9 tháng đầu năm nay, 217.000 lượt phương tiện dùng dịch vụ ETC trên cao tốc TP.HCM-Long Thành-Dầu Giây

Trong 9 tháng đầu năm 2018, tuyến cao tốc TP.HCM-Long Thành-Dầu Giây đã tiếp nhận 11 triệu lượt phương tiện, tương đương với cùng kỳ năm ngoái, trong đó lượng phương tiện sử dụng dịch vụ thu phí điện tử không dừng (ETC) trên tuyến cao tốc này là 217.000 lượt phương tiện.

VEC đã đưa hệ thống thu phí tự động không dừng (ETC) sử dụng thiết bị OBU vào khai thác trên tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây từ trung tuần tháng 8/2017 (Ảnh VEC cung cấp)

VEC đã đưa hệ thống thu phí tự động không dừng (ETC) sử dụng thiết bị OBU vào khai thác trên tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây từ trung tuần tháng 8/2017 (Ảnh VEC cung cấp)

Số liệu thống kê nêu trên vừa được Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) chia sẻ với báo chí trong thông tin cập nhật công tác khai thác, vận hành các tuyến đường cao tốc do VEC đầu tư, quản lý 9 tháng đầu năm nay.

Trong 5 dự án đường bộ cao tốc do VEC đầu tư, quản lý, đã có 4 tuyến cao tốc được đưa vào khai thác, gồm: cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai, Đà Nẵng - Quảng Ngãi và cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, với tổng chiều dài gần 500km; 1 dự án đang triển khai thi công là dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành dự kiến hoàn thành toàn tuyến trong năm 2020, nâng tổng chiều dài đường cao tốc VEC quản lý lên 550km, chiếm 65% tổng chiều dài đường cao tốc quốc gia.

Các tuyến cao tốc VEC quản lý, sau khi đưa vào khai thác thời gian qua đã được xã hội và người dân đánh giá cao, đóng góp lớn vào phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế các địa phương dọc tuyến và các vùng phụ cận… Theo thống kê của VEC, đã có 142 triệu lượt phương tiện lưu thông qua các tuyến cao tốc VEC tính từ khi đưa vào khai thác đến cuối tháng 9/2018. Riêng 9 tháng đầu 2018, tốc độ tăng trưởng lưu lượng trên các tuyến cao tốc VEC quản lý, khai thác đạt 11% so cùng kỳ năm trước, tương ứng với 30,5 triệu lượt.

Trong đó, tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong các tuyến cao tốc VEC - 17%, với việc đưa đón 11,4 triệu lượt phương tiện. Đứng ở vị trí thứ hai về lưu lượng phục vụ là tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, tiếp nhận 11 triệu lượt phương tiện trong 9 tháng qua, tương đương cùng kỳ 2017, trong đó lượng phương tiện sử dụng dịch vụ thu phí điện tử không dừng (ETC) trên tuyến cao tốc này là 217.000 lượt phương tiện.

Là tuyến giao thông huyết mạch thuộc tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam, tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đã được VEC đưa hệ thống ETC sử dụng thiết bị OBU tích hợp 3 công nghệ Passive DSRC, Active DSRC và RFID trên cùng một hệ thống, vào khai thác từ ngày 21/8/2017. Được biết, trên toàn tuyến cao tốc này bố trí 8 cửa thu phí tự động không dừng (ETC) tại 3 trạm thu phí: trạm Long Phước (1 cửa vào, 1 cửa ra); trạm Quốc lộ 51 gồm 4 phân trạm (2 phân trạm đầu vào; 2 phân trạm đầu ra), mỗi phân trạm bố trí 1 cửa ETC; trạm Dầu Giây (1 cửa vào, 1 cửa ra).

Ông Thái Văn Chung, Tổng thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM đã đánh giá tuyến cao tốc TP.HCM Long Thành - Dầu Giây là công trình giao thông rất có ý nghĩa và mang lại hiệu quả kinh tế rất cao, nhất là khi so sánh chỉ số hiệu quả kinh tế trung bình mỗi dự án thành phần thuộc Dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông là khoảng 1.400 tỷ đồng, trong khi hiệu quả kinh tế của Dự án đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đạt trên 3.000 tỷ đồng.

Với cao tốc Nội Bài - Lào Cai, 9 tháng qua, tuyến này phục vụ 7,4 triệu lượt phương tiện, cao hơn 12% so cùng kỳ năm ngoái. Sau 4 năm đưa toàn tuyến vào khai thác (21/9/2014 - 21/9/2018), đã có 30,5 triệu lượt phương tiện lựa chọn cao tốc Nội Bài - Lào Cai làm lộ trình di chuyển.

Cũng trong thông tin phát ra hôm nay, ngày 3/10, VEC cho biết, sau đúng 1 năm đưa vào vận hành (2/8/2017 - 2/8/2018), đoạn tuyến JICA (Km0 - Km65) cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đã phục vụ 567.000 lượt phương tiện an toàn và thông suốt. Ngày 2/9 vừa qua, cao tốc dài gần 140km này đã thông xe toàn tuyến và đưa vào khai thác. Chỉ sau 1 tháng toàn tuyến đi vào hoạt động, lưu lượng trên tuyến đã có sự bứt phá với mức bình quân hiện tại 3.300 – 3.500 lượt phương tiện/ngày đêm, tăng gấp rưỡi so với thời điểm đưa đoạn tuyến JICA vào khai thác.

“Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi được kỳ vọng là con đường tạo cơ hội cho các tỉnh/thành miền Trung thu hút đầu tư, thúc đẩy nhanh sự hình thành và phát triển các khu công nghiệp, du lịch dọc tuyến và các khu du lịch sinh thái ven biển miền Trung”, VEC cho biết thêm.

M.T

Nguồn ICTNews: https://ictnews.vn/cong-nghe-360/o-to-xe-may/9-thang-dau-nam-nay-217-000-luot-phuong-tien-dung-dich-vu-etc-tren-cao-toc-tp-hcm-long-thanh-dau-giay-173268.ict