90% dân Mỹ bị nhiễm thuốc trừ sâu

Hẳn ít ai hình dung đến việc nước Mỹ với nền nông nghiệp tiên tiến bậc nhất thế giới nhưng hầu hết người dân lại bị nhiễm thuốc trừ sâu. Nhưng đó là sự thật.

Theo báo cáo gần đây nhất của tổ chức EWG, khoảng 90% dân số Hoa Kỳ đang nhiễm hàm lượng thuốc trừ sâu đáng kể trong cơ thể mà không hề hay biết.

Tỷ tấn trừ sâu dội trên đồng ruộng

Báo The Nation đưa tin, hằng năm, cứ vào mỗi vụ mùa, hàng ngàn nông dân Mỹ rải hàng tỷ tấn chất hóa học, thuốc trừ sâu lên hoa màu của họ. Theo thông lệ, tất cả các loại cây bao gồm đậu, rau, củ, quả đều phải trải qua ít nhất một đợt phun thuốc trước khi được thu hoạch, bày bán và dọn lên bàn ăn tại những hộ gia đình, nhà hàng trên khắp nước Mỹ.

 Vào mỗi vụ mùa, hàng tỷ tấn thuốc trừ sâu được rải trên các cánh đồng ở Mỹ. Ảnh: Resilence

Vào mỗi vụ mùa, hàng tỷ tấn thuốc trừ sâu được rải trên các cánh đồng ở Mỹ. Ảnh: Resilence

Bộ nông nghiệp và Cục quản lý thực phẩm Hoa Kỳ là các cơ quan đầu não chịu trách nhiệm kiểm tra hàm lượng thuốc trừ sâu có trong các loại thực vật nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe cho hàng trăm triệu người Mỹ.

Từ năm 2018 đến nay, hai cơ quan này đã tiến hành hàng chục cuộc khảo sát, kiểm tra trên quy mô lớn. Theo báo cáo gần đây của họ, hàm lượng thuốc trừ sâu có trong các loại nông phẩm Hoa Kỳ đều nằm ở mức tiêu chuẩn và không gây hại đến con người.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia về an toàn thực phẩm Hoa Kỳ, phương pháp kiểm tra của Bộ nông nghiệp và Cục quản lý thực phẩm Hoa Kỳ thật sự không hiệu quả và đáng tin cậy vì hai lý do. Thứ nhất, cả hai cơ quan trên chỉ kiểm tra thuốc trừ sâu trong nông phẩm, không hề thực hiện bất cứ giám sát nào đối với tình trạng sức khỏe của những người nông dân trực tiếp làm việc với thuốc trừ sâu hoặc cư dân sinh sống gần những cánh đồng được phun thuốc.

Thứ hai, các cuộc khảo sát, kiểm tra đều được thực hiện trong một thời điểm xác định. Nếu có ai đó nắm bắt hoặc đoán chính xác thông tin về ngày kiểm tra, họ có thể trục lợi bằng cách tuồn thông tin này đến nông dân để qua mặt đoàn kiểm tra.

Nhằm giải quyết những khó khăn của chính phủ trong khâu kiểm tra thuốc trừ sâu, một nhóm các nhà khoa học đã cùng nhau thành lập EWG, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên hoạt động vì lợi ích của người tiêu dùng nước Mỹ. Kể từ năm 2000 đến nay, tổ chức này thực hiện hàng nghìn cuộc khảo sát độc lập nhằm phân tích hàm lượng thuốc trừ sâu có trong nông phẩm và trên cơ thể con người.

Theo báo cáo tổng hợp của EWG, khoảng 70% nông sản Hoa Kỳ nhiễm thuốc trừ sâu. Trong đó, dâu tây đứng đầu danh sách thực phẩm chứa nhiều thuốc trừ sâu nhất, sau đó đến rau chân vịt và cải xoăn. Báo cáo còn cho thấy khoảng 90% người Mỹ, từ người lớn đến trẻ nhỏ, nhiễm thuốc trừ sâu mà không hề hay biết.

Olga Naidenko, cố vấn khoa học cấp cao của EWG kiêm tác giả của báo cáo trên, nói rằng cô rất ngạc nhiên khi phát hiện ra chất dacthal (chất gây ung thư) trong cải xoăn và chất permethrin (loại thuốc trừ sâu kịch độc) trong rau chân vịt.

Naidenko cho biết mục đích của EWG khi công bố các phát hiện nêu trên không phải để khuyến khích mọi người bỏ ăn trái cây, rau củ. Họ muốn báo động các cơ quan chức năng, chính phủ Mỹ ngay lập tức chấn chỉnh, có biện pháp cải thiện tình trạng thuốc trừ sâu độc hại trong nông phẩm.

