9 tháng thực hiện Nghị định 10: Xe dù, bến cóc vẫn nở rộ

Sau hơn 9 tháng Nghị định 10 có hiệu lực, vấn nạn xe dù bến cóc, xe trá hình vẫn đang nở rộ...

Xe Limousine vô tư đón khách, nhận hàng trên đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Ảnh: Đức Trọng

Nghị định 10/2020 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải được kỳ vọng sẽ là cơ sở pháp lý cần thiết để xử lý triệt để xe hợp đồng trá hình lách luật, hoạt động như tuyến cố định. Tuy nhiên, sau hơn 9 tháng Nghị định có hiệu lực, vấn nạn xe dù bến cóc, xe trá hình vẫn đang nở rộ, cạnh tranh không lành mạnh với các xe khách chạy tuyến cố định.

Rầm rộ xe trá hình, vô tư lập bến cóc

Sáng 9/1, PV điện thoại số 0914333…, là số tổng đài của nhà xe Văn Khánh (phường Hương Chữ, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên - Huế), liền được đầu dây xác nhận đặt 1 chỗ cho hành trình từ Đà Nẵng ra Huế.

Đúng hẹn, 12h20 chiếc xe 7 chỗ hiệu Fortuner BKS 75A - 162.99 đón khách tại đường Tôn Đức Thắng. Lúc này, các ghế trên xe đã đầy 5 khách, chỉ còn 1 chỗ trống phía sau.

Xe trực chỉ hướng hầm Hải Vân, rồi cứ thế bon bon qua các chốt TTKS của CSGT Thừa Thiên - Huế về trả khách trên nội thị Huế. Cũng như các khách khác, khi PV xuống điểm đến trên đường Tố Hữu mới bị nhân viên thu 120.000 đồng/lượt.

Đáng nói, ngay sau khi Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên - Huế chủ trì họp chỉ đạo Sở GTVT, Công an rà soát, xử lý nghiêm xe trá hình, nhà xe Văn Khánh vẫn tổ chức phát tờ rơi, quảng bá, gom khách lẻ, công nhiên vi phạm. Nhà xe này ghi rõ số điện thoại, thông tin xe chuyến “tuyến cố định Huế đi Đà Nẵng” với dòng xe 4 - 7 chỗ.

Tương tự, chỉ cần lên trang web xeke…, các trang Facebook “xe ké miền…” “đi xe…”, PV không khó lựa chọn các thông tin gom khách lẻ của những xe 4 - 7 chỗ được cấp phù hiệu hợp đồng.

Ghi nhận cho thấy, vài năm trở lại đây, từ chỗ manh nha một vài xe, đơn vị, đến nay “tập đoàn xe ké Huế” đã phát triển lên đến hơn 200 đầu xe. Đáng nói, mỗi lần sau các đợt kiểm tra, liên ngành ra quân, CSGT tăng cường TTKS vấn nạn này lại càng biến tướng, bùng phát.

Danh sách hơn 200 đầu xe này đã được Đội xe buýt Huế (tuyến xe buýt liên tỉnh gần kề Huế - Đà Nẵng và ngược lại) trực tiếp kiến nghị, lên Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ. Nhưng đến nay, nạn xe trá hình vẫn rầm rộ. Mỗi ngày các xe này liên tục chạy quay đầu 4 - 6 lượt, vượt qua các chốt trạm TTKS của liên ngành, CSGT Thừa Thiên - Huế.

Trên địa bàn Hải Phòng, xe hợp đồng trá hình tuyến cố định hoạt động hết sức sôi nổi với nhiều phương thức tinh vi nhằm qua mặt lực lượng chức năng.

Các nhà xe sử dụng các loại xe Limousine loại 9 chỗ luồn lách trong các ngõ phố nội thành để đón khách tận nhà. Cũng có nhiều nhà xe sử dụng xe 7 chỗ đi đón khách về trụ sở công ty, văn phòng của mình rồi sau đó mới đẩy khách lên các chuyến xe Limousine trá hình tuyến cố định và di chuyển đến điểm trả khách.

