9 tâm thái không tốt cần buông bỏ trong đời người

Cổ ngữ có câu duyên cảnh không có đẹp xấu, đẹp xấu là do tâm người. Vì vậy, một người có thể đều tiết được tâm thái của mình thì vô luận là thân ở cảnh ngộ nào cũng sẽ đều cảm thấy yên vui, hạnh phúc.

Nếu một người có thể buông bỏ được 9 loại tâm thái không tốt dưới đây thì sẽ có thể ung dung, thoải mái đối mặt với cuộc sống.

1. Nóng vội
Một cuốn sách vừa cầm vài phút đã vội bỏ dở, nói chuyện với người khác chưa quá chục câu đã nổi trận lôi đình, làm việc chưa quá mấy tháng đã than chưa được đề bạt, tăng lương… Nếu một người có những hành vi như vậy thì thực sự là người có tâm thái nóng vội, dễ xao động và không kiên nhẫn.

Phàm làm việc gì cũng cần phải bỏ thời gian, tâm sức mới có được thu hoạch tương xứng. Như người nông dân từ lúc gieo trồng đến lúc thu hoạch cần phải bỏ công chăm sóc vất vả cả năm trời. Nếu một người luôn nóng vội, không kiên nhẫn trả giá thì sẽ rất khó có được thành công.

2. Tự ti
Cổ ngữ nói, thế gian không có hai chiếc lá giống nhau. Bởi vậy, đừng vì điều kiện vật chất, dung mạo bên ngoài hay tài năng không bằng người khác mà sinh ra tâm thái tự ti. Rất nhiều khi, tâm linh, cá tính, tài năng của chính chúng ta lại là niềm ao ước của người khác. Nếu chúng ta là một cây táo, vậy hãy là một cây táo xanh tốt, đừng so sánh bản thân mình với cây đào, cây quýt mà sinh ra tự ti, điều gì cũng không dám làm.

3. Đố kỵ
Một người có tâm đố kỵ lớn, khi nhìn thấy người khác hạnh phúc, thành công thì liền thấy như mình mất mát điều gì đó. Khi thấy người khác bị thất bại, bất hạnh lại như thấy mình đạt được thứ gì đó. Thậm chí, một số người đố kỵ đến mức luôn tìm cách để gây trở ngại, làm tổn hại cho người khác.

“Vui với niềm vui của người khác, buồn với nỗi buồn của người khác”, xem được mất của người như được mất của mình, đó mới là điều mà cổ nhân khuyên nên làm. Tinh lực của con người là có giới hạn. Thay vì ghen tị với người khác hãy dùng chút tinh lực hữu hạn của mình cố gắng làm những điều bản thân mong muốn. Như vậy vừa mở ra một bầu trời mới cho bản thân, vừa sống được thản đãng, tự tại.

4. Ưu sầu
Ở Ấn Độ cổ có một câu nói rất hay rằng: “Nếu như khốn cảnh có thể gỡ thì hà cớ gì tâm phiền ý loạn? Nếu như khốn cảnh khó gỡ thì tâm phiền ý loạn hỏi có tác dụng gì?” Khi gặp khó khăn, ưu sầu không chỉ không giúp ích gì mà còn khiến tâm lý xấu thêm, gây trở ngại cho chúng ta trong việc tìm phương pháp giải quyết.

Khi gặp khốn cảnh, nên giữ tâm thái bình tĩnh, tin tưởng chính mình, đừng ngại tham khảo ý kiến của những người đi trước mà suy xét thì thông thường sự tình sẽ được giải quyết.

5. Quá cẩn thận
Cẩn thận trong lời nói và việc làm cố nhiên là điều tốt và cần thiết. Nhưng quá cẩn thận thì chưa hẳn là tốt mà rất nhiều khi còn là việc không nên. Khi tiếp xúc với người khác mà quá đề phòng thì sẽ khiến người khác không thoải mái. Khi làm việc mà luôn có tâm thái nơm nớp sợ phạm sai lầm, do dự rụt rè thì sẽ không làm nên việc gì.

Kỳ thực, trong quá trình trưởng thành của bất kỳ ai đều sẽ ít nhiều phạm phải sai lầm. Bởi vậy, đối với những việc nên làm thì hãy can đảm làm, những lời nên nói thì dũng cảm nói. Làm được như vậy thì trong tâm mới thản nhiên, hào khí.

6. Bi thương
Đời người khó tránh khỏi những bất hạnh. Nếu một người đắm chìm trong bất hạnh thì tâm linh sẽ vĩnh viễn bị giam cầm ở trong quá khứ. Cổ ngữ nói, những sự tình không như ý trong đời người có đến tám chín phần. Cây sẽ không vì một vết thương mà không sinh trưởng tiếp nữa. Khi cái cây ấy đã phát triển thành đại thụ rồi thì vết thương trong quá khứ kia chỉ còn là một dấu vết nhỏ mờ ảo mà thôi. Mỗi người cần phải học được cách tiếp nhận, bình thản đối diện với hết thảy thì mới có thể hướng về phía trước mà bước tiếp.

7. Nghi ngờ
Người có tâm nghi ngờ lúc nào cũng nghĩ rằng người khác đang bàn luận về mình cho dù sự thực không phải như vậy. Những người này khi gặp một sự tình không như ý thì trong tâm cũng liền nghi ngờ những người xung quanh đã gây ra cho mình. Người đa nghi không chỉ tự đánh mất niêm tin vào người khác mà còn tự đánh mất đi sự tín nhiệm của người khác đối với mình. Dần dần người đa nghi sẽ sống trong sự cô độc, lẻ loi và buồn tẻ.

Cổ ngữ nói, tâm vô tư thì trời đất rộng mở. Vì vậy, cần phải học được cách tin tưởng người khác, giúp đỡ người khác. Như vậy chúng ta sẽ thu nhận được sự quan tâm ấm áp của người khác và khi ấy sự nghi ngờ cũng dần dần mất đi.

8. Ngạo mạn
Người ta thường bởi vì thấy bản thân có một mặt nào đó nổi trội hơn người khác mà sinh ra tâm ngạo mạn. Ngay cả lời nói cử chỉ cũng đều mang theo ngạo khí, coi thường người khác. Điều này không chỉ gây cho người khác sự phản cảm mà còn kìm hãm sự phát triển của chính bản thân người ấy.

9. Tức giận
Cuộc sống giống như một chiếc cầu bập bênh, một đầu là sự nóng nảy, một đầu là phúc phận. Càng hay nóng nảy thì phúc khí càng giảm, càng từ tốn thì phúc phận càng nhiều. Tâm trầm tĩnh thì mới nhìn được rõ vấn đề, một khi thấu tỏ được vấn đề, sự tình phức tạp liền biến thành đơn giản.

Người thường xuyên phẫn nộ, tức giận nếu có thể thường xuyên nhìn vào ưu điểm của người khác, tìm được mặt tốt đẹp của những sự tình mình gặp phải thì tự nhiên sẽ sinh ra tâm cảm ơn, phẫn nộ tức giận cũng tự nhiên tiêu tan.

Theo Trithucvn.org

Nguồn Em Đẹp: https://emdep.vn/song-dep/9-tam-thai-khong-tot-can-buong-bo-trong-doi-nguoi-20210506150728747.htm