90 năm Đảng bộ TP Hà Nội: Tiếp nối những trang sử vàng của Thủ đô anh hùng

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã 90 mùa Xuân (3/2/1930 - 3/2/2020); tiếp theo đó Đảng bộ Hà Nội cũng đã ra đời vào mùa Xuân lịch sử ấy (17/3/1930 -17/3/2020). Trải qua 90 mùa xuân, với trí tuệ, bản lĩnh và nghị lực kiên cường; với tinh thần chủ động, sáng tạo, bằng ý thức đoàn kết, gắn bó máu thịt với Nhân dân, được Nhân dân tin yêu, ủng hộ và bảo vệ, Đảng bộ Hà Nội đã lãnh đạo Nhân dân đạt được nhiều thành tựu to lớn, nổi bật.

 Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Đại hội đại biểu Đảng bộ Hà Nội (đợt 2) bàn tình hình, nhiệm vụ của Đảng bộ TP, ngày 1/2/1961

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Đại hội đại biểu Đảng bộ Hà Nội (đợt 2) bàn tình hình, nhiệm vụ của Đảng bộ TP, ngày 1/2/1961

Đảng bộ đi đầu trong mọi phong trào

Tháng 3/1929, các đồng chí lãnh đạo trong Kỳ bộ Bắc Kỳ và Tỉnh bộ Hà Nội đã họp tại nhà 5D phố Hàm Long và thành lập Chi bộ 5D Hàm Long. Ngày 17/9/1929, tại số nhà 312 phố Khâm Thiên, Hà Nội, Đông Dương Cộng sản Đảng đã ra đời. Như vậy, Chi bộ Cộng sản 5D Hàm Long và Đông Dương Cộng sản Đảng là những tổ chức Cộng sản đầu tiên ở trong nước đã được thành lập tại Hà Nội, cùng với An Nam Cộng sản Đảng (tháng 9/1929 ở Nam Kỳ) và Đông Dương Cộng sản Liên đoàn (1/1/1930) ở Trung Kỳ.

Từ ngày 6/1/1930 đến ngày 7/2/1930, tại Cửu Long (Hương Cảng, Trung Quốc), Hội nghị hợp nhất Đảng đã họp và Đảng cộng sản Việt Nam đã ra đời vào ngày 3/2/1930. Sau sự kiện vĩ đại đó, ngày 17/3/1930, tại nhà số 42, phố Hàng Thiếc, Ban Chấp hành lâm thời của Đảng bộ Hà Nội được thành lập. Đảng bộ Hà Nội có vinh dự là Đảng bộ được thành lập sớm nhất cả nước.

Lịch sử ra đời, đấu tranh, xây dựng và phát triển của Đảng bộ Hà Nội luôn gắn chặt với quá trình đấu tranh cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đã qua 90 mùa xuân, với trí tuệ, bản lĩnh và nghị lực kiên cường; với tinh thần chủ động, sáng tạo, cụ thể hóa các quan điểm, nghị quyết, chủ trương của T.Ư Đảng, đề ra những quyết sách phù hợp với đặc thù từng thời kỳ lịch sử; bằng ý chí phấn đấu không ngại gian khó, không sợ hy sinh của đội ngũ cán bộ, đảng viên; bằng ý thức đoàn kết, gắn bó máu thịt với Nhân dân, được Nhân dân tin yêu, ủng hộ và bảo vệ; Đảng bộ Hà Nội đã lãnh đạo Nhân dân đạt được nhiều thành tựu to lớn, nổi bật.

Quang cảnh Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ X (17/10/1986). Ảnh: TTXVN

