9 điểm mới trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại Hà Nội

Ngày 22/5, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã tổ chức Hội nghị hướng dẫn công tác tuyển sinh vào các trường mầm non, lớp 1, lớp 6, lớp 10 năm học 2020 - 2021 và hướng dẫn xét tốt nghiệp Trung học cơ sở năm học 2019-2020.

Theo đó, đối với việc tuyển sinh vào các trường mầm non, lớp 1 và lớp 6 trên địa bàn thành phố, về cơ bản, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội chủ trương giữ ổn định phương thức tuyển sinh như năm học 2019 - 2020.

Thời gian các cơ sở giáo dục tổ chức xét công nhận tốt nghiệp Trung học cơ sở là từ ngày 6 đến ngày 10/7. Các Phòng Giáo dục và Đào tạo hoàn thành việc duyệt danh sách công nhận tốt nghiệp Trung học cơ sở của các cơ sở giáo dục để các cơ sở giáo dục phải cấp xong Giấy chứng nhận tốt nghiệp Trung học cơ sở tạm thời cho người học được công nhận tốt nghiệp Trung học cơ sở trước ngày 15/7, phục vụ công tác tuyển sinh.

Toàn cảnh Hội nghị.

Toàn cảnh Hội nghị.

Đối với việc tuyển sinh vào lớp 10, bà Nguyễn Thu Hà (Phó Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội) cho biết, so với năm học 2019 - 2020, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2020 - 2021 có một số điểm mới quan trọng.

Thứ nhất, giảm số môn thi và cách tính điểm xét tuyển đối với kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 Trung học phổ thông công lập không chuyên: Nếu như ở kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 Trung học phổ thông năm học 2019 - 2020, học sinh đăng ký dự thi để xét tuyển vào lớp 10 Trung học phổ thông công lập không chuyên phải tham gia thi 4 môn thì năm nay, học sinh chỉ phải thi 3 môn (Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ). Điểm xét tuyển được tính dựa trên kết quả 3 bài thi, trong đó Ngữ văn và Toán tính hệ số 2, Ngoại ngữ tính hệ số 1.

Thứ hai, thay đổi hình thức thi môn Ngoại Ngữ: Kỳ thi tuyển sinh năm học 2019 - 2020, môn Ngoại ngữ bao gồm 2 phần tự luận và trắc nghiệm khách quan tách rời nhau. Vì vậy tuy là thi 4 môn nhưng thực chất học sinh phải làm 5 bài thi. Năm nay, môn Ngoại ngữ sẽ được bỏ phần thi tự luận, chỉ thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan và được chấm bằng phần mềm máy tính.

Thứ ba, điều chỉnh thứ tự các môn thi: Từ năm học 2019 - 2020 trở về trước, ngày thi đầu tiên bao giờ cũng là 2 môn Ngữ văn và Toán. Năm nay, để giảm áp lực cho học sinh tham gia dự thi, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã thay đổi thứ tự môn thi.

Theo đó, ngày 17/7, buổi sáng thí sinh dự thi môn Ngữ văn, buổi chiều dự thi môn Ngoại ngữ. Ngày 18/7, buổi sáng thí sinh dự thi môn Toán. Các môn khác trong kỳ thi tuyển sinh chuyên, tuyển sinh song bằng tú tài, tuyển sinh hệ Tiếng Pháp song ngữ vẫn giữ nguyên thứ tự môn thi như trước đây.

Thứ tư, bổ sung môn Tiếng Hàn trong việc lựa chọn môn thi Ngoại ngữ của học sinh và triển khai chương trình dạy tiếng Hàn (ngoại ngữ 2) tại một số trường Trung học phổ thông.

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 Trung học phổ thông của Hà Nội năm nay có một số điểm mới. (Ảnh minh họa: P.T)

Thứ năm, rút ngắn thời gian nộp hồ sơ nhập học đối với các trường Trung học phổ thông công lập. Theo đó thời gian nhận hồ sơ nhập học đối với các trường Trung học phổ thông công lập là 4 ngày (từ ngày 12 đến hết ngày 15/8) thay vì 15 ngày như năm học 2019 - 2020.

Các trường Trung học phổ thông công lập tự chủ tài chính, Trung học phổ thông ngoài công lập, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp vẫn giữ nguyên thời gian nhận hồ sơ nhập học là 15 ngày (từ ngày 1 đến 15/8). Thời gian xác nhận nhập học vẫn là 3 ngày (từ ngày 3 đến 5/8). Trong thời gian xác nhận nhập học, nếu học sinh có nhu cầu có thể nộp hồ sơ nhập học. Các trường bố trí người để tiếp nhận hồ sơ của học sinh

Thứ sáu, tăng cường số trường có thể dạy ngoại ngữ 2 các môn Tiếng Nhật, Tiếng Đức, Tiếng Hàn. Cụ thể, nhằm đáp ứng nhu cầu của học sinh và xu hướng phát triển của xã hội, năm học 2020 - 2021, có 2 trường Trung học phổ thông công lập dạy Tiếng Đức (ngoại ngữ 2 - hệ 3 năm) là Việt Đức và Chu Văn An; 2 trường Trung học phổ thông công lập tổ chức dạy Tiếng Hàn (ngoại ngữ 2) là Việt Đức và Nguyễn Gia Thiều;

8 trường Trung học phổ thông công lập tổ chức dạy chương trình Tiếng Nhật (ngoại ngữ 2) là: Phan Đình Phùng, Đống Đa, Trần Phú, Việt Đức, Thăng Long, Đoàn Kết - Hai Bà Trưng, Nguyễn Gia Thiều, Phan Huy Chú - Đống Đa. Ngoài ra, có một số trường Trung học phổ thông ngoài công lập cũng tổ chức triển khai dạy chương trình Tiếng Nhật (ngoại ngữ 2) như: Nguyễn Bỉnh Khiêm - Cầu Giấy, Hoàng Long...

Thứ bảy, bổ sung đối tượng ưu tiên cho nhóm đối tượng 1 (nhóm được cộng điểm ưu tiên là 1,5 điểm) bao gồm: Con của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, con của người hoạt động cách mạng trướng ngày 1/1/1945, con của người hoạt động cách mạnh từ ngày 1/1/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng 8/1945.

Thứ tám, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tích hợp hướng dẫn tuyển sinh vào lớp 10 Trung học phổ thông không chuyên, Trung học phổ thông chuyên, hệ song bằng tú tài cho đối tượng là học sinh được học theo mô hình trường học mới. Theo đó, các học sinh này sẽ được chuyển đổi sang xếp loại học sinh theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về quy chế đánh giá, xếp loại học sinh Trung học cơ sở và học sinh Trung học phổ thông.

Thứ chín, phối hợp thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19 khi triển khai tổ chức kỳ thi tại các điểm coi thi, điểm chấm thi, làm phách và công tác tuyển sinh tại các trường Trung học phổ thông.

P.T

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/9-diem-moi-trong-ky-thi-tuyen-sinh-vao-lop-10-tai-ha-noi-108563.html