9 người chết do chạy thận: Lương sẽ được hưởng tính nhân văn của luật pháp

Ngày mai (13/5), TAND tỉnh Hòa Bình mở phiên phúc thẩm xét xử Hoàng Công Lương (cựu bác sĩ Bệnh viện đa khoa Hòa Bình) và các bị cáo khác trong vụ án làm 9 người chết do chạy thận nhân tạo ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình.

Trước đó, báo chí đưa tin: Ngày 10/5, Bộ Y tế đã gửi công văn tới Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hòa Bình cho rằng: Phạt Hoàng Công Lương về “Tội vô ý làm chết người” là chưa phù hợp, không đủ yếu tố cấu thành tội phạm; Trường hợp tòa phúc thẩm vẫn xác định tội danh này với Lương thì sẽ là "tiền lệ vô cùng nguy hiểm, rất xấu" và tạo ra tâm lý bất an cho các nhân viên y tế trong nước.

Đã có nhiều ý kiến cho rằng, công văn của Bộ Y tế là cảm tính, vội vàng và thiếu căn cứ khi nhận định hành vi của Lương “không đủ yếu tố cấu thành tội phạm”. Tội phạm là lĩnh vực thuộc về khoa học hình sự có tính chuyên môn rất cao, cũng như lĩnh vực y tế chữa bệnh cứu người…Bởi thế, nghĩa vụ chứng minh Lương có phạm tội hay không thuộc về cơ quan điều tra, truy tố và xét xử. Còn Bộ Y tế có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan CA, VKS, TA để làm rõ tội phạm. Câu hỏi đặt ra là, khi diễn ra phiên tòa sơ thẩm Bộ Y tế ở đâu, vì sao không có mặt tại phiên tòa? Xin được nhắc lại thiếu sót, sơ hở của Bộ Y tế là nghiêm trọng trong sự cố y khoa này. Cụ thể, cáo trạng của VKS đã nhận định: “Có dấu hiệu buông lỏng trong quản lý Nhà nước và kiểm soát chất lượng nước dùng để lọc máu chạy thận nhân tạo nhằm đảm bảo an toàn cho người bệnh. Đây được xác định là một trong những thiếu sót, sơ hở nghiêm trọng, là điều kiện góp phần dẫn đến sự cố y khoa đặc biệt nghiêm trọng ngày 20/5/2017 tại BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình. Quá trình điều tra xác định BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình, Sở Y tế Hòa Bình và Bộ Y tế chưa có các hoạt động kiểm tra, thanh tra thường xuyên, chuyên sâu về hoạt động lọc máu chu kỳ tại đơn nguyên lọc máu BV Đa khoa Hòa Bình”. Vì lẽ đó, nếu muốn “bảo vệ” cho Lương cũng cần…”chuyên nghiệp”!

Bị cáo Lương tại phiên tòa sơ thẩm. (Ảnh: ANTT)

Bị cáo Lương tại phiên tòa sơ thẩm. (Ảnh: ANTT)

Khách quan mà nhìn nhận, việc Bộ Y tế gửi công văn tới các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Hòa Bình “minh oan” - bày tỏ quan điểm bảo vệ Hoàng Công Lương là động thái tích cực, đưa ra thông điệp có tính chất nhân văn của Ngành Y tế. Nói vậy không có nghĩa “thượng tôn pháp luật” nói chung và pháp luật hình sự nói riêng là không có tính nhân văn, chỉ thiên về trừng trị…

Nói tới truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, không thể không nhắc đến những tư tưởng, quan điểm đạo đức mang giá trị nhân văn, thể hiện đạo lý về tình thương con người bao trùm trên các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội (đặc biệt trong lĩnh vực y tế).Tính nhân văn, hay nói cách khác là tư tưởng nhân đạo trong chính sách hình sự thể hiện đường lối xử lý đối với các tội phạm được xác định trên cơ sở coi trọng cả mục đích trừng trị và giáo dục, phòng ngừa tội phạm, trong đó mục đích giáo dục người phạm tội, đề cao tính “hướng thiện” luôn được đặt lên hàng đầu.

Tội phạm là hành vi nguy hiểm đáng kể cho xã hội so với các hành vi vi phạm pháp luật khác. Việc xác định và ghi nhận một hành vi nguy hiểm cho xã hội bị coi là tội phạm và đưa nó vào Bộ Luật hình sự là kết quả của sự đánh giá tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi và sự cần thiết phải xử lý hành vi đó trước pháp luật. Biểu hiện của tính nhân văn trong việc quy định một hành vi nguy hiểm cho xã hội bị coi là tội phạm không phải là sự áp đặt ý chí, mà về bản chất hành vi đó vốn dĩ đã hội đủ những yếu tố tiêu cực tồn tại một cách khách quan.

Có thể khẳng định, pháp luật hình sự thực sự là một sản phẩm của tính nhân văn, trong đó thông điệp được đưa ra là luôn luôn bảo vệ quyền con người, quyền công dân đến mức có thể. Chính vì vậy, hoạt động đấu tranh phòng chống tội phạm không tách rời phương châm: Không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội, đồng thời đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mọi cá nhân, tổ chức không bị xâm phạm.

9 bệnh nhân tử vong khi chạy thận nhân tạo tại BV đa khoa tỉnh Hòa Bình là sự cố y khoa đặc biệt nghiêm trọng – bài học đau sót của Ngành Y tế . Vào thời điểm xảy ra sự cố, Lương còn là bác sỹ trẻ nung nấu khao khát chữa bệnh cứu người. Luật pháp của chúng ta có nền tảng nhân văn…và tin rằng Lương sẽ cảm nhận sâu sắc được điều đó!

Đỗ Lê Tảo

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/phap-luat/9-nguoi-chet-do-chay-than-luong-se-duoc-huong-tinh-nhan-van-cua-luat-phap/20190512101548254