Kẽ hở trong luật pháp

Theo cố vấn Naidenko, sự lỏng lẻo của hệ thống hành pháp và quản lý thực phẩm là mầm mống dung dưỡng cho nhiều hộ nông trang lạm dụng thuốc trừ sâu trong trồng trọt. Cô nói: “Chính Cục bảo vệ môi trường của chính phủ Mỹ (EPA) đã phê duyệt cho các loại thuốc trừ sâu độc hại xâm nhập thị trường nông nghiệp. Chính họ cũng là người phớt lờ mối nguy hại của các chất độc này đối với sức khỏe trẻ em”.

Không thể phủ nhận rằng các nhà hoạch định chính sách của Mỹ đã thất bại trong công cuộc phòng chống thuốc trừ sâu. Minh chứng rõ ràng nhất là sự trở lại chlorpyrifos, loại thuốc trừ sâu đã bị chính phủ Mỹ loại bỏ năm 2000 vì nguy cơ gây hại đến môi trường và sức khỏe con người. Tuy nhiên, đến năm 2017, chính quyền Mỹ bỗng nhiên cho phép chlorpyrifos “hồi sinh”, quay lại thị trường nông nghiệp bất chấp các bằng chứng về mức độ nguy hiểm đáng lo ngại của chất hóa học này.

Ai có thể ngờ rằng những quả dâu Mỹ ngon ngọt này lại chứa methyl bromide, một loại thuốc khử trùng nguy hiểm? Ảnh: daisyfarms

Một ví dụ khác là methyl bromide, chất khử trùng rất được ưa chuộng trong ngành trồng dâu tây Mỹ. Dù methyl bromide đã bị cấm theo hiệp ước quốc tế vì ảnh hưởng đến môi trường, các nhà hành pháp ở bang California, Mỹ vẫn phớt lờ, cho phép các hộ trồng dâu tây thản nhiên sử dụng hóa chất này.

Leo Strande, giám đốc bệnh viện New York, cho biết giới nội các Mỹ cũng không hề tính đến rủi ro mà người nông dân phải gánh chịu khi sử dụng thuốc trừ sâu. Trong số 90% dân số Mỹ nhiễm thuốc trừ sâu, nông dân và gia đình của họ là những thành phần bị ảnh hưởng nặng nhất.

Cái chết từ từ...

Dù không đến mức kịch độc như xianua hay ricin, thuốc trừ sâu lại có cách “giết người” rất ư “tinh tế”. Thay vì giết nạn nhân ngay lập tức, nó ngấm từ từ vào người, khiến họ ngày càng yếu dần, sẽ chết dần chết mòn với cơ thể bệnh tật.

Bác sĩ Leonardo Bennet, giám đốc bệnh viện y dược Iowa, cho biết nông dân Mỹ chính là nạn nhân chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. Ngay cả gia đình của họ, dù sống xa các cánh đồng nông nghiệp, vẫn bị nhiễm phải hóa chất độc hại.

Theo bác sĩ Bennet, tại các nông trại Hoa Kỳ, trong quá trình phun thuốc trừ sâu, nhiều nông dân đã để hóa chất ngấm vào giày dép, quần áo. Khi về nhà, họ vô tình lây nhiễm các hóa chất độc hại vào người thân trong gia đình.

Điều này giải thích lý do tại sao các gia đình có truyền thống nông nghiệp ở Mỹ lại có tỷ lệ sinh non cực kỳ cao. Đồng thời, nhiều trẻ em sinh sống trong các gia đình này khi lớn lên mắc phải bệnh tự kỷ, suy giảm nhận thức hoặc rối loạn thần kinh.

Thuốc trừ sâu chính là tác nhân khiến cho nhiều phụ nữ mang thai sinh non. Ảnh: Reuters

Một số loại thuốc trừ sâu còn được xem là tác nhân dẫn đến tình trạng dậy thì sớm, vô sinh và ung thư vú ở phụ nữ độ tuổi từ 16 đến 22. Năm 2016, một nhóm các nhà khoa học Mỹ thuộc trường đại học California thực hiện nghiên cứu, đề nghị những thiếu nữ sống tại các nông trang ở thung lũng Salina đeo vòng tay silicon để đo hàm lượng phơi nhiễm thuốc trừ sâu. Sau một năm, các nhà khoa học thu hồi số vòng tay, kiểm tra cho thấy nồng độ cực cao của hóa chất dacthal và chlorpyrifos, hai loại thuốc trừ sâu nguy hiểm.

Nguồn TGTT: https://thegioitiepthi.vn/90-dan-my-bi-nhiem-thuoc-tru-sau-160345.html