90 năm công tác tư tưởng - Tuyên giáo Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh

Công tác Tuyên giáo TP. Hồ Chí Minh 90 năm gắn liền với hoạt động lãnh đạo của Đảng, sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Công tác Tuyên giáo TP đã trải qua biết bao gian khổ, phức tạp, với các hình thức hoạt động đa dạng, phong phú, đầy sáng tạo, phản ánh đặc trưng công tác Tuyên giáo ở một Đảng bộ mà môi trường hoạt động chủ yếu là đô thị; từ đó, đã rút ra nhiều vấn đề quan trọng, được coi là những bài học kinh nghiệm quý báu.

Công tác tư tưởng xây dựng và củng cố niềm tin cho cán bộ, đảng viên, nhân dân trong mọi tình huống

Trước những thử thách hết sức khốc liệt, hiểm nghèo, Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh có lúc trực thuộc Trung ương, có lúc trực thuộc Xứ ủy Nam bộ, Trung ương Cục miền Nam, công tác Tuyên giáo của Thành ủy luôn nắm vững chủ trương của cấp trên và của Thành ủy để có phương thức, nội dung hoạt động thích hợp với địa phương để tuyên truyền, xây dựng và củng cố niềm tin trong Đảng và trong nhân dân.

Trước đây, trong điều kiện hoạt động bí mật, dù địch đàn áp khốc liệt, dù bị bắt, bị tra tấn dã man, nhưng với ý chí sắt đá, niềm tin vững chắc, các chiến sĩ cách mạng đã chiến thắng kẻ thù. Chính những “gương sáng” ấy của người cộng sản được tuyên truyền để khơi dậy lòng yêu nước của nhân dân, đưa quần chúng vào quỹ đạo chung của phong trào cách mạng. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, với niềm tin tất thắng, hàng vạn, hàng triệu thanh niên “xẻ dọc Trường Sơn” đi cứu nước; bao làng mạc, ấp, xã bị kẻ địch "chà đi xát lại", người dân vẫn kiên gan bền lòng bám trụ, tin tưởng ở ngày chiến thắng.

Sau ngày đất nước được giải phóng, trong một thời gian dài, do nhiều nguyên nhân mà niềm tin ở thắng lợi của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, niềm tin cộng sản có lúc bị thử thách nghiêm trọng và ở một bộ phận không nhỏ đã bị lung lay, phai nhạt. Thời kỳ 1978-1979, tình hình kinh tế sa sút nghiêm trọng, sản xuất, dịch vụ đều giảm; giá cả thị trường tăng vọt, tiền lương không đủ ăn. Lần đầu tiên trong lịch sử, dân Sài Gòn phải ăn bo bo, độn sắn… Các thế lực thù địch, các phe phái phản động ngấm ngầm ngóc đầu dậy, tội phạm gia tăng, an ninh trật tự xã hội bị đe dọa. Lại thêm sự thách thức hiểm nghèo do chiến tranh biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc xảy ra. Cùng với những sai lầm trong quản lý kinh tế, tình trạng trên đã gây nên tâm lý bất an trong các tầng lớp xã hội. Trước tình hình đó, công tác tư tưởng của Đảng bộ phải tập trung giải quyết những vấn đề nảy sinh từ cuộc sống; vừa phát huy tinh thần, sức mạnh của nhân dân để trấn áp, trừng trị tội phạm, vừa tích cực tháo gỡ khó khăn, giữ vững, củng cố, nuôi dưỡng và nâng cao niềm tin, trước hết là trong Đảng, trong hệ thống chính trị, trong các đoàn thể xã hội rồi lan tỏa rộng rãi trong nhân dân.

