9 nhóm hàng Myanmar có nhu cầu nhập khẩu

Với Myanmar, Việt Nam được coi là đối tác thương mại lớn, đứng thứ 10 trong các nước đối tác về thương mại của Myanmar.

Trong những năm gần đây, quan hệ thương mại Việt Nam- Myanmar đã phát triển với mức tăng trưởng khá cao, đặc biệt là năm 2013, 2014 với tốc độ lần lượt là 54,7% và 36,7%. Tuy nhiên, từ năm 2015, thương mại giữa 2 nước đã có sự suy giảm đáng kể, giảm 58,3% so với năm 2014. Dù vậy, Myanmar vẫn được xem là thị trường có nhiều triển vọng cho XK của Việt Nam.

Theo đánh giá của ông Vũ Cường, Phó trưởng phòng Đông Bắc Á, Vụ Thị trường châu Á- Thái Bình Dương (Bộ Công Thương) cho biết, một trong những thuận lợi khi XK sang Myanmar là các sản phẩm Việt Nam được khách hàng Myanmar khá ưa chuộng do có chất lượng tốt và giá cả thấp (so với 2 đối thủ cạnh tranh hàng tiêu dùng chính là Trung Quốc và Thái Lan). Trong 9 tháng đầu năm 2016, Việt Nam có 13 nhóm sản phẩm XK sang Myanmar, trong đó kim ngạch lớn nhất là phương tiện vận tải và phụ tùng, tiếp đến là máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng, sản phẩm từ sắt thép…

Một thuận lợi khác là các hoạt động xúc tiến thương mại đã được Bộ Công Thương và địa phương tổ chức thường xuyên. Việt Nam là một trong những nước tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại sớm nhất tại Myanmar. “Với lợi thế đi đầu, tiếp cận DN và người tiêu dùng Myanmar sớm, việc duy trì và mở rộng các hoạt động xúc tiến thương mại tại thị trường này sẽ tiếp tục giúp DN và hàng hóa Việt Nam củng cố và mở rộng thị phần tại Myanmar cũng như giúp DN, sản phẩm mới của Việt Nam thâm nhập thị trường”, ông Cường khẳng định.

Tuy nhiên, khó khăn khi XK sang thị trường này cũng không hề ít. Cụ thể, khi XK sang thị trường Myanmar, hàng Việt chịu sự cạnh tranh quyết liệt từ các nước khác có sản phẩm tương đồng, đặc biệt là Thái Lan và Trung Quốc. Theo phân tích của ông Cường, với quy mô sản xuất lớn, đầu tư vào nghiên cứu thị trường và các hoạt động xúc tiến thương mại mạnh mẽ, những đối thủ trên có lợi thế lớn để chiếm lĩnh thị trường. Không chỉ vậy, hàng hóa Việt Nam còn gặp bất lợi về thời gian vận chuyển dài, chi phí vận chuyển cao. Hiện nay, trung bình thời gian vận chuyển hàng hóa bằng đường biển từ Việt Nam sang Myanmar mất khoảng 2 tuần. Cùng với chi phí vận chuyển cao, thủ tục hải quan và kiểm dịch của Myanmar còn chậm, hàng hóa Việt Nam nhất là các sản phẩm thực phẩm chế biến ăn liền có thời hạn sử dụng ngắn, gặp nhiều bất lợi, giảm sức cạnh tranh cho các đối thủ.

Đáng chú ý, DN Việt vẫn còn thiếu thông tin, chưa chủ động nghiên cứu và khảo sát kỹ lưỡng thị trường Myanmar. Bên cạnh đó, DN Việt Nam phần lớn năng lực tài chính còn hạn chế, chưa xây dựng chiến lược bài bản khi thâm nhập thị trường Myanmar. “Điều này rất bất lợi cho DN Việt Nam trong cạnh tranh với các DN có tiềm lực và làm ăn chuyên nghiệp của Thái Làn, Trung Quốc”, ông Cương khẳng định.

Tìm ra thị trường ngách, tập trung vào những mặt hàng có thế mạnh ở Myanmar là lời khuyên cho các DN khi muốn XK sang thị trường này. Theo Vụ Thị trường châu Á- Thái Bình Dương, có 9 nhóm hàng DN có thể đầu tư thúc đẩy trong thời gian tới, gồm: Xe máy, xe đạp; xe tải nhỏ; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng; sắt thép và sản phẩm sắt thép; sản phẩm hóa chất; bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc.; clanke và xi măng; nhựa và sản phẩm nhựa; hàng dệt may.

Theo ông Cường, dệt may hiện đứng thứ 2 trong nhóm/mặt hàng có kim ngạch XK cao của Myanmar. Xét về tổng thể, Myanmar là đối thủ cạnh tranh của Việt Nam trong XK dệt may sang các nước khác. Song một số mặt hàng trong nhóm hàng dệt may của Việt Nam vẫn XK được sang Myanmar gồm: Chăn, ga, vỏ ga, vỏ gối, khăn trải bàn cung cấp cho nhà hàng, khách sạn.

D.Anh

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/9-nhom-hang-myanmar-co-nhu-cau-nhap-khau.aspx