90 mùa xuân tin yêu của người chiến sĩ lão thành cách mạng

Trong ngôi nhà khang trang ở xóm Xá, thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội, mọi đồ đạc được bày biện, sắp xếp ngăn nắp, gọn gàng, mang đậm phong cách giản dị của người lính. Đại tá Nguyễn Quang Nam nâng niu từng tấm ảnh quý báu, xúc động hồi tưởng về những ngày đầu nhập ngũ…

Đại tá Nguyễn Quang Nam và gia đình trong lễ đón nhận Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng.

Đại tá Nguyễn Quang Nam và gia đình trong lễ đón nhận Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng.

Tháng 2-1946, khi chưa tròn 16 tuổi, đồng chí Nguyễn Quang Nam đã sớm giác ngộ cách mạng và nhập ngũ vào QĐND Việt Nam. Sau thời gian huấn luyện, đồng chí làm liên lạc tại Quân khu II đến tháng 8-1949. Từ tháng 9-1949 đến tháng 6-1955, đồng chí Nguyễn Quang Nam lần lượt giữ các chức vụ: Tiểu đội phó, Trung đội trưởng, Đại đội phó Đại đội 164, Tiểu đoàn 79, Quân khu II, tham gia chống Pháp tại Tây Bắc. Từ tháng 7-1955 đến tháng 3-1956, đồng chí là Quản trị trưởng Tiểu đoàn 7, Sư đoàn 308. Từ tháng 4-1956 đến tháng 3-1958, đồng chí Nguyễn Quang Nam được cử đi học Sĩ quan Lục quân; từ tháng 4-1958 đến tháng 2-1959, đồng chí là Đại đội trưởng Đại đội 62, Tiểu đoàn 923 tại Thanh Hóa.

Tháng 3-1959, đồng chí Nguyễn Quang Nam được tuyển chọn vào lực lượng Công an nhân dân vũ trang (CANDVT).
Từ đó đến tháng 12-1963, đồng chí Nguyễn Quang Nam lần lượt giữ các chức vụ: Đồn trưởng Đồn Biên phòng Quang Chiểu, Phó Tham mưu trưởng Tiểu khu 75 thuộc CANDVT tỉnh Thanh Hóa. Từ tháng 8-1967 đến tháng 7-1972, đồng chí là Tham mưu trưởng CANDVT tỉnh Thanh Hóa. Từ tháng 8-1972 đến tháng 3-1975, đồng chí là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3 thuộc Trung đoàn 600 làm nhiệm vụ bảo vệ Trung ương. Từ tháng 4-1975 đến tháng 3-1977, đồng chí được bổ nhiệm làm Phó Chỉ huy trưởng CANDVT tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Từ tháng 4-1977 đến tháng 3-1980, đồng chí được bổ nhiệm làm Chỉ huy trưởng CANDVT tỉnh Đắk Lắk. Từ tháng 4-1980 đến tháng 2-1987, đồng chí Nguyễn Quang Nam lần lượt giữ các chức vụ: Phó Cục trưởng, Cục trưởng Cục Biên phòng Quân khu V. Tháng 3-1987, đồng chí được cử đi đào tạo Sĩ quan Cao cấp tại Học viện Quốc phòng. Tháng 9-1987, đồng chí được bổ nhiệm chức vụ Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Biên phòng. Tháng 3-1993, Đại tá Nguyễn Quang Nam được nghỉ công tác sau 47 năm công tác, chiến đấu và cống hiến hết mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.

Với hơn 90 năm tuổi đời, 70 năm tuổi Đảng, Đại tá Nguyễn Quang Nam có 47 năm công tác trong lực lượng vũ trang, trải qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước và trên các mặt trận đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, tham gia công tác ở địa phương. Dù ở bất cứ cương vị nào, Đại tá Nguyễn Quang Nam luôn là người cán bộ, đảng viên trung kiên, có phẩm chất chính trị vững vàng, kiên định, tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước và nhân dân, vượt qua mọi hiểm nguy, gian khổ trong bão lửa chiến tranh, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Đại tá Nguyễn Quang Nam là người lính tiên phong, người sĩ quan chỉ huy mẫu mực của nhiều đơn vị Anh hùng, đã lập nên những chiến công vang dội trong hai cuộc kháng chiến cứu nước và sự nghiệp bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Trên cương vị người chỉ huy, người thầy, Đại tá Nguyễn Quang Nam đã trực tiếp và góp phần định hướng, giáo dục, rèn luyện, bồi dưỡng nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ trưởng thành. Trong đó, hiện nay có những đồng chí đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, nhiều tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp, nhà khoa học trong QĐND và CAND.

