9 tháng đầu năm 2019, hoàn thành cấp mã QR cho 460 doanh nghiệp

9 tháng đầu năm 2019, Sở NN&PTNT TP.Hà Nội đã cấp mã QR truy xuất minh bạch thông tin cho 460 doanh nghiệp đã hoàn thành thủ tục tham gia hn.check.net.vn với tổng bộ mã truy xuất được quản lý hơn 5.500 mã sản phẩm.

Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, từ đầu năm 2019 đến nay, ngành nông nghiệp Hà Nội tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch số 02/KH-UBND ngày 3/1/2018 của UBND thành phố về duy trì, phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản thực phẩm trên địa bàn thành phố

Đồng thời, phối hợp với Trung tâm Doanh nghiệp hội nhập và phát triển (IDE) thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam xây dựng, cung cấp giải pháp, phần mềm sáng chế “Quy trình xác thực chống hàng giả” xây dựng hoàn thành “Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm sản, thủy sản thực phẩm thành phố Hà Nội” với địa chỉ tên miền www.hn.check.vn đã chuyển hệ thống sang địa chỉ check.gov.vn thuộc sở hữu của Sở NN&PTNT.

Theo đó, Sở NN&PTNT đã hoàn thiện Module tài khoản của 18 UBND quận, huyện, thị xã, module 2 chợ đầu mối nông sản; đang thí điểm module theo dõi luồng di chuyển sản phẩm, xây dựng nhật ký sản xuất trực tuyến, minh bạch toàn bộ các công đoạn từ quá trình sản xuất đến tiêu thụ; hệ thống đã được dịch phiên bản tiếng Anh để hỗ trợ doanh nghiệp và người tiêu dùng kết nối trên diện rộng.

Đến nay, Sở NN&PTNT đã quản lý, cấp mã tài khoản quản trị cho 2.506 cơ sở, hợp tác, doanh nghiệp, cửa hàng sản xuất, kinh doanh thực phẩm, nông, lâm, thủy sản an toàn trên địa bàn thành phố, tăng 429 cơ sở so với số liệu 6 tháng đầu năm 2019; đã cấp mã QR truy xuất minh bạch thông tin cho 460 doanh nghiệp đã hoàn thành thủ tục tham gia hn.check.net.vn với tổng bộ mã truy xuất được quản lý hơn 5.500 mã sản phẩm, tăng 1.500 mã sản phẩm so với 6 tháng đầu năm 2019.

Ngoài ra, Sở NN&PTNT tổ chức 15 lớp tập huấn giúp cho các cơ sở, hợp tác xã sản xuất, sơ chế, chế biến, nhận thức rõ về lợi ích của việc minh bạch thông tin, truy xuất nguồn gốc bằng mã QR; đồng thời hướng dẫn người sản xuất, kinh doanh thông báo những thông tin cơ bản về sản phẩm, cơ sở sản xuất chế biến và những thông tin về chất lượng, an toàn thực phẩm; quy trình hoạt động của cơ sở lên hệ thống thông tin điện tử truy xuất nguồn gốc nhằm minh bạch thông tin sản phẩm.

Việc đẩy mạnh hoạt động truy xuất nguồn gốc sẽ tạo niềm tin cho người tiêu dùng, nâng cao thương hiệu hàng hóa hướng tới xuất khẩu. Ảnh: Phong Lâm

Việc đẩy mạnh hoạt động truy xuất nguồn gốc sẽ tạo niềm tin cho người tiêu dùng, nâng cao thương hiệu hàng hóa hướng tới xuất khẩu. Ảnh: Phong Lâm

Liên quan tới việc đẩy mạnh triển khai các hoạt động truy xuất nguồn gốc sản phẩm, vào ngày 19/01/2019, tại Quyết định số 100/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc.

Đề án nhằm hoàn thiện hệ thống quy định pháp luật, văn bản, tài liệu hướng dẫn về truy xuất nguồn gốc; đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động truy xuất nguồn gốc để phục vụ hội nhập quốc tế và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, bảo đảm chất lượng, tính an toàn của sản phẩm, hàng hóa.

Theo ông Bùi Bá Chính, Phụ trách Trung tâm MSMV Quốc gia ( đơn vị được Bộ KH&CN giao chủ trì Đề án của Chính phủ về triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc), thời gian qua, Trung tâm MSMV Quốc gia (NBC) đã và đang triển khai đồng loạt các hoạt động nhằm thúc đẩy Đề án này.

Và để thực hiện nhiệm vụ xây dựng, triển khai, ứng dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc thống nhất trong cả nước, đến nay Trung tâm đã gửi công văn của Bộ KH&CN gửi Sở KH&CN tại 63 tỉnh thành hướng dẫn triển khai thực hiện Đề án 100; phối hợp cùng các Chi cục TCĐLCL thúc đẩy hoạt động truy xuất nguồn sản phẩm của các DN ở địa phương;

Tính đến thết tháng 7/2019, đã hướng dẫn xây dựng kế hoạch triển khai Đề án 100 cho các tỉnh như: Bắc Giang, Hà Giang, Sơn La, Thái Nguyên, Bình Dương, Hậu Giang, Trà Vinh, Bình Phước, Đồng Tháp, Lâm Đồng…

Triển khai các hoạt động truy xuất nguồn gốc tại các tỉnh thành như phối hợp với Sở KH&CN tỉnh Thái Nguyên về việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm chè; triển khai dự án thí điểm áp dụng Hệ thống truy xuất nguồn gốc với Công ty TNHH Sữa Đà Lạt tại tỉnh Lâm Đồng đồng thời triển khai thí điểm truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chủ lực của huyện Lạc Dương như: a-ti-sô, nấm hương và cà chua thân gỗ.

Ông Bùi Bá Chính cho biết, với hệ thống truy xuất nguồn gốc doanh nghiệp có thể áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc đạt tiêu chuẩn, kết nối với cổng truy xuất nguồn gốc quốc gia. Từ đó, quản lý quy trình, chất lượng sản phẩm tốt hơn; lưu trữ, quản lý dữ liệu truy xuất nguồn gốc bài bản, thuận tiện; minh bạch thông tin sản phẩm, nâng tầm giá trị doanh nghiệp; nâng cao giá trị của sản phẩm từ đó tăng giá bán và doanh số bán hàng, nâng cao niềm tin của khách hàng với sản phẩm.

Phong Lâm

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/9-thang-dau-nam-2019-hoan-thanh-cap-ma-qr-cho-460-doanh-nghiep-d163798.html