9 dự án vào chung kết cuộc thi Dự án khởi nghiệp nông nghiệp

Hội đồng giám khảo cuộc thi Dự án khởi nghiệp – Nông nghiệp phát triển bền vững lần 7-2021 đã chọn ra 9 dự án xuất sắc nhất thuộc bảng A vào vòng chung kết.

 Lê Thị Phương Thảo (TP.HCM) trình bày về dự án “Thịt thay thế - meat substitute”. Ảnh: BTC.

Lê Thị Phương Thảo (TP.HCM) trình bày về dự án “Thịt thay thế - meat substitute”. Ảnh: BTC.

Sau hai ngày diễn ra phần trình bày của 28 dự án thuộc bảng A ở vòng bán kết, ngày 23/11, Hội đồng giám khảo cuộc thi Dự án khởi nghiệp – Nông nghiệp phát triển bền vững lần 7 – 2021 đã tổng hợp, phân tích, đánh giá tổng thể để lựa chọn những dự án xuất sắc nhất. Kết quả, có 9 dự án đến từ 6 tỉnh thành đi tiếp vào chung kết.

Ở bảng thi này, TP.HCM có hai dự án được đi tiếp là “Lan tỏa giá trị chăm sóc sức khỏe tự nhiên từ cây quế rừng” và “Thịt thay thế - meat substitute". Tương tự, hai dự án “Sợi lá dứa ECOSOI – Nguyên liệu bền vững - Thời trang cao cấp” và “ABACA - máy ngành sợi chuối” của Nghệ An cũng vượt qua vòng bán kết.

Khánh Hòa cũng góp mặt ở Vòng chung kết 2 dự án là “Mật chuối Tabai - Nâng cao giá trị trái Chuối Việt và hỗ trợ đồng bào dân tộc Raglai mưu sinh” và “The Moshav Farm - Chắp cánh ước mơ nông nghiệp Việt”. Ba dự án còn lại, cạnh tranh ngôi vô địch ở bảng A đến từ Bến Tre, Thanh Hóa và Quảng Ngãi.

Theo đánh giá của Hội đồng giám khảo, các dự án tham gia tại bảng A đều có những điểm khá thú vị, đều có tiềm năng lớn. Một số dự án đã thương mại hóa trên thị trường, mang lại doanh thu hàng trăm, thậm chí hàng tỷ đồng mỗi tháng.

Ban giám khảo cuộc thi Dự án khởi nghiệp – Nông nghiệp phát triển bền vững lần 7 – 2021. Ảnh: BTC.

Theo ông Ngô Đình Dũng, Giám đốc điều hành Công ty Giải pháp quản trị tổng thể ISM, thành viên giám khảo lần thi này, do việc tổ chức thi online nên cũng có một số vấn đề hạn chế. Các thí sinh có thể gặp trục trặc về mặt kỹ thuật. Các bạn dự thi quá tập trung vào việc trình bày, ít đưa ra được những hình ảnh minh họa về hoạt động của dự án.

Đánh giá về chất lượng, ông Dũng cho rằng, một số dự án có tiềm năng tốt. Tuy nhiên, phần lớn các dự án vẫn còn ở giai đoạn đầu, tập trung chủ yếu vào việc phát triển sản phẩm. Việc thương mại hóa để cho sản phẩm đi xa chưa được đầu tư nhiều. Phần trình bày cần nhiều hơn những thông tin về thương mại hóa sản phẩm, thị trường, phân khúc khách hàng hay cả về doanh thu… để thuyết phục được các giám khảo.

“Thực sự thì các dự án ở vòng bán kết tại bảng A năm nay rất thú vị, có nhiều ý tưởng tốt, có khả năng thực thi. Mới bắt đầu khởi nghiệp, nên các chủ dự án sẽ có nhiều cơ hội phát triển trên thị trường và thành công nhờ vào sự hỗ trợ của các doanh nghiệp đối tác, các nhà khoa học và kết hợp với đội ngũ các chuyên gia của Trung tâm BSA.

Lần đầu ngồi ở vị trí giám khảo cuộc thi, tôi cảm thấy rất vui khi được tiếp xúc với các bạn dự thi và hi vọng có thể đồng hành, hỗ trợ dự án của các bạn trong thời gian tới”, giám khảo Nguyễn Thị Mai Hương, Trưởng bộ môn Công nghệ thực phẩm, Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM, đồng sáng lập Saigon Sourdough chia sẻ.

Dự án COBOTÉ - Ứng dụng giá trị dừa vào sản phẩm chăm sóc cá nhân (Bến Tre) lọt vào vòng chung kết. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Vòng bán kết cuộc thi Dự án khởi nghiệp - Nông nghiệp phát triển bền vững lần 7 – 2021 diễn ra từ ngày 22-25/11 với 28 dự án ở bảng A thuộc 19 tỉnh, thành phố và 37 dự án ở bảng B bằng hình thức trực tiếp và online.

Cuộc thi Dự án khởi nghiệp do Trung tâm BSA và Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao cùng Công ty Cổ phần Vinamit tổ chức nhằm cổ vũ, khuyến khích và xây dựng tinh thần khởi nghiệp, lập nghiệp, tham gia phát triển kinh tế của thanh niên nông thôn; tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ thanh niên Việt Nam trong quá trình khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, phát triển tài nguyên bản địa, hình thành các sản phẩm đặc trưng, tham gia hiệu quả chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”.

Nguyễn Thủy

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/9-du-an-vao-chung-ket-cuoc-thi-du-an-khoi-nghiep-nong-nghiep-d308648.html