90% câu hỏi môn Lịch sử thi vào lớp 10 Hà Nội ở mức độ cơ bản

Đó là nhận định của một số giáo viên Lịch sử về đề thi Lịch sử vào lớp 10 THPT của Hà Nội năm nay. Môn thi Lịch sử cũng là môn thi kết thúc kỳ thi của hơn 93.000 sĩ tử vào sáng nay 13/6.

Lịch sử được lựa chọn là môn thi thứ tư, kỳ thi vào lớp 10 THPT Hà Nội. Năm nay, bài thi được giảm về thời gian thi từ 60 phút xuống còn 45 phút và giảm số lượng câu hỏi từ 40 câu xuống còn 30 câu cho phù hợp với hướng dẫn về việc tổ chức kì thi trong bối cảnh dịch bệnh.

Nhận định đề thi, các giáo viên thuộc tổ Lịch sử, hệ thống Giáo dục Hocmai cho biết, nhìn chung, đề thi vừa giảm số lượng câu hỏi, vừa giảm nhẹ về yêu cầu đánh giá. Nội dung câu hỏi thuộc chương trình Lịch sử 9 với khoảng hơn 90% câu hỏi thuộc mức độ nhận biết, thông hiểu, có 2 câu hỏi vận dụng, không có câu hỏi dạng so sánh hoặc khái quát tổng hợp hay liên chuyên đề.

Tuy nhiên, so với các năm trước, cấu trúc đề thi có sự thay đổi gồm 2 phần với việc phân bổ điểm khác nhau. Cụ thể:

Phần 1: 20 câu (0,35 điểm/câu): Gồm 20 câu hỏi nhận biết và thông hiểu, phủ đều các chuyên đề Lịch sử Việt Nam và Lịch sử thế giới. Trong phần này, nội dung hầu hết xoay quanh việc tái hiện kiến thức lịch sử, đặc biệt xuất hiện cách đặt câu hỏi mới nêu đặc điểm của đối tượng yêu cầu học sinh nhận dạng giai cấp. Phần này, những thí sinh nắm chắc kiến thức cơ bản hoàn toàn có thể xử lí nhanh gọn, không chút khó khăn và đạt được 7 điểm.

Phần 2: 10 câu (0,3 điểm/câu): Gồm 10 câu bao gồm 2 câu hỏi vận dụng. Trong phần này có 3 câu lịch sử thế giới, 7 câu lịch sử Việt Nam, mức độ câu hỏi khó hơn phần 1 với mục đích phân hóa thí sinh. Điểm đặc biệt trong phần này là học sinh cần khai thác kênh hình (câu 24) hoặc ý nghĩa của các sự kiện lịch sử, các mốc thời gian…Mặc dù phần 2 với số lượng câu hỏi ít hơn và điểm trung bình câu thấp hơn phần 1 nên dù các em trả lời chưa chính xác thì khả năng mất điểm cũng ít hơn. Thí sinh cần tinh ý trong việc phân bổ thời gian làm bài để tối ưu điểm số từ sự phân chia này.

Tiến sĩ Lê Thị Thu Hương, giáo viên môn Lịch sử, Hệ thống Giáo dục Hocmai nhận xét, đề hoàn toàn vừa sức với học sinh, về nội dung đề thi đã trải đều chương trình kiến thức lịch sử lớp 9, không có nội dung nằm trong chương trình giảm tải.

Với những câu hỏi này yêu cầu học sinh cần có quá trình học bài bản và đọc kỹ sách giáo khoa trong quá trình ôn tập thì hoàn toàn có thể hoàn thành tốt bài thi. Nhìn chung với đề thi này học sinh đạt điểm cao thì khá là nhiều, đề thi hoàn toàn phù hợp với hoàn cảnh thực tế hiện nay khi đã giảm bớt thời lượng làm bài và số lượng câu hỏi trong đề thi.

"Đối với học sinh chuẩn bị lên lớp 9 các em nên có chiến lược học tập ngay từ đầu năm học, đó là học đều tất cả các môn học ngay từ đầu năm học và nắm vững kiến thức trong sách giáo khoa. Với tâm thế học như vậy thì các em hoàn toàn có thể chủ động và tự tin đối với các phương án tuyển sinh mà Sở GD&ĐT thành phố Hà Nội đưa ra trong năm học tiếp theo" –Cô Lê Thị Thu Hương cho biết.

Cô Trần Mai, giáo viên môn Lịch sử, Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) nhận định đề thi vừa sức, bám sát với chương trình học sinh đã học, không có câu hỏi mang tính đánh đố. Kiến thức trong đề thi phủ toàn bộ chương trình Lịch sử lớp 9, kiểm tra đúng đơn vị kiến thức, kĩ năng cơ bản trong chương trình. Với đề thi này, học sinh nắm chắc kiến thức cơ bản có thể làm bài tốt, phổ điểm sẽ ở mức 8 điểm.

D.H

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/90-cau-hoi-mon-lich-su-thi-vao-lop-10-ha-noi-o-muc-do-co-ban-20210613124910204.htm