Một là, Đảng bộ Hà Nội đã lãnh đạo thành công cuộc đấu tranh giành chính quyền về tay Nhân dân với cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945. Nắm bắt thời cơ đến, bằng sự nhạy bén, năng động, sáng tạo, chỉ với gần 50 đảng viên của Đảng bộ, song sức mạnh của cách mạng đã nhân lên gấp bội khi Đảng bộ đã tập hợp được đông đảo các tầng lớp Nhân dân nhất tề đứng dậy, giành chính quyền về tay Nhân dân. Cách mạng tháng Tám thành công ở Hà Nội là kinh nghiệm thực tiễn quý giá để Đảng ta kịp thời chỉ đạo cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám thắng lợi trong cả nước, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Hai là, Đảng bộ Hà Nội lãnh đạo cuộc đấu tranh bảo vệ thành quả cách mạng và tiến hành thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Trong thế hiểm nghèo “ngàn cân treo sợi tóc”, dưới sự lãnh đạo của T.Ư Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ Hà Nội đã lãnh đạo Nhân dân thực hiện cuộc đấu tranh chống thù trong, giặc ngoài, bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ của T.Ư và Hà Nội. Hà Nội đã mở đầu toàn quốc kháng chiến với ý chí: “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, đã sáng tạo nhiều hình thức chiến đấu, làm tiêu hao lực lượng địch và kìm chân chúng ở Thủ đô, chặn đứng mưu toan “Đánh nhanh thắng nhanh”. Đây là đóng góp có ý nghĩa to lớn giúp T.Ư cùng cả nước chuẩn bị cho cuộc kháng chiến trường kỳ. Trong những năm kháng chiến, Đảng bộ Hà Nội vừa gây dựng, củng cố tổ chức ở cả vùng tự do và vùng địch tạm chiếm, vừa lãnh đạo quân dân Hà Nội tham gia cuộc chiến đấu chung trên chiến trường cả nước, vừa trực tiếp chiến đấu trên địa bàn Hà Nội.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy (ngày 7/5/1954), ngày 10/10/1954, Hà Nội sạch bóng quân xâm lược, Thủ đô được giải phóng, trở lại vị trí trung tâm, đầu não chính trị của cả nước.

Ba là, Đảng bộ Hà Nội lãnh đạo Nhân dân giành thắng lợi trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Thủ đô trong giai đoạn vừa hòa bình, vừa chiến tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược.

Quãng thời gian 1954 - 1975 là quãng thời gian có nhiều sự thử thách nghiệt ngã, song cũng rất tự hào của Đảng bộ Hà Nội. Trên thực tế từ 1954 - 1964, về cơ bản Hà Nội có hòa bình, nhưng đặt trong tình hình nửa nước đang phải sống trong ách xâm lược tàn bạo của đế quốc Mỹ. Hà Nội một mặt tập trung sức khôi phục và phát triển kinh tế, nhanh chóng hàn gắn các vết thương chiến tranh; đồng thời cùng miền Bắc tích cực chi viện sức người, sức của cho cách mạng miền Nam. Từ 1965 - 1975, đế quốc Mỹ tăng cường và mở rộng chiến tranh xâm lược ra cả nước bằng không quân và hải quân. Trong đó Hà Nội phải đối đầu và đã đánh thắng cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B52 trong 12 ngày đêm cuối năm 1972, lập nên kỳ tích “Điện Biên Phủ trên không”, được thế giới ngợi ca là “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”. Dưới sự lãnh đạo của T.Ư Đảng, Bác Hồ; sau đó là thực hiện Di chúc của Bác, Đảng bộ và Nhân dân Hà Nội đã làm nên nhiều thành tựu mới, bước đầu xây dựng Thủ đô XHCN, đồng thời ra sức chi viện cho cách mạng miền Nam. Chỉ tính riêng sức người, Hà Nội đã có hơn 11.000 người con ưu tú hy sinh anh dũng cho sự nghiệp giải phóng hoàn toàn miền Nam, góp sức thu non sông về một mối.

Bốn là, Đảng bộ Hà Nội lãnh đạo Nhân dân Thủ đô cùng cả nước thực hiện công cuộc đổi mới. Giai đoạn 1975 - 1985, cả nước cùng Hà Nội lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng. Cơ chế kế hoạch hóa tập trung cao độ gắn với chế độ bao cấp vốn thích ứng với thời kỳ chiến tranh, nay không còn phù hợp nữa. Trong bối cảnh đó, Thành ủy Hà Nội đã mạnh dạn đổi mới tư duy, phong cách làm việc, vừa lo lãnh đạo giải quyết những nhiệm vụ cấp bách trước mắt, vừa chỉ đạo sửa đổi, tìm tòi cơ chế, chính sách mới để khắc phục tình trạng trì trệ, tạo tiền đề để Hà Nội bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội.

Bắt đầu từ Đại hội X Đảng bộ TP (tháng 10/1986) đến tháng 8/2008, Đảng bộ TP đã cùng toàn Đảng bước vào thời kỳ đổi mới, xây dựng, phát triển, hoàn thiện cơ chế kinh tế mới, từng bước đưa Hà Nội ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, đẩy mạnh sự nghiệp CNH, HĐH theo định hướng XHCN nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ X và các nghị quyết Đại hội sau đó.

