9 lần tiễn chồng đi biển

Không phải đổ máu hoặc chiến tranh mới có những hi sinh mất mát, mà ngay cả thời bình lặng im tiếng súng, những người lính nhà giàn DK1 vẫn 'gồng mình' với những khó khăn gian khổ ngoài những 'Pháo đài thép'- nơi được coi là thừa nắng, thừa gió, hiếm nước ngọt, hiếm rau xanh, nỗi nhớ đất liền luôn canh cánh trong lòng và sẵn sàng hi sinh bất cứ lúc nào vì sự bình yên của Tổ quốc.

Thiếu tá Trương Tiến Long chia tay vợ con trước lúc bước chân xuống tàu đi biển

Ngày 5-1-2019, trên hai con tàu Trường Sa 19 và Trường Sa 08 hải trình đem quà xuân đến nhà giàn DK1 có 22 cán sĩ quan, chiến sĩ đi thay trực cho đồng đội khác về đất liền đón tết. Trong đó có thiếu tá Trương Tiến Long, chính trị viên nhà giàn DK1/8- người lính có thâm niên gần 20 tuổi quân, cưới vợ được 10 năm thì 9 năm đón tết ngoài nhà giàn DK1.

Trên cầu cảng trước khi tàu rời bến, Long luôn đứng cạnh vợ con của mình. Anh bế con gái gần 11 tháng tuổi suốt thời gian chờ tàu xuất phát. Dẫu ít phút sau anh phải đi, nhưng vẫn mong cuộc chia xa kéo dài hơn nữa. Để được ôm con gái bé bỏng trong lòng. Để cảm nhận được niềm hạnh phúc và kiêu hãnh trước lúc lên đường làm nhiệm vụ. Long nói với chúng tôi trước ống kính của phóng viên báo đài: “Là người lính thì đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì khi Tổ quốc cần. DK1 với tôi là nhà. Ngoài đó đồng đội đang chờ tôi. Hẹn gặp lại đất liền bằng giờ năm sau nhé”.

Không giống như những vợ lính tiễn chồng đi nhà giàn DK1 sụt sùi rớm lệ, Chị vẫn vui cười bồng con nhỏ 11 tháng tuổi giữa nắng gió nói với mọi người. “Em tiễn chồng đi biển lần này là lần thứ 9. Cũng quen cảnh xa chồng rồi”. Người phụ nữ ấy là Nguyễn Thị Nhung- vợ của thiếu tá Nguyễn Tiến Long.

Chị Nhung kể, 10 năm trước, chị và anh làm đám cưới. Đó là gần Tết Nguyên đán năm 2009. Do mới cưới nên đơn vị DK1 “ưu tiên” cho Long ở nhà để “tuyển quân”. Sau tuần trăng mật, Long đi nhà giàn, và từ đó đến nay chưa lần nào đón tết ở đất liền cùng vợ con.

Chừng này năm ngoái, chị Nhung tiễn chồng đi DK1 ở cầu cảng đơn vị K2, Dẫu vẫn hiểu cuộc chia xa nào cũng ngậm ngùi thương nhớ, song chị cố nén cảm xúc trong lòng. Người vợ trẻ nói với chúng tôi: “Em không muốn khóc. Cưới nhau 10 năm, 9 năm em tiễn chồng đi biển, 9 năm em đón tết một mình. Con gái em học lớp ba, đứa nhỏ mới 11 tháng tuổi. Tâm lý chung tất cả các chị em phụ nữ lấy chồng bộ đội, nhất là lấy chồng bộ đội DK1, mỗi lần tiễn chồng đi biển, em cũng buồn và bồi hồi, xúc động, vì 10 năm lấy nhau mà chưa có một lần đón Tết trọn vẹn. Cả hai lần em sinh con một mình. Dù còn nhiều khó khăn vất vả, nhưng các anh cứ yên tâm công tác, em sẽ là hậu phương vững chắc để các anh an tâm làm nhiệm vụ cấp trên giao”.

Một tiếng, 30 phút, rồi 10 phút trôi mau, tàu Trường Sa 08 hú còi thông báo chuẩn bị nhổ neo. Long nhìn sâu vào mắt vợ, bảo: “đưa con anh bế lần nữa để anh đi”. Rồi anh áp má vào má con gái bé bỏng để cảm nhận được tình cha con. Chị Nhung lặng người ôm cổ chồng không nói nên lời. Giây phút chia xa không thể kéo dài thêm nữa. Thiếu tá Long bước chân xuống tàu, chị Nhung nâng cánh tay con vẫy ra hiệu “tạm biệt bố, hẹn ngày gặp lại”. Nhiều vợ lính DK có mặt tiễn tàu không kìm được xúc động.

Bài & ảnh: Lê Khanh

Nguồn TNMT: http://baotainguyenmoitruong.vn/xa-hoi/9-lan-tien-chong-di-bien-1264979.html