9 tháng, lợi nhuận vượt trội của Techcombank đến từ đâu?

Techcombank (TCB) vừa công bố báo cáo tài chính với lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm 2018 đạt hơn 7.774 tỉ đồng, tăng 61%.

Hệ sinh thái giúp Techcombank phát triển bền vững và vượt trội

Theo đó, lợi nhuận sau thuế của ngân hàng đạt hơn 6.209 tỉ đồng tăng 60%. Riêng trong quí III, nhiều mảng kinh doanh của ngân hàng có mức tăng trưởng cao. Thu nhập lãi thuần tăng gần 52% mang về gần 3.117 tỉ đồng; lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt hơn 932 tỉ tăng gần 45%; lãi thuần từ chứng khoán kinh doanh là hơn 116 tỉ đồng tăng trưởng 23%; lãi thuần hoạt động kinh doanh khác đạt 460 tỉ đồng, tăng gần 52%.

Riêng hoạt động kinh doanh ngoại hối và chứng khoán đầu tư là ghi nhận sự sụt giảm. Cụ thể, lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối giảm 42,4% và chỉ mang về 48,5 tỉ đồng. Cùng với đó, hoạt động chứng khoán đầu tư ghi nhận mức lỗ 39,4 tỉ đồng trong khi cùng kì năm trước lãi lớn hơn 303 tỉ đồng.

Tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tăng gần 47% lên hơn 3.320 tỉ đồng. Do vậy mặc dù chi phí dự phòng tăng lên gần 743 tỉ đồng, gấp 4,7 lần cùng kì năm 2017 nhưng Techcombank vẫn lãi trước thuế hơn 2.578 tỉ đồng, tăng trưởng gần 22,5%. Đây là con số mà nhiều ngân hàng mơ ước...

Để đạt được điểm nhấn này, theo ông Nguyễn Lê Quốc Anh-Tổng Giám đốc TCB, hệ sinh thái ngân hàng - doanh nghiệp là câu chuyện cũ, nhưng luôn là vấn đề mới trong hoạt động kinh doanh. Việc sở hữu một hệ sinh thái này trong nhiều năm qua đã củng cố cho sức mạnh cho ngân hàng.

Giữa các mắt xích trong hệ sinh thái với nhau ngân hàng đóng vai trò như một cổng tài chính đáp ứng nhu cầu vốn và thanh khoản của doanh nghiệp. Ngược lại ngân hàng cũng có lợi không nhỏ từ việc quản lý dòng tiền và lãi vay từ các doanh nghiệp. Cho đến thời điểm này, có thể khẳng định hệ sinh thái của TCB mang đến một nguồn lực dùng chung như nguồn vốn, khách hàng và quản trị mà đối tác này có thể tận dụng hoặc chia sẻ cho nhau.

Theo báo cáo của CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), việc áp dụng mô hình hệ sinh thái khách hàng là nguyên nhân chính dẫn đến sự phục hồi hoạt động kinh doanh của TCB trong vài năm trở lại đây. Chuỗi giá trị lớn nhất hiện nay của TCB có trong tay đến từ Vingroup và Vietnam Airlines.

Theo BVSC, mô hình này có ưu điểm là doanh nghiệp khó tách ra khỏi TCB khi toàn bộ các doanh nghiệp khác trong chuỗi đều đang sử dụng các dịch vụ của ngân hàng. Từ đó, ngân hàng có được nguồn thu từ phí dịch vụ, thu nhập ổn định trong khi rủi ro ở mức thấp.

Tỷ trọng các khoản thu ngoài lãi của TCB đã tăng từ 11% năm 2012 lên 39% vào năm 2017 (không tính các khoản bất thường) cao hơn hẳn tỷ lệ này bình quân ở nhóm ngân hàng niêm yết là 22%. Tại 31/3/2018, TCB nắm giữ thị phần cao nhất về bancassurance và đứng đầu về môi giới trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2017. "Trong 9 tháng đầu năm 2018 thị phần lĩnh vực này tiếp tục dẫn đầu, cho thấy hệ sinh thái của TCB tiếp tục phát huy và gặt hái được những thành công ngoài mong đợi" - ông Lê Nguyên Quốc Anh, khẳng định.

Hà Phương

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/9-thang-loi-nhuan-vuot-troi-cua-techcombank-den-tu-dau-138814.html