Thực hiện chủ trương của Hội nghị lần thứ Sáu, Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa X (tháng 1/2008) và tiếp đó là Nghị quyết 15 ngày 29/5/2008 của Quốc hội Khóa XII, từ 1/8/2008, Hà Nội mở rộng địa giới hành chính để đáp ứng nhu cầu xây dựng Thủ đô trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế, ngang tầm với một Thủ đô của một đất nước 100 triệu dân trong tương lai gần và 120 triệu dân trong tương lai không xa. Theo định hướng đó, Thủ đô Hà Nội đang phấn đấu vươn lên vị thế mới, “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như lời tâm nguyện của Bác Hồ. Tăng trưởng GRDP luôn duy trì ở mức cao, bình quân hơn 7%/năm, thu ngân sách bảo đảm, xuất khẩu tăng, môi trường đầu tư kinh doanh tích cực được cải thiện (chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2018 xếp thứ 9/63) hoàn thành sớm 2 năm mục tiêu nhiệm kỳ; thu hút đầu tư nước ngoài vươn lên dẫn đầu cả nước (năm 2019 đạt 8,05 tỷ USD mức cao nhất trong 30 năm đổi mới và hội nhập); an sinh xã hội được đảm bảo, tỷ lệ huyện, xã đạt chuẩn nông thôn mới tăng cao hàng năm...

Với những thành tựu to lớn đã đạt được, Thủ đô Hà Nội vinh dự được T.Ư Đảng, Nhà nước, tặng thưởng những danh hiệu cao quý: Huân chương Sao vàng lần thứ Nhất năm 1984; lần thứ 2 năm 2004; lần thứ 3 năm 2010; Danh hiệu “Thủ đô anh hùng” năm 2000; Huân chương Hồ Chí Minh năm 2014; được UNESCO tặng danh hiệu “Thành phố Vì hòa bình” năm 1999; 1 Huân chương Độc lập, 31 Huân chương lao động và 4 năm liên tiếp (từ 2016) được nhận Cờ thi đua Chính phủ...

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ với các đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải

Tự hào về những truyền thống vẻ vang

Lịch sử 90 năm Đảng bộ Hà Nội là lịch sử đấu tranh, xây dựng, phát triển và trưởng thành. Cũng chính trong quá trình này, Đảng bộ Hà Nội đã tích lũy, hun đúc nên những truyền thống vẻ vang mà hôm nay cán bộ, đảng viên, Nhân dân Hà Nội có trách nhiệm phải ra sức giữ gìn, phát huy.

Một là, truyền thống luôn kiên định mục tiêu, lý tưởng của Đảng là độc lập dân tộc gắn liền với CNXH. Trong bất kỳ điều kiện nào, lúc thuận lợi cũng như lúc khó khăn, dù trong chiến tranh ác liệt cũng như trong hòa bình xây dựng, các thế hệ cán bộ, đảng viên của Đảng bộ Hà Nội luôn luôn vững vàng về bản lĩnh chính trị, không ngả nghiêng, dao động hoặc mơ hồ về mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng.

Luôn tin tưởng tuyệt đối vào nền tảng tư tưởng của Đảng, quan điểm, đường lối, nghị quyết, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tin tưởng vào thắng lợi tất yếu của CNXH.

Hai là, truyền thống chủ động, năng động sáng tạo trong quá trình vận dụng quan điểm, đường lối, nghị quyết, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào đặc thù Thủ đô; đề ra những chủ trương, quyết sách phù hợp thực tiễn Hà Nội ở từng giai đoạn và tổ chức thực hiện thắng lợi những chủ trương, quyết sách đã đề ra.

Do điều kiện tự nhiên và lịch sử quy định, Hà Nội là mảnh đất tiêu biểu cho lịch sử hàng ngàn năm văn hiến của dân tộc ta. Hà Nội là trái tim của cả nước, đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, kinh tế và giao dịch của cả nước. Tính chất trung tâm, tính chất đầu não ấy của Hà Nội đã chế định tầm quan trọng vị thế của Hà Nội. Mỗi bước phát triển, mỗi biến cố của Hà Nội có ảnh hưởng rất lớn tới tình hình của cả nước.

Từ ý thức sâu sắc về vị trí, vai trò quan trọng của Thủ đô và niềm tự hào về trách nhiệm của Đảng bộ Hà Nội đối với Đảng và đất nước, Đảng bộ Hà Nội đã không ngừng phấn đấu, hun đúc nên truyền thống chủ động, năng động, sáng tạo, chống giáo điều, xơ cứng, chống bảo thủ, trì trệ hoặc vô nguyên tắc, chệch hướng XHCN.

