9 tỉnh thành đồng bằng sông Hồng triển khai cuộc vận động xây dựng văn hóa doanh nghiệp

Với sự cạnh tranh gay gắt của nền kinh tế thị trường và xu hướng toàn cầu hóa, việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp là chính sách phát triển thương hiệu, là tài sản vô hình của mỗi doanh nghiệp, cũng như góp phần đẩy lùi tiêu cực.

 Ông Hồ Anh Tuấn - Trưởng Ban tổ chức 248 phát biểu khai mạc

Ông Hồ Anh Tuấn - Trưởng Ban tổ chức 248 phát biểu khai mạc

Sáng nay 6/8, Ban Tổ chức Cuộc vận động xây dựng và phát triển văn hóa Doanh nghiệp, UBND TP Hà Nội và Sở Công Thương Hà Nội, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội và Hiệp hội phát triển văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam tổ chức “Hội nghị triển khai Cuộc vận động xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ phát động tại Hà Nội và 9 tỉnh đồng bằng sông Hồng”, bao gồm: Hà Nội, Thái Bình, Hưng Yên, Hải Dương, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Bắc Ninh, Hải Phòng.

Yêu cầu cơ bản và cấp thiết để doanh nghiệp phát triển bền vững

Đây là hoạt động thiết thực nhằm đẩy mạnh tuyên truyền về Cuộc vận động “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam” do Thủ tướng Chính phủ phát động lan tỏa vào đời sống của cộng đồng doanh nghiệp.

Theo đó, văn hóa vừa là mục tiêu cũng vừa là động lực để doanh nghiệp phát triển. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân gắn với các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc sẽ tạo cho doanh nghiệp nền tảng để phát triển bền vững, góp phần đẩy lùi tiêu cực trong sản xuất kinh doanh. Sự kiện cũng là nhịp cầu nối để doanh nhân, doanh nghiệp giao lưu, chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, kết nối cơ hội giao thương.

Tại hội nghị, Ban tổ chức đã Công bố các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch phối hợp triển khai cuộc vận động của BTC 248 với 9 tỉnh khu vực Đồng bằng Sông Hồng.

Trong một doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp có quy mô lớn là một tập hợp những con người khác nhau về trình độ chuyên môn, văn hóa, mức độ nhận thức, quan hệ xã hội… tạo ra một môi trường làm việc đa dạng và phức tạp. Bên cạnh đó, với sự cạnh tranh gay gắt của nền kinh tế thị trường và xu hướng toàn cầu hóa, việc xây dựng văn hóa doanh nhân, doanh nghiệp là chính sách phát triển thương hiệu, là tài sản vô hình của mỗi doanh nghiệp.

Phát triển văn hóa doanh nghiệp là yêu cầu cơ bản và cấp thiết để doanh nghiệp phát triển bền vững, nâng cao năng lực hội nhập và khả năng cạnh tranh. Sự kiện đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo các nhà quản lý, các chuyên gia uy tín, đặc biệt là sự tham gia của các doanh nhân, doanh nghiệp và đại diện các nhãn hiệu, thương hiệu trong cộng đồng doanh nghiệp.

Quang cảnh hội nghị

Tại diễn đàn, các tham luận và ý kiến phát biểu tập trung nêu bật vai trò, vị trí của văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân; sự cần thiết cũng như những giải pháp đặt ra trong việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp và văn hóa doanh nhân trong bối cảnh hiện nay.

Trong đó nếu thiếu yếu tố văn hóa, doanh nghiệp khó có thể đứng vững và tồn tại được, đặc biệt trong thời buổi hội nhập. Không chỉ ở bên ngoài mà nó thấm sâu vào quan hệ doanh nghiệp với bạn hàng, khách hàng với cơ quan quản lý nhà nước.

