9 thói quen nhà bếp phổ biến vừa gây hại cho đồ dùng, vừa khiến sức khỏe xuống dốc không phanh

Muốn nhà bếp không trở thành 'thảm họa' thì hãy từ bỏ ngay các thói quen này.

Hơn bất cứ không gian nào, phòng bếp là nơi cần giữ vệ sinh tuyệt đối bởi nó có thể ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của chúng ta. Tuy nhiên, có những thói quen xấu chúng ta vô tình mắc phải lại đang hủy hoại căn bếp từng ngày.

1. Dùng khăn giấy lau mọi bề mặt

Khăn giấy không phải là lựa chọn thích hợp để lau chùi một số bề mặt, ví dụ như kính hoặc bàn bếp bằng gỗ được đánh vecni. Vì khăn giấy có thể bị mài mòn trong quá trình lau nên sẽ có nguy cơ để lại vết xước trên các bề mặt mỏng manh này. Thay vào đó, bạn có thể sử dụng một miếng vải mềm để không làm hỏng bất cứ thứ gì.

2. Không có nắp bảo quản dao

Một sai lầm phổ biến mà nhiều người trong chúng ta mắc phải là đặt tất cả các loại dao vào cùng một ngăn kéo. Các lưỡi dao sẽ va chạm liên tục vào nhau khi ngăn kéo được mở ra đóng lại nhiều lần và nhanh hỏng. Thay vào đó, bạn có thể cất dao vào hộp đựng dao hoặc phủ lên mỗi lưỡi dao một thứ gì đó có thể ngăn ngừa các tác nhân làm hỏng dao.

3. Dùng giấm để làm sạch mọi thứ

Tránh dùng giấm để làm sạch mặt bàn bằng đá granite và đá cẩm thạch, gạch lát sàn bằng đá, bề mặt kim loại hoặc sàn gỗ cứng. Giấm có tính axit cao và sẽ mài mòn các bề mặt này nhanh hơn bình thường. Trong khi đó, nó lại rất thích hợp để làm sạch lò vi sóng, máy rửa chén, tủ lạnh, bồn rửa và vòi nước.

4. Trộn đồ ăn nóng trong máy xay

Trộn các chất lỏng hoặc thực phẩm nóng trong cốc xay sinh tố có nắp đậy kín là thói quen có thể gây nguy hiểm. Chất lỏng có thể nở ra, nhiệt nóng tạo ra hơi nước dễ dẫn đến tăng áp suất bên trong cốc xay, tiềm tàng nguy cơ nổ gây bỏng. Vì vậy, với thực phẩm nóng, bạn hãy dùng máy xay cầm tay để xay trực tiếp trong nồi. Cách này còn hạn chế nguy cơ thực phẩm nhiễm khuẩn từ cốc xay.

5. Rửa thịt trước khi nấu

Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của bạn. Rửa kỹ thịt sẽ không giết chết các loại vi khuẩn, thay vào đó lại làm nó bám ở các không gian khác như bàn, bồn rửa. Cho thịt lên chảo hoặc vào lò nướng cũng đủ để loại bỏ vi khuẩn.

6. Sử dụng thớt thủy tinh

Các bề mặt của thớt thủy tinh rất dày đặc và nặng, và khi một con dao đập lên thớt nó sẽ nhanh bị cùn và sứt mẻ. Một chiếc thớt gỗ tốt hoặc thậm chí bằng nhựa sẽ giúp dao dùng được lâu hơn.

7. Đổ vỏ khoai tây vào bồn rửa bát

Vỏ khoai tây chứa nhiều tinh bột, có thể vón cục và biến thành một lớp cùi dày gây tắc nghẽn mọi thứ. Ngoài ra, bạn cũng không nên vứt lá atiso và vỏ cà rốt vào bồn rửa bát vì chúng có sợi dai và có thể làm tắc nghẽn bồn rửa bát. Tốt hơn hết bạn nên thu thập mọi thứ và vứt vào thùng rác.

8. Lạm dụng thuốc tẩy

Nếu tủ bếp của bạn được sơn hoặc đánh vecni thì hãy luôn cẩn trọng khi lau chùi. Thuốc tẩy là một chất lỏng khá mạnh, dùng nó sẽ dễ làm hỏng các bề mặt. Thay vào đó, bạn có thể pha xà phòng tẩy rửa loại nhẹ với nước ấm và dùng khăn mềm để lau.

9. Cho đồ dùng bằng gỗ vào máy rửa bát

Có một số vật dụng bằng gỗ cho máy rửa bát khá an toàn, nhưng hầu hết là không nên. Bạn hãy tránh cho thìa, đĩa hoặc thớt bằng gỗ vào máy rửa bát nếu không chúng sẽ bị nứt, cong vênh và đổi màu.

Nguồn: Bright Side

Nguồn: Bright Side

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/9-thoi-quen-nha-bep-pho-bien-vua-gay-hai-cho-do-dung-vua-khien-suc-khoe-xuong-doc-khong-phanh-2202115105011332.htm