Sau này khi Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ, cách mạng xã hội chủ nghĩa lâm vào thoái trào, đã tác động rất lớn vào tư tưởng cán bộ, đảng viên và nhân dân, gây tâm lý hoang mang, dao động; bọn cơ hội, thù địch thì hí hửng. Lúc này củng cố niềm tin, xây dựng ý chí kiên định chủ nghĩa – Mác Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội cho toàn Đảng, toàn dân đã trở thành nhiệm vụ hàng đầu của công tác tư tưởng, và Đảng bộ Thành phố cùng cả nước đã làm tốt việc đó để bảo đảm sự ổn định chính trị xã hội, tạo điều kiện cho đất nước không ngừng đổi mới, phát triển. Và, cuối cùng chúng ta cũng đã vượt qua cơn thử thách, tiến hành Đổi mới thành công, vun bồi thêm niềm tin thắng lợi của sự nghiệp cách mạng ở nước ta. Bài học rút ra là “có niềm tin là có tất cả”!

Công tác tư tưởng được toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị và toàn dân thực hiện

Trải qua 90 năm hoạt động, Đảng bộ TP Hồ Chí Minh, đặc biệt là 45 năm đầu, truyền thống công tác Tuyên giáo của Thành ủy TP Hồ Chí Minh trong nhiều thời kỳ là đồng chí Bí thư kiêm nhiệm Trưởng Ban Tuyên huấn, thể hiện vai trò trách nhiệm, tầm quan trọng của lĩnh vực công tác tư tưởng chính trị, công tác Tuyên giáo của Đảng. Lực lượng tiên phong là cấp ủy, đảng viên. Lực lượng nòng cốt là đội ngũ chuyên trách công tác tư tưởng trong ngành Tuyên giáo. Chủ lực là nhân dân. Dân vừa là khách thể, vừa là chủ thể. Đảng luôn gắn bó máu thịt với dân. Công tác tư tưởng của Đảng phải gắn với đời sống của dân, tất cả vì dân, có vậy mới được nhân dân ủng hộ bằng cả tinh thần, sự đồng thuận và cả sự tham gia với những hoạt động thiết thực. Không có sự hưởng ứng và tham gia của nhân dân thì mọi hoạt động tư tưởng đều không thành công. Quần chúng nhân dân vừa thực thi chủ trương, vừa tuyên truyền rộng rãi nhất. Trong thời kỳ chiến tranh “giành dân, giữ đất” là mệnh lệnh tối thượng, có dân là có tất cả vì “dân là gốc”, “bao nhiêu lợi ích đều vì dân, bao nhiêu quyền hạn đều của dân …”, “Dễ mười lần không dân cũng chịu. Khó trăm lần dân liệu cũng xong”.

Khi Thành phố bước vào thời kỳ hậu chiến, lâm vào tình trạng khó khăn, thử thách, Thành ủy đã đánh giá đúng bản chất cách mạng và sức mạnh to lớn của nhân dân, dựa vào dân, nghe dân, nên đã có những giải pháp phù hợp, được dân đồng tình. Ngược lại, nơi nào xa dân, dân gọi cán bộ bằng “ông” này “ông” nọ, thì nơi đó phong trào gặp khó khăn, kể cả giải quyết những việc cụ thể.

Đây là bài học xương máu được đúc kết qua các thời kỳ cách mạng của đô thị Sài Gòn – Gia Định, TP Hồ Chí Minh. Phát huy tính năng động, sáng tạo của người dân để vượt qua thử thách, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện để dân phát huy được sáng kiến của mình, làm cho dân yên, dân tin – đó là kết quả của công tác tư tưởng, công tác Tuyên giáo của Đảng bộ Thành phố. Dân yên thì xã hội an bình, ổn định - đó là mục tiêu của công tác Tuyên giáo.

