9 tháng, số thu ngân sách của ngành Hải quan giảm hơn 13% so với cùng kỳ

Số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho thấy, tính đến hết ngày 30/9, toàn Ngành thu đạt gần 228.000 tỷ đồng, bằng khoảng 67% dự toán, bằng 64,2% chỉ tiêu phấn đấu, giảm 13,15% so với cùng kỳ năm trước.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Nhiều mặt hàng có thuế suất cao đã giảm mạnh so với cùng kỳ

Lý giải về điều này, Tổng cục Hải quan cho biết, nguyên nhân bởi dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu của doanh nghiệp. Trong đó, nhiều mặt hàng có thuế suất cao đã giảm mạnh so với cùng kỳ.

Theo phân tích của Cục Thuế xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan), sở dĩ số thu giảm là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp, nguy hiểm ở một số quốc gia lớn như Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và các quốc gia thuộc khối châu Âu đã tác động trực tiếp đối với hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam dẫn đến giao thương hạn chế, nhu cầu hàng hóa sụt giảm, hoạt động thông quan hàng hóa khó khăn, nguồn lao động và “sức khỏe” của doanh nghiệp bị giảm sút, giá hàng hóa giảm mạnh. Từ đó, gián tiếp tác động đến tình hình thu ngân sách, làm giảm thu 34.518 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019.

Số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho thấy, tính đến hết ngày 30/9, toàn ngành thu đạt gần 228.000 tỷ đồng, bằng khoảng 67% dự toán, bằng 64,2% chỉ tiêu phấn đấu, giảm 13,15% so với cùng kỳ năm trước.

Theo đó, dù hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đang duy trì và tiếp tục đà phục hồi tích cực cả về trị giá lẫn kim ngạch trong bối cảnh dịch bệnh được kiểm soát tốt, song nhiều mặt hàng nhập khẩu có thuế suất cao giảm mạnh so với cùng kỳ khiến số thu ngân sách Nhà nước cũng khó đạt được mục tiêu.

Cụ thể, nhiều mặt hàng giảm thu cả nghìn tỷ đồng như: ô tô, linh kiện ô tô, sắt thép, máy móc thiết bị… dẫn đến số thu ngân sách của nhiều cục hải quan tỉnh, thành phố không đạt được tiến độ đề ra. Điển hình như, mặt hàng dầu thô nhập khẩu trong tháng 9/2020 giảm 2,4% về lượng và giảm 1,3% về trị giá khiến cho lượng mặt hàng này nhập khẩu tăng 40% nhưng lại giảm 2,8% về giá trong 9 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm 2019.

Với mặt hàng xăng dầu các loại nhập khẩu trong tháng 9 giảm tới 21,2% về lượng và 24% về trị giá khiến cho tổng 9 tháng đầu năm của mặt hàng này giảm tới 9,8% về lượng và 41,6% về trị giá. Với mặt hàng sắt thép các loại nhập khẩu trong tháng 9 khoảng 1.000 nghìn tấn, giảm 15,4% và trị giá là 622 triệu USD, giảm 4,7% so với tháng 8. Như vậy, mặt hàng sắt thép có lượng nhập khẩu trong 9 tháng đầu năm vào khoảng 10.362 nghìn tấn, giảm tới 4,1% với trị giá 6,04 tỷ USD, giảm 16%.

Đặc biệt, lượng nhập khẩu mặt hàng ô tô nguyên chiếc các loại mặc dù trong tháng 9 về nước tăng 43,3% về lượng và 26,6% về trị giá với tháng 8. Tuy nhiên, lượng nhập khẩu mặt hàng này trong 9 tháng đầu năm lại giảm tới 37,2% về lượng và 38,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019.

Nỗ lực thu ngân sách

Trong thời gian tới, để hoàn thành nhiệm vụ thu ở mức cao nhất, trước bối cảnh dịch bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm tại các nước trên thế giới, ngành Hải quan tiếp tục thực hiện các chính sách, giải pháp về thủ tục hải quan nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trước ảnh hưởng của dịch Covid 19.

Trong đó, Tổng cục Hải quan tiếp tục nghiên cứu, cải tiến công tác giám sát, quản lý hải quan theo hướng tìm kiếm những giải pháp thiết thực, phù hợp để tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp.

Đối với Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), cơ quan Hải quan không yêu cầu doanh gnhiệp phải nộp chứng từ chứng minh đối với trường hợp hàng hóa được vận chuyển nguyên container, nguyên chì từ nước xuất khẩu đến khi đến Việt Nam; chấp nhận vận đơn chủ cho từng chặng, vận đơn thứ cấp nếu trên vận đơn thứ cấp thể hiện hàng hóa được vận chuyển từ nước xuất khẩu đến nước nhập khẩu; không xử phạt vi phạm hành chính đối với phương tiện vận tải quá thời hạn tái nhập, tái xuất theo quy định nếu có tài liệu xác định thuộc trường hợp bất khả kháng do Chính phủ Lào áp dụng biện pháp tạm dừng xuất nhập cảnh hoặc người điều khiển phương tiện vận tải bị áp dụng biện pháp cách ly tập trung tại thời điểm phương tiện vận tải phải tái xuất, tái nhập.

Cũng theo Tổng cục Hải quan, do ảnh hưởng của dịch bệnh, các doanh nghiệp gặp khó khăn không xuất khẩu được hàng hóa loại hình gửi kho ngoại quan, hàng kinh doanh miễn thuế; trong thời hạn lưu giữ hàng hóa lại hạn chế bởi quy định của pháp luật, cơ quan Hải quan và các doanh nghiệp chưa có giải pháp để xử lý hàng hóa ách tắc tại cửa khẩu do nước ngoài đóng biên, đối tác không tiếp nhận hàng hóa.

Trước tình hình đó, Tổng cục Hải quan đã có báo cáo Bộ Tài chính giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp theo hướng cho phép doanh nghiệp được gia hạn thời gian lưu giữ hàng hóa gửi kho ngoại quan, cửa hàng miễn thuế đến khi công bố hết dịch Covid-19.

Đối với các doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động, hoạt động cầm chừng do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, các chi cục hải quan trực thuộc thường xuyên nắm thông tin, giữ liên lạc với doanh nghiệp trên địa bàn để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc phát sinh, kịp thời có các giải pháp hỗ trợ, thực hiện tốt công tác quản lý doanh nghiệp, phòng chống phát sinh nợ xấu do doanh nghiệp bỏ trốn, mất tích; tiếp nhận giải quyết nhanh chóng các hồ sơ hoàn thuế, miễn thuế, giúp các doanh nghiệp có điều kiện để tái đầu tư, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tăng doanh thu.

Việt Dũng

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/chuyen-dong-tai-chinh/9-thang-so-thu-ngan-sach-cua-nganh-hai-quan-giam-hon-13-so-voi-cung-ky-328609.html