9 điều ông Trump 'không thể không làm' trước cuộc gặp ông Kim Jong-un

Chuyên gia Jeffrey Bader từ trung tâm nghiên cứu Trung Quốc John L. Thornton từ viện Brookings cho rằng để tránh rơi vào sai lầm như các đời Tổng thống Mỹ trước, Tổng thống Trump sẽ cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng gấp nhiều lần và cần làm 9 điều sau.

Cuộc gặp Thượng đỉnh giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un thu hút sự quan tâm đặc biệt

Trước Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ -Triều Tiên dự kiến diễn ra vào tháng 5 tới đây, giới phân tích gợi ý rằng, Tổng thống Donald Trump cần phải có sự chuẩn bị chắc chắn nhất để thu về kết quả tốt đẹp nhất từ cuộc gặp lịch sử, đồng thời tránh rơi vào "cái bẫy ngoại giao" có thể xảy ra.

Chuyên gia Jeffrey Bader từ trung tâm nghiên cứu Trung Quốc John L. Thornton từ viện Brookings đã đưa ra 9 điều nhà lãnh đạo Mỹ cần phải làm trước khi hội nghị bắt đầu.

Thứ nhất, mặc dù Tổng thống Trump từng cho rằng các đời Tổng thống Mỹ trước đều thất bại trong vấn đề ngoại giao với Triều Tiên, nhưng chính thất bại này có thể giúp ông tích lũy được kinh nghiệm để bước vào cuộc đàm phán của riêng mình.

Do đó, ông nên gặp các cựu quan chức có kinh nghiệm trong đàm phán trực tiếp với Triều Tiên, bao gồm Robert Gallucci, Christopher Hill, Glyn Davies, Danny Russel và Wendy Sherman.

Thứ hai, tương tự như vậy, chuyên gia Jeffrey Bader gợi ý, ông Trump nên gặp các quan chức cao cấp nhất trong các chính quyền trước cũng như các chính khách đối ngoại kỳ cựu vốn có kinh nghiệm về các vấn đề tương tự trong quá khứ, cụ thể như cựu Ngoại trưởng Henry Kissinger, cựu cố vấn an ninh quốc gia Brent Scowcroft.

Các cuộc gặp như vậy nên là những dịp để các nhà chính trị đóng góp những lời khuyên chính xác cho Tổng thống.

Thứ ba, Tổng thống Trump cần phải hiểu thực tế về năng lực hạt nhân và mục đích của Triều Tiên, do đó ông có thể nhận sự tham vấn thêm từ các nhà khoa học nắm rõ về điều này.

Ông nên gặp cựu Trưởng phòng thí nghiệm Los Alamos, Siegfried Hecker, người từng đến thăm các cơ sở hạt nhân của Triều Tiên nhiều hơn bất cứ ai và Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế.

Thứ tư, Mỹ sẽ không thể có một cuộc họp có hiệu quả, trừ khi được tiến hành bởi một quan chức Chính phủ có thẩm quyền và đáng tin cậy.

Giờ đây, tìm được một người đảm đương nổi nhiệm vụ này là điều khó khăn với Washington. Đặc phái viên đặc biệt phụ trách Triều Tiên (Joe Yun) đã từ chức, Ngoại trưởng Rex Tillerson bị sa thải và cố vấn an ninh quốc gia HR McMaster lại đang có tương lai không chắc chắn.

Tổng thống Trump không thể xuất hiện tại cuộc họp với nhà lãnh đạo Kim Jong-un mà không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Rất có thể vào tháng 5 tới đây, trong số những người đi cùng ông Trump sẽ có Chánh văn phòng Nhà Trắng John F. Kelly hoặc một số cố vấn được triệu tập tạm thời.

Tổng thống Trump sẽ cần lời khuyên từ những nhân vật kỳ cựu như Henry Kissinger.

Thứ năm, địa điểm cuộc họp phải được lựa chọn cẩn thận. Tổng thống Trump không nên đến thăm Triều Tiên; đi đến Bàn Môn Điếm trong vùng phi quân sự giữa Triều Tiên và Hàn Quốc, cũng được cho là không hợp lý, vì điều này sẽ làm giảm vị thế của nhà lãnh đạo Mỹ, trong khi vị thế của ông Kim được gia tăng.

Việc mời nhà lãnh đạo Triều Tiên đến Washington cũng bị loại trừ, khi người đứng đầu Bình Nhưỡng dường như sẽ không chấp nhận có một chuyến đi xa nhiều rủi ro.

Bắc Kinh và Moscow cũng được cho là các địa điểm không khả thi. Trong đó Bắc Kinh nếu trở thành địa điểm họp sẽ gây khó chịu cho Nhật Bản.

Điều này khiến cho một số cái tên như Singapore, Mông Cổ (có quan hệ tốt đẹp với Triều Tiên), Geneva và một số nơi khác trở thành địa điểm tiềm năng hơn.

Thứ sáu, phía Triều Tiên sẽ cảm thấy vui vẻ với một cuộc họp mà lãnh đạo hai nước bắt tay mỉm cười trước ống kính truyền thông và cam kết một thời đại hòa bình mở ra. Thực tế đây được coi là viễn cảnh giống tới 90% những gì Bình Nhưỡng mong muốn, theo chuyên gia Jeffrey Bader.

Do đó, ông Trump không nên vội vã cho rằng cuộc gặp sẽ dẫn đến đàm phán một thỏa thuận hạt nhân, vốn sẽ có nhiều vấn đề phức tạp phức tạp và kéo dài.

Cuộc họp nên là một dấu hiệu cho cộng đồng quốc tế nhận thấy rằng, hai bên không không muốn xung đột và không có ý định đối đầu lẫn nhau, cả với đồng minh của Mỹ.

Kết quả của cuộc họp hướng tới nên là một tuyên bố ngắn về ý định hòa bình, đồng thời thông báo rằng mỗi bên đã chỉ định một quan chức cấp cao bắt đầu tiến trình đàm phán về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên; bình thường hóa quan hệ giữa Washington và Bình Nhưỡng, cùng với các thỏa thuận dài hạn cho mục tiêu hòa bình ở Đông Bắc Á.

Thứ bảy, Tổng thống Trump cần có sự tư vấn chi tiết từ các đồng minh và đối tác trước cuộc họp. Ngoài Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ đến thăm Mỹ vào tháng 4, rõ ràng nhà lãnh đạo Mỹ nên có cuộc hội đàm rộng rãi với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Cùng với đó, ông cũng cần có các cuộc hội đàm thường xuyên với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Thứ tám, chính quyền của Trump nên xem xét kỹ việc thương thảo lại Hiệp định Thương mại Tự do Mỹ-Hàn Quốc. Hiện tại không phải là thời điểm làm mích lòng đồng minh. Các tranh chấp thương mại có thể và nên được đàm phán một cách nhẹ nhàng hơn.

Thứ chín, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều nên tập trung chủ yếu vào việc định hướng con đường tiến tới phi hạt nhân hóa Triều Tiên và không nên chuyển hướng sang các vấn đề phụ.

Quốc Vinh

Nguồn Người Đưa Tin: http://nguoiduatin.vn/9-dieu-ong-trump-khong-the-khong-lam-truoc-cuoc-gap-kim-jong-un-a362994.html