Công tác tư tưởng,Tuyên giáo phải luôn bám sát thực tiễn, phát hiện cái mới

Ủng hộ cái mới, tuyên truyền cho cái mới, tạo phong trào học tập cái mới, làm cho cái mới trở thành xu hướng chủ đạo của sự phát triển. Trước giải phóng thì phải cổ vũ cho sự gan dạ, kiên trì; phải chống cầu an, co thủ chống chủ quan, manh động nay thì phải dám nghĩ, dám làm, biết làm và dám chịu trách nhiệm. Kinh nghiệm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy TP Hồ Chí Minh là: Khi khó khăn phải bình tĩnh giữ vững bản lĩnh, động viên mọi sức lực, nguồn lực làm hết sức mình để thực hiện chủ trương, chính sách của Trung ương. Phải bám sát đường lối, chủ trương chung, làm hết mình, cái gì thành công là thể hiện chủ trương đúng, tiếp tục đẩy mạnh hơn. Cái gì làm hết mình mà cứ “ạch đụi” mãi, không vô nổi thực tiễn, không đưa lại hiệu quả thì phải “coi lại”; và từ thực tiễn, phát huy trách nhiệm trước dân, trách nhiệm với cả nước mà tìm tòi, sáng tạo; từ đó, tạo tiền đề đổi mới. Trong đó, công tác tư tưởng, công tác tuyên truyền có vai trò, vị trí quan trọng, vừa đi trước một bước, làm nhiệm vụ định hướng, đồng thời luôn đồng hành, cổ vũ khích lệ, tạo động lực hình thành sức mạnh ý chí và vật chất. Nhân dân ta vốn có quan niệm “trăm nghe không bằng một thấy”. Tư duy trực quan luôn luôn sinh động hơn tư duy trừu tượng. Thực tiễn là ông Thầy phán xét nghiêm khắc và đúng đắn nhất. Do vậy, công tác tư tưởng phải xuất phát từ thực tiễn và bám sát thực tiễn.

Thời kỳ kháng chiến, căn cứ vào đặc điểm của đời sống cư dân đô thị lớn của miền Nam Thành ủy, Khu ủy đã lãnh đạo phong trào đô thị bằng những hoạt động sôi nổi, có tiếng vang lớn và rất phù hợp với thực tiễn của đời sống đô thị. Đó là “đám tang trò Ơn” (1950), “ngày chống Mỹ” (1950), “phong trào dân tộc tự quyết”, “Ủy ban vận động hòa bình” (1965), hàng loạt tờ báo công khai, đặc biệt là phong trào “sử ca”, “kháng chiến ca”, “hát cho đồng bào tôi nghe”, “ký giả đi ăn mày”… Công tác tuyên truyền đa dạng đó đã lay động, thúc giục, lôi cuốn người dân hướng về cách mạng.

Mười năm đầu sau giải phóng miền Nam, biết bao khó khăn chồng chất. Công tác tuyên truyền có thời đã đi theo hướng sáo mòn, nói suông, khác với chiều vận hành của thực tiễn cuộc sống nên đã phản tác dụng. Chủ trương của Thành ủy phải bám sát thực tế để tìm cách tháo gỡ khó khăn ách tắc trong sản xuất kinh doanh, cải thiện đời sống cho nhân dân là điều đúng đắn nhưng vẫn tồn tại những trở lực khá lớn, tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” khá phổ biến; đấu tranh giữa cái mới và cái cũ có lúc bất phân thắng bại. Trong điều kiện đó, công tác tư tưởng phải thể hiện tính chiến đấu, bám sát thực tiễn, lấy mục đích phục vụ dân, phục vụ đất nước làm tối thượng để kiên trì, kiên quyết thực hiện cái mới. Trong đợt khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế, thành phố quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các quyết sách của Trung ương, các nhóm giải pháp của Chính phủ, trong đó có nhóm giải pháp về tuyên truyền, về tư tưởng, động viên mọi sự nỗ lực của các cấp, các ngành và đã góp thêm ý chí, nghị lực và trí tuệ để thoát khỏi khủng hoảng và suy thoái. Bài học rút ra là mối quan hệ biện chứng giữa lý luận, chủ trương chính sách với thực tiễn. Không quán triệt sâu sắc, không bám sát sự chỉ đạo chung hoặc áp dụng máy móc, không bám sát thực tiễn, công tác tuyên giáo khó đạt kết quả cao, thậm chí dẫn đến hậu quả khôn lường.

