9 tháng, lực lượng QLTT chuyển cơ quan điều tra 138 vụ có dấu hiệu hình sự
9 tháng năm 2024, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) cả nước đã kiểm tra 54.673 vụ; phát hiện, xử lý 38.107 vụ vi phạm; tổng số tiền xử lý là 715 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2023; chuyển cơ quan điều tra 138 vụ có dấu hiệu hình sự.
9 tháng: Nộp ngân sách nhà nước 440 tỷ đồng
Cụ thể trong 9 tháng năm 2024 (từ 15/12/2023-14/9/2024), lực lượng QLTT cả nước đã kiểm tra 54.673 vụ, phát hiện, xử lý 38.107 vụ vi phạm, chuyển cơ quan điều tra 138 vụ có dấu hiệu hình sự.
Tổng số tiền xử lý là 715 tỷ đồng (tăng 23% so với cùng kỳ năm 2023). Trong đó, xử phạt vi phạm hành chính 370 tỷ đồng (tăng 11%), trị giá hàng hóa tịch thu gần 169 tỷ đồng (tăng 12%), trị giá hàng hóa buộc tiêu hủy trên 176 tỷ đồng (tăng 87%).
Đáng chú ý, 9 tháng năm 2024, lực lượng QLTT cả nước thực hiện thu nộp ngân sách nhà nước 440 tỷ đồng đạt gần 99% chỉ tiêu đăng ký thi đua cả năm 2024.
Có 22 đơn vị vượt chỉ tiêu thi đua cả năm gồm: các Cục QLTT tỉnh Hưng Yên (vượt 164%), Quảng Bình (vượt 100%), Phú Yên (vượt 74%); Quảng Trị (vượt 58%), Quảng Ninh (vượt 39%), Long An (vượt 34%), Bắc Giang (vượt 23), Hải Dương (vượt 19), Hà Nam (vượt 14), Tiền Giang (vượt 13%), Hà Giang (vượt 11%), Bến Tre (vượt 11%), Hà Nội (vượt 10%), Quảng Ngãi (vượt 10%), Cao Bằng (vượt 8%), Đà Nẵng (vượt 6%), Đồng Tháp (vượt 6%), Đắk Lắk (vượt 5%), Thái Nguyên (vượt 5%), An Giang (vượt 4%), Cần Thơ (vượt 3%), Lai Châu (vượt 1%).
13 đơn vị đạt trên 90%, gồm các Cục QLTT tỉnh Khánh Hòa, Bình Thuận, Nghệ An, Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Bà Rịa - Vũng Tàu, Thừa Thiên Huế, Tuyên Quang, Cục Nghiệp vụ QLTT, Lào Cai, Bình Định, Thái Bình, Lâm Đồng.
Vi phạm thương mại điện tử tăng cao
Lãnh đạo Tổng cục QLTT đánh giá, số hành vi vi phạm hành chính trong các lĩnh vực hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, lĩnh vực y tế, giá, niêm yết giá, tiêu chuẩn đo lường, nhãn hàng hóa được lực lượng phát hiện giảm so với cùng kỳ năm 2023.
Các hành vi về nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, an toàn thực phẩm, nông nghiệp, đặc biệt, lĩnh vực thương mại điện tử tăng cao so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, đối với lĩnh vực hàng giả: 9 tháng năm 2024, lực lượng QLTT phát hiện, xử lý 122 vụ vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính 4,7 tỷ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm 15,5 tỷ đồng.
Các địa phương có số vụ xử lý cao, gồm: Tiền Giang (30 vụ), Bến Tre (16 vụ), Vĩnh Long (11 vụ), Kiên Giang (9 vụ), Hậu Giang (9 vụ).
Đối với hàng xâm phạm quyền SHTT: 9 tháng, lực lượng QLTT cả nước đã phát hiện, xử lý 3.961 vụ vi phạm xử phạt vi phạm hành chính 54,3 tỷ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm 12,2 tỷ đồng.
Các địa phương có số vụ xử lý cao: Hà Nội (1.035 vụ), TP. HCM (947 vụ), Quảng Ninh (176 vụ), Đà Nẵng (159 vụ), Thái Nguyên (128 vụ), Thanh Hóa (118 vụ).
Đối với lĩnh vực thương mại điện tử: 9 tháng năm 2024, lực lượng QLTT cả nước đã phát hiện, xử lý 2.014 vụ vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính 35,4 tỷ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm 29,4 tỷ đồng.
Các địa phương có số vụ xử lý cao gồm: Hà Nội, TP.HCM, Bến Tre, Đắk Lắk, Đắk Nông, Đà Nẵng, Đồng Nai, Đồng Tháp, Cao Bằng, Gia Lai, Hà Giang, Ninh Bình, Nghệ An, Thái Bình, Thái Nguyên, Quảng Nam, Quảng Ninh, Quảng Trị, Tiền Giang.
Đối với mặt hàng vàng: 9 tháng năm 2024, lực lượng QLTT cả nước đã phát hiện, xử lý 498 vụ, xử phạt vi phạm hành chính 12,8 tỷ đồng; trị giá hàng hóa vi phạm 21,5 tỷ đồng.
Đối với mặt hàng xăng dầu: 9 tháng năm 2024, lực lượng QLTT cả nước đã xử lý 343 vụ, xử phạt vi phạm hành chính 11 tỷ đồng.
Đối với mặt hàng thuốc lá điếu, thuốc lá thế hệ mới: xử lý 752 vụ, chuyển cơ quan cảnh sát điều tra 3 vụ, xử phạt vi phạm hành chính 2,9 tỷ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm 5,5 tỷ đồng.
Đối với mặt hàng đường cát: phát hiện, xử lý 86 vụ, xử phạt vi phạm hành chính 2,3 tỷ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm 5,7 tỷ đồng. Thu giữ: 312.972 kg đường cát. Chuyển cơ quan cảnh sát điều tra: 1 vụ.
Đối với mặt hàng đồ chơi bạo lực: phát hiện, xử lý 55 vụ, xử phạt vi phạm hành chính trên 500 triệu đồng, trị giá hàng hóa vi phạm 1,4 tỷ đồng; thu giữ 24.893 sản phẩm đồ chơi trẻ em.