'90-100% sinh viên có việc làm, nhưng làm việc gì?'

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng nói ông nghi ngờ tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm được nhiều trường đại học công bố mỗi năm.

Vấn đề này được chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng, Giám đốc nghiên cứu và phát triển, Viện Kinh tế và quản lý TP.HCM đặt ra tại hội thảo gắn kết nhà trường và đơn vị sử dụng lao động trong quá trình đào tạo, tuyển dụng nhân sự của ĐH Luật TP.HCM sáng 8/1.

Tại hội thảo, nhiều vấn đề về việc làm, công tác thực tập, kiến tập của sinh viên được các chuyên gia, doanh nghiệp phân tích, mổ xẻ.

Thái độ sinh viên có vấn đề

Ông Nguyễn Hoàng Dũng cho rằng vấn đề của nhiều trường đại học hiện nay lại không quan tâm đến sản phẩm mình đào tạo ra đi đâu về đâu.

"Khi đi tuyển sinh, nhiều trường công bố tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm của trường mình là 80%, 90% thậm chí 100% nhưng tôi tự hỏi đó là việc gì bưng bê, phục vụ hay khởi nghiệp rồi chết yểu. Đầu ra của các trường có thực sự chất lượng hay không? Sinh viên ra có việc làm nhưng đó phải là việc làm xứng đáng, phù hợp với chuyên môn của các bạn", ông Dũng nói.

 Chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng (trái) đặt vấn đề về tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm do các trường đại học công bố. Ảnh: M.N.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng (trái) đặt vấn đề về tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm do các trường đại học công bố. Ảnh: M.N.

Trong khi đó, theo ông Dũng doanh nghiệp cần những sinh viên chất lượng. Trong đó có chất lượng đào tạo và thái độ, kỹ năng. Hiện là giảng viên thỉnh giảng tại một trường đại học tại TP.HCM, chuyên gia kinh tế này nhận thấy thái độ của sinh viên ở đây không tốt.

"Sinh viên tự cao, coi thường thầy cô và những người xung quanh. Các em vô tư đi trễ, ăn uống trong lớp, tranh thang máy với giảng viên. Điều sinh viên cần không chỉ là chuyên môn mà còn có thái độ. Nếu tốt nghiệp loại xuất sắc nhưng thái độ có vấn đề thì đến cơ hội thử việc các doanh nghiệp cũng không cho bạn, chưa nói đến cơ hội làm việc", ông Dũng nói.

Hạn chế nhận sinh viên thực tập vì "rất mất thời gian"

Tại hội thảo, luật sư Trương Nhật Quang, Trưởng văn phòng Luật sư Ánh Sáng Luật, thẳng thắn rằng đơn vị của ông nhận rất ít sinh viên thực tập vì "rất mất thời gian".

"Sinh viên đến thực tập nhưng hỏi những vấn đề mà trong luật đã có sẵn. Chúng tôi phải mất thời gian trả lời những điều đó. Nên nhận sinh viên thực tập là rất tốn thời gian. Các bạn sinh viên đi thực tập phải trong tâm thế mình đã có sẵn kiến thức và đến đó để tìm hiểu, học hỏi thêm. Chứ không phải đến đó để học thì ở đó không có người dạy cho các bạn", luật sư Quang nói.

Luật sư Trương Nhật Quang góp ý với sinh viên về việc thực tập, kiến tập. Ảnh: M.N.

Do đó, luật sư này đề nghị giữa nhà trường và đơn vị sử dụng lao động phải có mối quan hệ tương hỗ với nhau. Vì khó có một đơn vị sử dụng lao động lại sẵn sàng nhận sinh viên thực tập, kiến tập nếu không có mối liên hệ với nhà trường. Đồng thời, ông cũng đề nghị mỗi sinh viên đi thực tập phải biết tự nỗ lực, chủ động tìm hiểu mọi việc.

Tương tự với sinh viên mới tốt nghiệp, ông Quang cho rằng nếu sinh viên ra trường đi làm nghĩ rằng sẽ doanh nghiệp tuyển vào rồi sẽ đào tạo lại là sai lầm.

"Trong thực tế, người sử dụng lao động không yêu cầu người tốt nghiệp đại học phải có kinh nghiệm nhưng ít nhất họ phải có kiến thức thực tế. Vì họ không thể tuyển dụng vào công ty rồi lại tốn thêm thời gian đào tạo, cử người khác hướng dẫn. Hoạt động của doanh nghiệp chạy liên tục. Tuyển người vào để làm việc chứ không phải để đào tạo", luật sư này giải thích.

Dù vậy, dưới góc độ người tuyển dụng, luật sư Quang cho rằng những sinh viên mới ra trường vẫn có cơ hội nếu họ được tiếp cận thực tiễn khi còn ngồi trên ghế nhà trường và nhanh chóng, chủ động hòa nhập môi trường doanh nghiệp. Nếu sinh viên mới ra trường chỉ mất khoảng 2-6 tháng để hòa nhập và làm việc thì các doanh nghiệp sẽ hiểu và sẵn sàng cho các bạn cơ hội.

Ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu dự báo Nhân lực, cho biết vấn đề nơi thực tập, kiến tập, học hỏi kinh nghiệm với sinh viên ngành luật là một vấn đề khó.

"Ngành luật là một trong 2 ngành rất khó tìm nơi thực tập. Bởi vì công việc thực tập liên quan đến hồ sơ luật, nếu sinh viên không có kiến thức, kỹ năng thì lại làm cản trở công việc của doanh nghiệp. Nên thông thường các nơi ngại nhận sinh viên thực tập là vậy", ông Tuấn cho hay.

Do đó, ông Trần Anh Tuấn đề nghị ĐH Luật TP.HCM xây dựng mô hình thực tập ảo, kiến tập ảo giống như ngành kế toán đang làm. Sinh viên có thể học hỏi và thực tập từ lúc năm nhất, năm hai trên mô hình ảo để có thêm kỹ năng trước khi đến doanh nghiệp thực tập.

Minh Nhật

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/90-100-sinh-vien-co-viec-lam-nhung-lam-viec-gi-post1033895.html