Nói tới doanh nhân thì đương nhiên phải nói tới doanh nghiệp, nghĩa là văn hóa doanh nhân và doanh nghiệp. Do đó, đây là khái niệm song hành giữa văn hóa doanh nhân và văn hóa doanh nghiệp. Các doanh nhân muốn phát triển bền vững phải tuân thủ chuẩn mực về đảm bảo sản xuất, kinh doanh có lợi nhuận, bảo vệ môi tình đẳng giới, góp phần phần phát triển triển cộng đồng.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn mong muốn nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các các tỉnh, TP và các doanh nghiệp để tạo sức lan tỏa cuộc vận động xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam ngày càng sâu rộng

Tạo lập môi trường, đề cao đạo đức kinh doanh

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2019, kinh tế vĩ mô của TP Hà Nội tiếp tục ổn định, tăng trưởng đạt cao hơn cùng kỳ; các ngành, lĩnh vực tiếp tục phát triển. GRDP theo cách tính mới tăng 7,21%; Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 10,7%; Du lịch tiếp tục phát triển, khách du lịch ước đạt 14,4 triệu lượt, tăng 9,5%, trong đó, khách quốc tế 3,3 triệu lượt, tăng 10,6% (khách quốc tế có lưu trú 2,34 triệu lượt, tăng 7,8%, tổng thu từ khách du lịch đạt 50,3 nghìn tỷ đồng; TP tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, hiện số doanh nghiệp: Chỉ số PCI năm 2018 xếp thứ 9/63, tăng 4 bậc so với năm trước, thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất.

Cùng với đó các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục phát triển, đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện 02 Quy tắc ứng xử được triển khai với nhiều hình thức, đặc biệt là nâng cao trách nhiệm tinh thần mến khách, thân thiện, phát huy niềm tự hào của nhân dân Thủ đô mà tâm điểm là công tác tổ chức phục vụ các Hội nghị, sự kiện lớn đã thu hút được sự quan tâm của cả nước và quốc tế.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh, trong những tháng cuối năm 2019 và giai đoạn tiếp theo, TP sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng chỉ tiêu về danh hiệu văn hóa. Văn hóa doanh nghiệp là hệ thống các giá trị, ý nghĩa, niềm tin chủ đạo, nhận thức và phương pháp tư duy của cá nhân trong tổ chức.

"Việc tổ chức Hội nghị này là hết sức có ý nghĩa, góp phần vào sự phát triển văn hóa nói chung của cả nước và của 9 tỉnh đồng bằng sông Hồng nói riêng", Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn nói. Đồng thời mong muốn nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các các tỉnh, TP và các doanh nghiệp để tạo sức lan tỏa cuộc vận động xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam ngày càng sâu rộng, góp phần tạo lập môi trường kinh doanh, đề cao đạo đức kinh doanh, trách nhiệm với xã hội và cạnh tranh lành mạnh, đóng góp cho sự phát triển bền vững đất nước và hội nhập quốc tế.

Bà Bùi Nguyễn Phương Châu - Giám đốc truyền thông Tập đoàn FPT trình bày tham luận về kinh nghiệm trong xây dựng và phát triển văn hóa FPT

3 thành tố tạo nên văn hóa FPT

Trình bày tham luận tại hội nghị, bà Bùi Nguyễn Phương Châu - Giám đốc truyền thông Tập đoàn FPT đã có những chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng và phát triển văn hóa FPT.

Theo bà Phương Châu, trải qua hơn 30 năm xây dựng và phát triển, hiện nay tổng doanh thu của Tập đoàn FPT hơn 1 tỷ USD, nếu tính cả khối bán lẻ vừa tách ra năm 2017 thì con số lên đến hơn 50 nghìn tỷ đồng. Từ 13 thành viên, tổng nhân sự của FPT hiện giờ hơn 36 nghìn người.

Nói về văn hóa doanh nghiệp FPT, bà Phương Châu nhìn nhận được cấu thành từ 3 thành tố.

Thứ nhất, văn hóa FPT xuất phát chính từ sứ mệnh của công ty được xác lập ngay từ khi thành lập, theo bà Phương Châu đây chính là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của Tập đoàn.