Tính chiến đấu, thuyết phục, gắn lý luận với đạo đức, tình cảm là phương thức tối ưu của công tác tư tưởng

Có thể nói, giai đoạn 10 năm đầu giải phóng, khi cơ chế cũ còn chi phối mọi hoạt động của xã hội, việc vượt ra khỏi cơ chế đó không đơn giản tí nào. Chỉ có tính kiên quyết, vì lợi ích của nhân dân, vì sự ổn định xã hội, vì sự phát triển của đất nước, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, hay nói cách khác là phải có ý chí tiến công trước hết về tư tưởng thì mới có hành động mang lại lợi ích cho nhân dân, cho xã hội. Công tác tư tưởng, công tác Tuyên giáo phải luôn có tính chiến đấu và chiến đấu có hiệu quả. Tính chiến đấu trước hết thể hiện ở sự kiên định mục tiêu của Đảng vì nước, vì dân, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng. Công tác tư tưởng tập trung phục vụ cho nhiệm vụ chính trị; trước đây là giải phóng dân tộc, nay là phát triển kinh tế - xã hội, phát triển văn hóa, tăng cường quốc phòng, an ninh trên địa bàn và cả nước. Không những tuyên truyền chủ trương chính sách, cổ vũ phong trào, cổ vũ nhân tố mới mà còn phải tham gia trực tiếp vào các phong trào, phải “dấn thân”, tham gia giải quyết các vấn đề của cuộc sống. Lâu nay, có lúc sự kết hợp giữa nhiệm vụ công tác tư tưởng với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội chưa thật nhuần nhuyễn, còn thứ tự trước – sau, chứ chưa hòa vào nhau. Hiện tượng công tác tư tưởng chỉ làm nhiệm vụ động viên, giải thích, thậm chí “dọn dẹp”, giải quyết hậu quả còn khá phổ biến.

Tính chiến đấu của công tác tư tưởng còn thể hiện ở nhiệm vụ tập trung phục vụ xây dựng, củng cố hệ thống chính trị, đặc biệt là công tác xây dựng Đảng ngày càng trong sạch vững mạnh; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân; xây dựng đạo đức lối sống của cán bộ, đảng viên thực sự trong sáng, lành mạnh, giản dị, trung thực; xây dựng con người Việt Nam yêu nước, có tầm trí tuệ cao và đạo đức trong sáng trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Muốn tăng cường tính chiến đấu và chiến đấu có hiệu quả phải thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức công tác tư tưởng, làm sao bảo đảm tính thuyết phục, không áp đặt, không nói suông, không nói những điều không hiểu, không tin; “nói có sách” nhưng không nói y như sách! Điều đó đòi hỏi phải có lý luận, có đạo đức, có tình cảm cách mạng. Công tác tư tưởng là công tác vì con người, con người nhân văn. Cho nên công tác tư tưởng phải gắn tình cảm với lý luận.

Thành phố có thế mạnh là thực tiễn luôn sinh động, cho nên bám sát chủ trương, bám sát thực tiễn, biết phân tích thực tiễn, nắm bắt tổng kết thực tiễn để bổ sung cho nhận thức, nâng cao trình độ. Làm công tác Tuyên giáo đương nhiên phải biết nói, biết viết, biết tuyên truyền, giáo dục. Nhưng chỉ nói những điều trong sách vở, nói những cái của người khác, nói những điều mà mình chưa hiểu, chưa tin thì không có hiệu quả. Giáo dục tư tưởng phải làm sao cho sinh động, chống giáo điều, áp đặt, dạy dỗ, phải “mưa dầm thấm lâu”, nhẫn nại, tỉ mỉ, cụ thể. Muốn vậy phải nâng cao lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên, nghiêm khắc loại trừ thói lười học tập lý luận hoặc học không đến nơi đến chốn mà vẫn “đạt chuẩn”, tự hạ thấp trình độ lý luận và sứ mệnh tiên phong về trí tuệ của Đảng. Phải luôn ghi nhớ lời dạy của Bác Hồ “mỗi cán bộ, mỗi đảng viên phải học lý luận, phải đem lý luận áp dụng vào công việc thực tiễn. Phải chữa cái bệnh kém lý luận, khinh lý luận và lý luận suông… Lý luận cũng như cái tên (hoặc viên đạn). Thực hành cũng như cái đích để bắn. Có tên mà không bắn, hoặc bắn lung tung, cũng như không có tên … Học thuộc lòng, để đem lòe thiên hạ thì lý luận ấy cũng vô ích …”.