Ngày 9/1, PV trong vai hành khách đã gọi điện đến số máy 097516313xx của nhà xe Limousine Vĩnh Thịnh, sau khi nghe PV có nhu cầu đi Hà Nội vào sáng 10/1, nhân viên nhà xe đã rất nhiệt tình tư vấn, lấy đủ các thông tin như tên tuổi, ngày giờ và địa điểm đón khách, nhà xe cũng không quên dặn dò lái xe sẽ đến đón trước 30 phút so với giờ di chuyển để hành khách chuẩn bị.

Sáng hôm sau, đúng như lịch, chiếc xe Limousine Vĩnh Thịnh đến tận nơi đón khách, xe di chuyển lòng vòng trong phố để đón thêm vài lượt khách nữa rồi mới vào cao tốc Hà Nội - Hải Phòng di chuyển lên Hà Nội. Khi khách hàng đến nơi, xuống xe, lái xe mới thu tiền của khách hàng.

Tại Hà Nội, sáng 12/1, có mặt tại đường Phạm Hùng (quận Nam Từ Liêm) cùng nhiều tuyến đường xung quanh BX Mỹ Đình, PV ghi nhận rất nhiều xe khách núp bóng xe hợp đồng du lịch ngang nhiên hoạt động vận chuyển hành khách không khác gì xe khách tuyến cố định. Nhiều văn phòng được các nhà xe lập nên nhan nhản quanh bến. Các xe Limousine loại 9 chỗ tấp nập đi, đến khu vực này.

Tương tự, tại TP HCM, kể từ ngày 1/4/2020 đến nay, sau gần 9 tháng Nghị định 10 có hiệu lực, đến vấn nạn xe dù bến cóc vẫn không giảm, mà trái lại còn có dấu hiệu bùng phát.

Theo thống kê của Sở GTVT TP HCM, TP có 107 điểm hoạt động đón, trả khách trước trụ sở hoặc trong khuôn viên trụ sở của các hãng xe và có 5 điểm hoạt động đón, trả khách tại các cây xăng, tuyến đường, bãi xe…

Đây chính là nơi các nhà xe trá hình xe khách dưới dạng xe hợp đồng hoạt động. Điểm nóng xe hợp đồng trá hình nhiều năm nay tập trung ở quận 1, quận 5, quận Bình Thạnh với nhiều con đường như An Dương Vương, Nguyễn Duy Vương, Trần Phú, Nguyễn Duy Dương, Nguyễn Chí Thanh, Hùng Vương, Điện Biên Phủ, Nguyễn Thái Bình, đường 3 Tháng 2, đường Bàu Cát…

Xe tuyến cố định thi nhau bỏ bến chạy dù

Nhiều tháng nay, nhà xe Phiệt Học biến khu vực Công viên Cầu Giấy (TP Hà Nội) thành “bến cóc” đón trả khách. Ảnh: Đức Trọng

Ông Lý Trường Sơn, Giám đốc BX Mỹ Đình thông tin, từ nhiều tháng nay tại BX Mỹ Đình xuất hiện hàng chục nhà xe bỏ bến, trong đó chủ yếu là các tuyến ngắn dưới 200km đi Thái Nguyên, Phú Thọ, Yên Bái…

“Một số nhà xe khi báo cáo với đơn vị quản lý và khai thác bến xe đã đưa ra những lý do giải thích về việc hoạt động dưới 70% số chuyến theo biểu đồ đã đăng ký hoặc bỏ bến là do xe hỏng phải sửa chữa, xe bị tai nạn... Tuy nhiên, thực tế cho thấy, không ít nhà xe bỏ bến nhưng lại lén lút ra ngoài đón trả khách tại các tuyến đường”, ông Sơn cho hay.

Ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc BX Giáp Bát cũng tỏ ra ngán ngẩm: “Từ mấy năm nay, các xe đi tuyến ngắn “đua” nhau bỏ bến hoạt động bên ngoài và dẫn lý do trong bến không có khách, điển hình là các tuyến xe đi Ninh Bình là nhiều nhất”.

Ông Lưu Thành Đông, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Kim khí Hải Phòng - đơn vị chủ quản BX khách Thượng Lý (Hải Phòng) cũng cho biết, các phương tiện hợp đồng trá hình đã phá vỡ quy hoạch luồng tuyến vận tải, dẫn tới cạnh tranh không lành mạnh với các phương tiện chạy tuyến cố định, gây thất thu ngân sách nhà nước.

