được xác định một cách cụ thể, nhưng các tổ chức đoàn thể, việc bố trí, sắp xếp thế nào, cụ thể ra sao vẫn đang là bài toán khó", ông Phan Đình Hà chia sẻ.

Lấy đồng thuận làm gốc

Ông Trình Văn Nhã, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Chương, Nghệ An cho biết, công tác tuyên giáo, công tác tư tưởng rất quan trọng. Tại xã Đại Đồng, huyện và xã đã làm tốt công tác tư tưởng trong việc sắp xếp, bố trí tổ chức bộ máy, cán bộ, vẫn tạo được các phong trào tốt đi vào hoạt động. Ông Nguyễn Văn Thùy, Bí thư Đảng ủy xã Đại Đồng khẳng định, bài học quan trọng của việc sáp nhập mà xã rút ra, đó là lấy đồng thuận của cán bộ, đảng viên, nhân dân làm gốc, coi đó là thước đo của thành công. Thực tế sáp nhập các thôn xóm trong từng xã đã khó rồi, sáp nhập các xã lại với nhau còn khó hơn.

Để làm tốt công tác sáp nhập, lãnh đạo huyện Thanh Chương và các phòng, ban liên quan trong huyện đã quan tâm, chỉ đạo, có cả việc cử cán bộ về dự sinh hoạt tại các xã, với đảng bộ, chi bộ ở các xã để triển khai các nghị quyết, kế hoạch của Trung ương, của tỉnh và của huyện liên quan đến việc sáp nhập. Thông qua quán triệt, cung cấp, định hướng thông tin, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong các xã đã nâng cao được nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc sáp nhập.

Trong quá trình sáp nhập, mỗi phần việc liên quan đều được thực hiện đúng quy trình, quy định, có cả việc xin ý kiến đảng viên, nhân dân. Việc lấy ý kiến được thực hiện một cách dân chủ, công khai; gắn với đó thường xuyên nắm bắt tư tưởng, dư luận xã hội để kịp thời xử lý các vướng mắc, định hướng tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, nhân dân. Hệ thống tuyên giáo của huyện và của xã đã vào cuộc một cách tích cực để nắm bắt dư luận của đảng viên, nhân dân trước khi tham mưu với cấp ủy, chính quyền trong việc tiến hành các bước sáp nhập. Vì vậy khi ban hành quyết định, công bố quyết định sáp nhập rồi thì cán bộ, đảng viên, nhân dân đồng thuận rất cao.

Lãnh đạo Huyện ủy và Ban Tuyên giáo huyện Thanh Chương trao đổi ý kiến về công tác Tuyên giáo với người dân xã Thanh Phong, huyện Thanh Chương, Nghệ An.

Đơn cử như trong công tác cán bộ, huyện Thanh Chương chú trọng làm công tác tư tưởng với cán bộ chủ chốt, cán bộ sắp đến tuổi nghỉ hưu và những thành phần khác trên địa bàn. Công tác tư tưởng đã gỡ khó cho công tác cán bộ, giúp giải quyết ổn thỏa dần đội ngũ cán bộ, công chức và những người hoạt động không chuyên trách tại địa phương. Ngay như việc chọn đặt trụ sở xã sau khi sáp nhập ở đâu cũng được xã và huyện tiến hành một cách bài bản, khoa học, đúng theo hướng dẫn, quy định của huyện và của tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Thùy, Bí thư Đảng ủy xã Đại Đồng cho biết, để làm tốt công tác tư tưởng thì bằng nhiều kênh, kể cả trong các cuộc hội họp, tuyên truyền miệng, xã và huyện đã tập trung tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên, người dân biết chủ trương, quy trình, hình dung được các phần việc trong tiến trình sáp nhập; thấy được việc sáp nhập là tất yếu vì các xã không đáp ứng đủ tiêu chí theo quy định.

Sau khi có Nghị quyết về sáp nhập xã của Trung ương, được sự chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện Thanh Chương, Ban Thường vụ mới được chỉ định thành lập, cùng với đó giải thể 3 đảng bộ xã, thành lập đảng bộ xã mới. Ban Thường vụ xã sớm tổ chức họp để chỉ đạo, triển khai các nội dung công việc liên quan. Sau khi có chủ trương về tinh giản biên chế, sắp xếp, đổi mới tổ chức bộ máy, cấp ủy chính quyền đã chỉ đạo xây dựng triển khai mô hình: Văn phòng - Thống kê kiêm Văn phòng cấp ủy, Bí thư kiêm xóm trưởng. Kịp thời xây dựng và ban hành quy chế làm việc, chương trình hành động, phân công cụ thể cho từng thành viên Ban thường vụ Đảng ủy xã, cấp ủy phụ trách đơn vị đảm bảo quy chế hoạt động.

Chính việc coi trọng công tác tư tưởng nên xã đã gỡ khó được nhiều vấn đề. Tại địa phương không có việc cán bộ, đảng viên trao đổi nhóm này nọ, phát biểu trái với quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước; Đảng bộ, nhân dân trong xã đồng thuận, đoàn kết, thống nhất cao. Dẫn ví dụ về Đại hội đảng bộ xã Đại Đồng nhiệm kỳ 2020 - 2025 vừa rồi, ông Trình Văn Nhã, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Chương cho biết, khâu tư tưởng lớn nhất, thành công nhất vừa rồi, đó là tổ chức đại hội đảng sau sáp nhập thành công, số phiếu tập trung cao, không có phe xã này, phe xã kia…Có được như vậy là do công tác tuyên truyền, công tác tư tưởng được huyện và xã làm một cách bài bản, phù hợp với tình hình tại địa phương.

Theo ông Nguyễn Văn Thùy, Bí thư Đảng ủy xã Đại Đồng, sau sáp nhập, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, ổn định; đội ngũ cán bộ, công chức đảm bảo đủ điều kiện cho thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương. Kết quả sau sáp nhập, từ tổng số 29 thôn còn lại 14 thôn, từ 41 chi bộ nay còn lại 25 chi bộ; số lượng cán bộ, công chức xã giao từ đầu năm 2020 là 63 người, sau sáp nhập còn 53 người, giảm được 10 người; số lượng người hoạt động không chuyên trách cấp xã giao 32 người, bố trí 21 người; số lượng người hoạt động không chuyên trách cấp xóm năm 2019 có 116 người thì đến nay còn 70 người.

Tuy đạt được những kết quả quan trọng sau sáp nhập, nhưng hiện nay xã Đại Đồng vẫn đang gặp một số khó khăn nảy sinh. Ông Nguyễn Văn Thùy, Bí thư Đảng ủy xã Đại Đồng cho biết, cùng với các giải pháp khác thì một trong những giải pháp quan trọng nhất, đó là xã tiếp tục đổi mới công tác tư tưởng, làm chuyển biến mạnh mẽ tư duy; thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định của Trung ương và địa phương; thường xuyên nắm bắt tư tưởng, dư luận, tâm tư, tình cảm trong cán bộ, đảng viên.

Bài 2: Tháo gỡ "điểm nóng" ở cơ sở

Bài, ảnh: Nguyễn Văn Nhật (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/90-nam-ngay-truyen-thong-nganh-tuyen-giao-bai-1-on-dinh-tu-tuong-de-sap-nhap-xa-20200731130507502.htm