"Với 1 doanh nghiệp, khi bắt đầu kinh doanh, chúng ta tìm các sản phẩm dịch vụ đáp ứng cho thị trường, nhưng nhiều lúc chúng ta quên mất chúng ta hoạt động, tồn tại để làm gì, phục vụ điều gì? Với FPT, kể từ ngày mới thành lập, ban lãnh đạo công ty đã xác định sứ mệnh rất rõ ràng để cho mỗi thành viên ai cũng đều hoạt động hướng tới sứ mệnh này", Giám đốc truyền thông Tập đoàn FPT nói. Đồng thời nhấn mạnh, sứ mệnh của Tập đoàn đã được Chủ tịch Trương Gia Bình đưa ra ngay từ ngày đầu thành lập, đó là: "FPT mong muốn trở thành một tổ chức kiểu mới, giàu mạnh bằng nỗ lực lao động sáng tạo trong khoa học kỹ thuật và công nghệ, làm khách hàng hài lòng, góp phần hưng thịnh quốc gia, đem lại cho mỗi thành viên của mình điều kiện phát triển tài năng tốt nhất và một cuộc sống đầy đủ về vật chất, phong phú về tinh thần".

Thứ hai, văn hóa FPT được đúc kết thành hệ thống giá trị cốt lõi. Trong đó đòi hỏi mỗi cán bộ nhân viên phải tuân thủ, gìn giữ, phát huy, và liên tục đưa vào thực hành thực tiễn các giá trị này.

Điều quan trọng hơn, theo bà Phương Châu đó là thành tố thứ 3.

"Tất cả sứ mệnh, hệ thống giá trị cốt lõi đó được đưa vào vận hành trong thực tế như thế nào? Bởi vì có thể thực tế hành động hoàn toàn không liên quan đến tầm nhìn, định hướng của công ty đưa ra. Chính vì vậy đòi hỏi thực tiễn phải rất nhất quán với hệ thống giá trị cốt lõi, với sứ mệnh của công ty", bà Phương Châu chia sẻ.

Ông Josep Lee, Koica - Hàn Quốc chia sẻ kinh nghiệm xây dựng văn hóa doanh nghiệp của Tập đoàn Samsung

Tinh thần lãnh đạo các cấp phải tương đồng với tinh thần doanh nghiệp

Tiếp đó, ông Josep Lee (Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc Koica - Hàn Quốc) chia sẻ kinh nghiệm xây dựng văn hóa doanh nghiệp của Tập đoàn Samsung, và vai trò hỗ trợ của Chính phủ trong việc thúc đẩy văn hóa doanh nghiệp.

Trước khi đến Việt Nam 3 năm trước với vai trò là chuyên gia tư vấn của Koica, ông Josep Lee từng làm việc cho rất nhiều các doanh nghiệp tại Hàn Quốc. Từ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp nhà nước cho đến những tập đoàn kinh tế toàn cầu.

Theo ông Lee, để xây dựng văn hóa doanh nghiệp cần tính đến 3 yếu tố chính, đó là loại hình doanh nghiệp, mô hình kinh doanh và những nhân tố khác (độ lớn, mục tiêu, năng lực, tính sở hữu của doanh nghiệp).

"LG, Samsung, Hyundai có văn hóa doanh nghiệp khác với những doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong khi đó, doanh nghiệp tập trung chủ yếu vào công nghệ hoặc doanh nghiệp đặt mục tiêu về doanh số, lợi nhuận thì sẽ tạo ra văn hóa doanh nghiệp khác nhau", ông Josep Lee chia sẻ.

Vị chuyên gia của Koica đặc biệt nhấn mạnh đến tinh thần doanh nghiệp. Đây là cốt lõi và các cấp quản lý trong doanh nghiệp đều phải tuân thủ, có tinh thần tương đồng với tinh thần của doanh nghiệp.

Bà Đặng Thúy Hà - Giám đốc khu vực Miền Bắc Nielsen Việt Nam, Văn phòng BTC 248 giới thiệu Bộ chỉ số đo lường Văn hóa Doanh nghiệp (EXC).

Lễ ký kết kế hoạch phối hợp giữa BTC 248 và 9 tỉnh khu vực Đồng bằng Sông Hồng

Khắc Kiên - Nam Thành - Ảnh: Thanh Hải

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/9-tinh-thanh-dong-bang-song-hong-trien-khai-cuoc-van-dong-xay-dung-van-hoa-doanh-nghiep-349502.html