Điển hình nhất là tuyến Hải Phòng - Móng Cái, có tới 70 - 80% các phương tiện đã bỏ bến chạy xe hợp đồng trá hình. Các phương tiện này thường mở “bến cóc” dọc tuyến đường lưu thông, dừng đỗ bắt khách quanh thành phố. Tuy nhiên việc kiểm tra, xử lý đối với các xe này thì vẫn còn hạn chế và gần như cơ quan chức năng không xử lý được.

“Đối với các tuyến khác, rất nhiều nhà xe cũng thay đổi phương thức, chạy xe Limosine 9 chỗ, mở văn phòng, luồn lách đón khách dọc các tuyến phố, tuyến đường. Việc đó đã ảnh hưởng trầm trọng đến hoạt động kinh doanh vận tải của các doanh nghiệp làm ăn chân chính, ảnh hưởng đến sự uy nghiêm của pháp luật, cần có biện pháp xử lý triệt để, ông Đông kiến nghị.

Ông Phạm Xuân Sơn, Tổng giám đốc Công ty CP Bến xe Huế cũng thông tin, dù xe khách tuyến cố định không bỏ bến tại đây, song do nạn xe trá hình, xe dù hoành hành mà đến nay trung bình các nhà xe phải giảm từ 22 - 25 lượt/tài xuống còn 15 lượt tài/ngày. Lượng khách trung bình trên mỗi chuyến xe 29 ghế hiện chỉ đạt 17%”, ông Sơn nói.

Đủ chiêu trò đối phó

Theo ông Cao Văn Hiệp, Phó chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội, sau khi Nghị định 10 có hiệu lực, lực lượng Thanh tra Sở GTVT đã tăng cường xử phạt.

Tuy nhiên, lợi dụng kẽ hở của các quy định trong hoạt động kinh doanh vận tải, một số đơn vị vận tải đã lập văn phòng đại diện tại Hà Nội, sử dụng xe hợp đồng (xe dạng Limousine và xe khách) để tổ chức thu tiền, đặt chỗ, gom khách hoạt động liên tục đi các tỉnh như tuyến cố định.

Trong năm 2020, Thanh tra Sở đã lập biên bản 2.663 xe khách tuyến cố định, phạt tiền hơn 3,8 tỷ đồng; 2.173 xe hợp đồng, phạt tiền hơn 4 tỷ đồng; tước phù hiệu xe vận tải hành khách 178 phương tiện.

Nói về công tác kiểm tra, xử lý vi phạm của lực lượng chức năng còn gặp nhiều khó khăn, ông Hiệp cho biết, các đối tượng “cò mồi”, chèo kéo khách vẫn diễn ra tại các khu vực bến xe; có đối tượng còn được thuê, cử theo dõi, cảnh báo đến các nhà xe khi có sự xuất hiện của lực lượng chức năng.

“Việc ứng dụng công nghệ, sử dụng các thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để xử lý phạt “nguội” vi phạm hành chính còn hạn chế; hệ thống theo dõi giám sát hành trình chưa tự động cảnh báo cáo lỗi của các xe vi phạm, phải dùng các biện pháp thủ công để rà soát với số lượng lớn phương tiện”, ông Hiệp nói.

Đại diện Phòng CSGT Công an TP Hải Phòng cũng cho biết, mặc dù Nghị định 10 có hiệu lực được hơn 9 tháng nay, nhưng việc xử lý gặp rất nhiều khó khăn.

Các xe hợp đồng trá hình tuyến cố định đều thực hiện việc bắt khách, lấy địa chỉ của khách, thông tin của khách xong điền trực tiếp vào hợp đồng, chính vì vậy khi bị kiểm tra đối chiếu thông tin hành khách và thông tin trên hợp đồng khớp nhau, rất khó xử lý.

Nhiều hãng xe còn tìm mọi cách để đối phó với lực lượng chức năng, điển hình như với quy định yêu cầu xe hợp đồng chạy tuyến cố định không được lặp đi lặp lại lịch trình thì các doanh nghiệp đối phó bằng cách lắp đặt thiết bị định vị trên các xe máy rồi di chuyển khắp các tuyến đường nội thành, còn xe Limousime thì vẫn di chuyển bình thường.