Xây và chống luôn xoắn quyện trong mọi nhiệm vụ của công tác tư tưởng ở TP Hồ Chí Minh

Đó cũng là sự thể hiện tính chiến đấu của công tác Tuyên giáo. TP. Hồ Chí Minh có vị trí chính trị quan trọng, là địa bàn có sự nhạy cảm trên nhiều lĩnh vực, nơi giao lưu quốc tế rộng rãi. Những luồng văn hóa tư tưởng từ nhiều phương tác động bằng nhiều chiều kích khác nhau đến đời sống văn hóa tư tưởng có tính thường xuyên. Sài Gòn trước đây, một thành phố chịu sự thống trị của chủ nghĩa thực dân lâu nhất (116 năm), nên nơi đây đã diễn ra cuộc đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa chống chủ nghĩa thực dân và các loại văn hóa ngoại nhập độc hại một cách liên tục và quyết liệt nhất. Cuộc đấu tranh đó đã bảo vệ và phát triển chủ nghĩa yêu nước Việt Nam trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa; đấu tranh bảo vệ và phát triển những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc ta; đấu tranh bảo vệ nhân phẩm trên lĩnh vực tư tưởng và văn hóa, chống chủ nghĩa thực dân và các loại hình văn hóa phản dân tộc. Nhờ vậy mà Sài Gòn, đầu não của kẻ địch qua bao thời gian vẫn là Sài Gòn cách mạng, thành phố anh hùng của dân tộc Việt Nam anh hùng.

Sau giải phóng cũng như hiện nay, TP Hồ Chí Minh luôn bị các thế lực thù địch xác định là địa bàn trọng điểm để thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” bằng mọi thủ đoạn, từ kích động tư tưởng hận thù, bất mãn, ly khai đến tạo dựng ngọn cờ, phát động phong trào đấu tranh cho “tự do, dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo”, tung hô thành lập đảng này, đảng nọ và các tổ chức đối lập, gây rối, phá hoại v.v… Chúng tăng cường phối hợp trong – ngoài, kết hợp sử dụng vật chất với các phương tiện thông tin hiện đại, nhất là mạng xã hội tấn công vào nền tảng tư tưởng và sự lãnh đạo của Đảng, vào những yếu kém, tiêu cực, bức xúc của xã hội, xâm nhập vào mọi lĩnh vực, từ giáo dục, khoa học công nghệ, văn học nghệ thuật đến các hoạt động của các tổ chức, đoàn thể v.v… Trong bối cảnh đó, công tác tư tưởng của thành phố luôn chủ động, trang bị những vốn liếng kiến thức cần thiết, củng cố nền tảng tư tưởng mác xít cùng tầm văn hóa của dân tộc để làm hệ qui chiếu, tiêu chí chắt lọc, tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại, đồng thời gạt bỏ những yếu tố không phù hợp. Trong đó, việc đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái, đặc biệt là âm mưu “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng được coi là nhiệm vụ thường xuyên. Nhờ vậy, dù thành phố luôn nhộn nhịp, sôi động, là đầu mối giao lưu quốc tế, có sự hội nhập mạnh và sâu trên các lĩnh vực. Khách từ muôn phương với nhiều thành phần đến đây thường xuyên và đông đảo, song Thành phố vẫn giữ vững ổn định chính trị, giữ được sự ổn định tư tưởng, sự yên ổn xã hội, sự an lành của nhân dân, tạo mọi động lực để xây dựng thành phố ngày càng khang trang hơn, đóng góp cho đất nước ngày càng nhiều hơn. Đó là một thành tựu quan trọng của công tác tư tưởng của Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh.