Ba là, truyền thống đoàn kết. Trong quá trình xây dựng và phát triển, Đảng bộ Hà Nội luôn thấm sâu lời dạy của Bác Hồ: Mỗi cán bộ, đảng viên phải giữ gìn sự đoàn kết “như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Với Đảng bộ Hà Nội, việc bảo đảm sự đoàn kết, nhất trí lại càng quan trọng, là nhân tố hàng đầu làm nên thắng lợi.

Trong quá trình phát triển, Thủ đô Hà Nội đã có nhiều lần chia tách, sáp nhập, nhất là lần mở rộng địa giới hành chính Thủ đô theo Nghị quyết số 15 của Quốc hội (Khóa XII), công tác sắp xếp bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức với phương châm: Đoàn kết, hợp tác, trách nhiệm được thấu suốt ở mọi ngành, mọi cấp, có lý, có tình. Nhờ vậy đã nhanh chóng ổn định được tình hình, tạo đà cho Hà Nội tiếp tục phát triển với một vị thế mới, tầm cao mới.

Bốn là, truyền thống gắn kết mật thiết với Nhân dân. Đảng bộ Hà Nội nhận thức sâu sắc sức mạnh của Đảng là từ sự gắn bó máu thịt với Nhân dân. Toàn bộ hoạt động của Đảng bộ không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của Nhân dân. Nhiệm vụ cách mạng từng giai đoạn, từng thời kỳ có thể thay đổi, nhưng mục tiêu tất cả vì lợi ích, hạnh phúc của Nhân dân thì không bao giờ thay đổi.

Ngày nay, bên cạnh đông đảo cán bộ, đảng viên giữ gìn và phát huy tốt truyền thống gắn kết mật thiết với Nhân dân, vừa là người lãnh đạo, vừa là người công bộc phục vụ Nhân dân, vẫn còn không ít cán bộ, đảng viên quan liêu, xa dân, sa vào “lợi ích nhóm”, sa vào chủ nghĩa cá nhân, suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Những cán bộ, đảng viên nêu trên, về thực chất là đang phản bội lý tưởng của Đảng, lợi ích của Dân, làm suy giảm niềm tin của Dân với Đảng. Những biểu hiện này càng nhắc nhở Đảng bộ phải thường xuyên giữ gìn và phát huy truyền thống gắn kết mật thiết giữa Đảng với Dân ngày hôm nay.

Năm là, truyền thống tiên phong, gương mẫu, nhân văn trong mỗi cán bộ, đảng viên. Sống và hoạt động trên mảnh đất Thủ đô ngàn năm văn hiến, nơi hội tụ, kết tinh và lan tỏa, nơi lắng hồn sông núi, mỗi cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ Hà Nội đã và đang nêu cao tính tiên phong về bản lĩnh chính trị, về trí tuệ, về đạo đức, lối sống, xứng đáng với Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến của dân tộc đã hun đúc nên phẩm chất thanh lịch, văn minh, nhân văn của người Hà Nội.

Trước đòi hỏi của giai đoạn cách mạng mới, mỗi cán bộ, đảng viên Hà Nội thấm sâu yêu cầu, đặt lợi ích của Tổ quốc, của Nhân dân, của xã hội, của tổ chức, của tập thể lên trên lợi ích gia đình và cá nhân, nêu cao đức tính tiên phong, gương mẫu, nhân văn - nhân tố quan trọng của văn hóa, tạo nên động lực mới, sức mạnh mới.

TP Hà Nội ngày càng phát triển.

Chuyển hóa truyền thống thành nguồn lực xây dựng Thủ đô

Những truyền thống vẻ vang của Đảng bộ Hà Nội trong 90 mùa xuân qua cần trở thành sức mạnh, thành nguồn lực trong sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô giàu đẹp, văn minh, hiện đại. Cùng với nhiệm vụ hàng đầu là thường xuyên chăm lo xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức, việc biến những truyền thống vẻ vang của Đảng bộ được hun đúc trong 90 năm qua thành nguồn lực quan trọng để tiếp sức cho Đảng bộ tiếp tục đi lên trong thời kỳ mới với thời cơ và thách thức đan xen. Đó là: (1) Phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò lãnh đạo của Đảng bộ, trên cơ sở Đảng bộ thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn; (2) Kiên trì thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình, thường xuyên củng cố khối đoàn kết thống nhất trong Đảng; (3) Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng, của toàn Đảng bộ và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; (4) Tăng cường gắn bó mật thiết với Nhân dân, bảo vệ lợi ích thiết thực và quyền làm chủ của Nhân dân; (5) Coi trọng nhiệm vụ nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng; (6) Thường xuyên đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng bộ, lãnh đạo chính quyền, mặt trận và các đoàn thể Nhân dân hoạt động hiệu quả vì lợi ích của Nhân dân.