Theo ông Khúc Hữu Thanh Hải (Giám đốc Công ty CP Vận tải thương mại và Dịch vụ Đất Cảng), hiện nay trên xe đã được lắp thiết bị giám sát hành trình để kiểm soát nhưng xe vi phạm thường tìm cách đối phó tắt thiết bị giám sát hành trình, thậm chí lắp thiết bị không đúng với phương tiện.

Chỉ riêng đối với quy định “Trong thời gian một tháng, mỗi xe ô tô không được thực hiện quá 30% tổng số chuyến của xe đó có điểm đầu trùng lặp và điểm cuối trùng lặp, phạm vi trùng lặp được tính tại một địa điểm hoặc tại nhiều địa điểm nằm trên cùng một tuyến phố”, cũng không rõ ai là người thống kê con số 30% đó nên không thể xử lý.

Ông Nguyễn Quốc Mạnh, Giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải ô tô Điện Biên cũng nhận xét, đến nay tình trạng xe dù bến cóc, xe hợp đồng trá hình vẫn đang nở rộ.

Tại các khu vực, tuyến đường quanh BX Mỹ Đình, BX Giáp Bát mọc lên nhiều điểm tiếp nhận, trung chuyển hàng hóa, các điểm gom hành khách của các nhà xe mà không có lực lượng chức năng nào kiểm soát. Những biện pháp đưa ra để xử lý hiện tượng xe dù bến cóc chưa có những chế tài thực sự đủ mạnh và cách xử lý chưa thật sự quyết liệt, thậm chí dư luận nghi ngờ có sự tiêu cực.

Bà Phan Thị Thu Hiền (Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN):
Hoàn thiện các giải pháp về công nghệ

Để Nghị định 10 tiếp tục đi vào cuộc sống, giải quyết dứt điểm vấn nạn “xe dù, bến cóc”, trước tiên sẽ vẫn là tăng cường việc thanh tra, kiểm tra về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải cũng như việc quản lý hoạt động vận tải của địa phương, trong đó có quản lý bến xe, các điểm đón trả khách. Đặc biệt tập trung vào loại hình kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng; phát hiện, xử lý kịp thời,nghiêm minh các vi phạm.

Kế đó, sẽ phải tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý hoạt động vận tải đường bộ.

Chúng tôi đang khẩn trương xây dựng phần mềm tiếp nhận thông báo hợp đồng vận chuyển khách, tự động theo dõi, tổng hợp, thống kê, phân tích các dữ liệu đáp ứng yêu cầu quản lý để thống nhất sử dụng chung trong toàn quốc.

Tổng cục Đường bộ VN cũng đang xây dựng và hoàn thiện hệ thống thông tin quản lý kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, vận tải khách du lịch bằng xe ô tô; nâng cấp hệ thống dịch vụ công trực tuyến, hệ thống giám sát hành trình giao thông tại Thông tư số 12/2020 của Bộ GTVT để áp dụng thống nhất trong toàn quốc.

Cùng đó, Tổng cục sẽ xây dựng phần mềm quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; thực hiện và phối hợp thực hiện việc kết nối liên thông dữ liệu các phần mềm: Quản lý cấp biển hiệu, phù hiệu cho xe ô tô kinh doanh vận tải, giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, giám sát hành trình, đăng kiểm, xử lý vi phạm, thu hồi Giấy phép lái xe để tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước. Đồng thời, tiếp tục thực hiện một số biện pháp tăng cường quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô theo chỉ đạo của Bộ GTVT.

Trong năm 2021, Tổng cục Đường bộ VN sẽ tiếp tục thực hiện hoàn thiện phần mềm giám sát hành trình, xây dựng thí điểm phần mềm tiếp nhận thông tin tối thiểu của hợp đồng vận chuyển và phần mềm xử lý hình ảnh từ camera để từng bước hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý chặt chẽ và có hiệu quả đối với hoạt động của xe hợp đồng theo đúng quy định tại Nghị định số 10/2020.

T. Duy (Ghi)

Nhóm phóng viên

Nguồn ATGT: https://www.atgt.vn/9-thang-thuc-hien-nghi-dinh-10-xe-du-ben-coc-van-no-ro-d492784.html