Tuy vẫn còn nhiều yếu kém, có lúc va vấp, khuyết điểm, song các binh chủng làm công tác Tuyên giáo từ giáo dục chính trị, tuyên truyền, khoa giáo, báo chí – xuất bản, văn hóa văn nghệ v.v… của TP. Hồ Chí Minh thật sự tự hào với nhiều gương sáng điển hình trên các lĩnh vực, ở mọi giai đoạn, đã góp phần không nhỏ vào sự nghiệp xây dựng thành phố trên mọi mặt, góp phần giữ vững trận địa tư tưởng trên cả nước, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa trong quá trình phát triển của nước ta. Ghi công cho công tác tư tưởng, công tác Tuyên giáo của Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Huân chương giải phóng hạng II, Huân chương Lao động hạng nhất và Huân chương Độc lập hạng nhất cho ngành Tuyên giáo TP. Hồ Chí Minh.

Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh thật sự tự hào về những đóng góp quan trọng trên lĩnh vực công tác tư tưởng – công tác Tuyên giáo của Đảng bộ trong 45 năm (1930 - 1975) chiến đấu kiên cường vì sự nghiệp độc lập dân tộc, thống nhất giang sơn cũng như 45 năm (1975 - 2020) “cùng cả nước, vì cả nước” xây dựng nước Việt Nam độc lập, dân chủ, tự do, phồn vinh, xã hội chủ nghĩa. Thành tựu đạt được qua các thời kỳ là hành trang quý báu, là điểm tựa vững chắc, như là “bệ phóng” để tiến vào thời kỳ mới.

Song nếu chỉ dựa vào vốn tự có, say sưa với thành tích đã đạt được, sẽ là nguy cơ của sự tụt hậu và thất bại. Do vậy, với chức trách “chỉ đường dẫn lối”, vai trò "đi trước, mở đường", công tác Tuyên giáo Thành phố phải thực sự năng động, sáng tạo như truyền thống của nhân dân và Đảng bộ Thành phố, bám sát mục tiêu, nhiệm vụ, bám sát thực tiễn, nhạy bén với những nhu cầu của cuộc sống để hoạch định nhiệm vụ chính xác, sử dụng phương pháp công tác phù hợp để đạt hiệu quả cao. Phải nâng cao tính chiến đấu, tầm trí tuệ, sức thuyết phục của công tác tư tưởng, gắn lý luận với thực tiễn, gắn trí tuệ với tình cảm trong công tác tư tưởng.

Công tác tư tưởng là một trong những hoạt động quan trọng hàng đầu của Đảng, là nội dung quan trọng của công tác lãnh đạo và là phương thức lãnh đạo chủ yếu của Đảng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng giai đoạn cách mạng. Đó là nhiệm vụ chiến lược, đồng thời luôn mang tính cấp bách. Do vậy, cần luôn nhận thức sâu sắc, đầy đủ về mục tiêu, nhiệm vụ của công tác tư tưởng là vận dụng sáng tạo và phát triển Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào điều kiện cụ thể để xây dựng đường lối, chủ trương; phổ biến, truyền bá tư tưởng, lý luận, quan điểm, đường lối của Đảng đối với cán bộ, đảng viên và nhân dân; cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Công tác Tuyên giáo của Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh là một bộ phận của công tác Tuyên giáo của Đảng ta, sắp tới cần phát huy hành trang vốn liếng và bài học kinh nghiệm đã có của 90 năm vừa qua (1930 - 2020) trong bối cảnh và điều kiện mới, phát huy sức mạnh của toàn hệ thống các “binh chủng” làm công tác Tuyên giáo – công tác tư tưởng chính trị, bao gồm cả “xây” và “chống”, theo phương châm “nhân cái đẹp, dẹp cái xấu”, “phò chính diệt tà”, “lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực” tạo niềm tin, khí thế và thực lực trên mọi lĩnh vực; bảo đảm mọi điều kiện, cơ sở vững chắc cho công tác tư tưởng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong mọi tình huống./.

Phan Xuân Biên - Ủy viên Hội đồng Lý luận TƯ, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP. Hồ Chí Minh

Nguồn ĐCSVN: http://dangcongsan.vn/tu-tuong-van-hoa/90-nam-cong-tac-tu-tuong-tuyen-giao-dang-bo-tp-ho-chi-minh-560418.html