Lịch sử của Đảng bộ Hà Nội 90 năm qua là lịch sử vô cùng vẻ vang với nhiều thành tựu to lớn. Tuy nhiên, trong quá trình lãnh đạo không phải là không có lúc mắc sai lầm, khuyết điểm do thiếu chủ động, sáng tạo, duy ý chí, thiếu quyết liệt, giáo điều, vi phạm quy luật khách quan. Có những lúc, nhất là những thời điểm chuyển giai đoạn do chưa lường hết tình hình, chưa dự liệu đầy đủ thuận lợi, khó khăn nên để nảy sinh một số vấn đề kinh tế - xã hội phức tạp mà không kịp thời có những biện pháp giải quyết, làm ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Với vị thế Thủ đô, có truyền thống ngàn năm văn hiến, anh hùng đã tạo ra lợi thế rất lớn cho Hà Nội, song, chúng ta chưa huy động, phát huy hết tiềm năng để phát triển Thủ đô...

Trong phương hướng công tác sắp tới, Đảng bộ Hà Nội cần tập trung vào những nhiệm vụ chủ yếu sau:

Một là, tổ chức sâu rộng các đợt sinh hoạt chính trị, các phong trào thi đua yêu nước nhân các ngày lễ kỷ niệm lớn và chào mừng Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XVII Đảng bộ TP và Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Hai là, phát huy truyền thống vẻ vang của Đảng bộ, kiên định mục tiêu, lý tưởng của Đảng, vững vàng về bản lĩnh chính trị, quán triệt sâu sắc cương lĩnh, chiến lược, đường lối, nghị quyết, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, vận dụng sáng tạo vào đặc thù Hà Nội, xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; Chính quyền đô thị tinh gọn, hiệu quả, Thành phố thông minh trong điều kiện toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Ba là, giữ gìn và phát huy truyền thống đoàn kết trên nguyên tắc, điều lệ Đảng.

Bốn là, tăng cường đoàn kết, gắn bó mật thiết với Nhân dân, phải tin dân, tôn trọng dân, tổ chức lãnh đạo dân, khơi dậy tiềm năng to lớn của Nhân dân để “lấy sức dân giải phóng cho dân”.

Năm là, trong tình hình hiện nay, với sự phát triển phức tạp, khó lường của tình hình thế giới, yêu cầu của tình hình mới, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên nêu cao tính tiên phong, gương mẫu, ý thức trách nhiệm với Tổ quốc, với Dân, với Đảng, với Thủ đô. Sự tiên phong, gương mẫu phải bắt đầu từ trách nhiệm tham gia sinh hoạt Đảng thường xuyên của mỗi đảng viên; từ sự nêu gương giữa đời thường; từ ý thức tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; từ thái độ kiên quyết, kiên trì, quyết liệt thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 Khóa XII, đấu tranh bảo vệ Đảng, đấu tranh ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống cũng như đấu tranh chống âm mưu “diễn biến hòa bình”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Sáu là, kết hợp nguồn lực truyền thống 90 năm lịch sử Đảng bộ Hà Nội với nguồn lực văn hóa Thăng Long - Hà Nội được hun đúc, kết tinh từ hàng ngàn năm văn hiến, anh hùng, tạo nên sức mạnh tổng hợp của các loại nguồn lực. Mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người dân Thủ đô, trước tình hình mới, hãy đồng lòng chung sức tiếp tục đổi mới tư duy, phát hiện, nhận thức, kiến nghị các kế sách, các giải pháp huy động và sử dụng có hiệu quả các loại nguồn lực trong xây dựng, bảo vệ, phát triển Thủ đô giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

GS.TS Vương Đình Huệ - Ủy Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/90-nam-dang-bo-tp-ha-noi-tiep-noi-nhung-trang-su-vang-cua-thu-do-anh-hung-377857.html