Với những cán bộ, chiến sĩ từng công tác tại các đơn vị do Đại tá Nguyễn Quang Nam chỉ huy, câu chuyện về người lãnh đạo mẫu mực ấy luôn khiến họ xúc động. Đó là kỷ niệm giữa Đại tá Nguyễn Quang Nam và Thượng tướng Võ Trọng Việt, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội, nguyên là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tư lệnh BĐBP. Khi đồng chí Nguyễn Quang Nam là Cục trưởng Cục Biên phòng Quân khu V, đồng chí Võ Trọng Việt lúc ấy là Thượng úy, Trợ lý trinh sát của cục. Biết gia đình cấp dưới có hoàn cảnh rất vất vả, đồng chí Nguyễn Quang Nam thường xuyên động viên, quan tâm dìu dắt người sĩ quan trẻ tài năng Võ Trọng Việt. Khi đi công tác tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, đồng chí Nam thường ghé vào thăm hỏi, động viên gia đình đồng chí Võ Trọng Việt. Nhắc đến người chỉ huy cũ của mình, Thượng tướng Võ Trọng Việt bừng lên nụ cười trìu mến và trân trọng... Còn với đồng chí Doãn Văn Thơm, nguyên Thiếu tá CANDVT tỉnh Đắk Lắk, khi nhắc đến Đại tá Nguyễn Quang Nam là ký ức Tây Nguyên lại ùa về mãnh liệt... Khi đó, bọn tàn quân FULRO còn lẩn khuất hoạt động ở Ban Mê Thuột, ngày là dân, đêm là giặc, thủ đoạn tàn độc của chúng là dùng ống nứa vót nhọn bất ngờ xóc thẳng vào bụng, ngực, tước đoạt sinh mạng nhiều cán bộ, chiến sĩ. Tháng 3-1977, Đại tá Nguyễn Quang Nam được bổ nhiệm làm Chỉ huy trưởng CANDVT tỉnh Đắk Lắk. Ông đã kịp thời chỉ đạo siết chặt kỷ luật ra vào doanh trại, duy trì nghiêm việc cấm trại khi tình hình căng thẳng, đồng thời, đã đưa ra sáng kiến quấn nhiều lớp vải quanh bụng cán bộ, chiến sĩ khi đi công tác, ra ngoài doanh trại, nhất là vào ban đêm. Sáng kiến đó đã hạn chế rất nhiều thương vong cho cán bộ, chiến sĩ CANDVT tỉnh Đắk Lắk và được áp dụng rộng rãi trên địa bàn Tây Nguyên... “Nhờ cụ mà tôi và nhiều anh em thoát chết...” - đồng chí Thơm hồi tưởng về người chỉ huy của mình trong ánh mắt lấp lánh tin yêu.

Ghi nhận những cống hiến lớn lao của Đại tá Nguyễn Quang Nam, Đảng, Nhà nước và các cấp ngành, địa phương đã tặng thưởng cho ông nhiều danh hiệu cao quý như: Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Quân công hạng Nhì, Huân chương Chiến thắng hạng Ba, Huân chương Chiến công hạng Nhất, Huân chương Quân kỳ Quyết thắng, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba, Huy chương Bảo vệ an ninh Tổ quốc và nhiều phần thưởng cao quý, vinh danh người chiến sĩ lão thành cách mạng.

Được giao phó nhiều trọng trách, bằng nhiệt huyết cách mạng và phẩm chất, năng lực ưu tú, Đại tá Nguyễn Quang Nam đã tận tâm, tận lực cống hiến hết mình cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ độc lập, chủ quyền và xây dựng Tổ quốc Việt Nam XHCN. Trở về với quê hương, đồng chí tiếp tục nêu cao phẩm chất ngời sáng của người chiến sĩ cách mạng, hết lòng, hết sức tham gia công tác địa phương, là bậc tiền bối nêu gương tích cực xây dựng và phát huy truyền thống quê hương, gia đình định hướng và dìu dắt nhiều thế hệ con cháu trong dòng họ trưởng thành. Trong cuộc đời và sự nghiệp vinh quang đó, với đạo đức mẫu mực, lối sống trong sáng, giản dị và tấm lòng nhân ái, đồng chí Nguyễn Quang Nam luôn được đồng đội và nhân dân hết mực kính trọng, tin cậy, yêu mến. Đồng chí là tấm gương sáng ngời về phẩm chất đạo đức cách mạng để nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân noi theo.

Khi về xóm Xá, thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội, bất cứ ai hỏi nhà Đại tá Nguyễn Quang Nam đều được người dân hồ hởi chỉ đường bằng tình cảm chân thành, yêu mến. Người lính can trường ấy về với địa phương vẫn luôn giữ tác phong mộc mạc, bình dị và rất mực gương mẫu. Ông tích cực tham gia Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi, Mặt trận Tổ quốc... Ở đâu cũng thấy sự xông pha, mẫu mực, nhân ái, bao dung, dám nói, dám làm toát ra từ người lính ấy trong công việc, trong xây dựng địa phương. Với chiếc xe đạp cũ kỹ thân quen, người lính tuổi 90 ấy vẫn miệt mài đến từng ngõ xóm cùng các cụ cao tuổi bàn bạc, vạch kế hoạch tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, góp phần xây dựng quê hương, động viên con cháu học hành, công tác tiến bộ.

Nguyễn Ngọc Anh Tuấn

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/90-mua-xuan-tin-yeu-cua-nguoi-chien-si-lao-thanh-cach-mang/