9 câu nói lưu danh muôn đời của đế vương, danh thần nước Việt

Lịch sử dân tộc từng xuất hiện những đế vương, danh thần kiệt xuất. Ngoài trị nước, an dân, họ còn có những câu nói thể hiện tinh thần tự cường dân tộc, được lưu danh muôn đời.

Trưng Trắc và Trưng Nhị là hai chị em nổi tiếng trong sử Việt. Hai Bà Trưng có công đánh đuổi quân Hán đô hộ, giành lại độc lập cho dân tộc từ năm 40-43. Theo sách Thiên Nam ngũ lục, trước khi dựng cờ khởi nghĩa ở Mê Linh, tấn công về Luy Lâu, Hai Bà Trưng đã ra lời thề ở Hát Môn: Một xin rửa sạch nước thù / Hai xin dựng lại nghiệp xưa họ Hùng / Ba kẻo oan ức lòng chồng / Bốn xin vỏn vẹn sở công lênh này.

Năm 938, nghe tin vua Nam Hán là Lưu Nghiễm sai hoàng tử Lưu Hoằng Tháo mang quân sang xâm lược nước ta, Ngô Quyền họp tướng lĩnh và nhận định: “Hoằng Tháo là đứa trẻ khờ dại, đem quân từ xa đến, quân lính còn mỏi mệt, lại nghe Công Tiễn đã chết, không có người làm nội ứng, đã mất vía trước rồi. Quân ta lấy sức khỏe địch với quân mỏi mệt, tất phá được". Trong trận quyết chiến ở sông Bạch Đằng năm 938, đạo quân xâm lược bị đánh bại hoàn toàn chỉ sau một trận, Hoằng Thảo bỏ mạng.

Sau khi cuộc kháng chiến chống xâm lược Mông - Nguyên lần thứ ba (1287-1288) thắng lợi, vua Trần Nhân Tông cùng quần thần hành lễ bái yết tại Chiêu Lăng của vua Trần Thái Tông. Nhìn con ngựa đá trước lăng lấm bùn, vua làm bài thơ: Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã/ Sơn hà thiên cổ điện kim âu (Xã tắc hai phen chồn ngựa đá/Non sông nghìn thuở vững âu vàng). Hai câu thơ của vua Trần Nhân Tông không đơn thuần khẳng định sức mạnh nội lực của dân tộc hay niềm vui chiến thắng, mà còn thể hiện sự suy nghiệm sâu sắc cùng cái nhìn quán thông kim cổ, giúp nhận ra sự trường cửu của đất nước.

Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn không chỉ ghi dấu công lao với chiến công đánh bại đội quân xâm lược Mông - Nguyên hùng mạnh, ông còn là tấm gương chiếu sáng trên nhiều lĩnh vực khác cho hậu thế học tập, trong đó, có những câu nói bất hủ. Bàn về nghệ thuật quân sự, ông nói với vua Trần Anh Tông rằng: "Dùng đoản binh thắng trường trận là sự thường của binh pháp… Vả lại, khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước vậy”.

Sau khi đánh bại nhà Hồ, xâm lược nước ta năm 1406, quân Minh không ngừng tăng cường áp bức, bóc lột nhân dân ta. Trước cảnh đất nước suy vong, nhân dân bị áp bức, anh hùng hào kiệt bốn phương nổi dậy chống giặc khắp nơi. Trong đó, tiêu biểu nhất là khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi (Lê Thái Tổ) lãnh đạo (1416-1427). Theo Đại Việt sử ký toàn thư, bàn về lý do khởi nghĩa, Lê Thái Tổ khẳng định: "Ta cất quân đánh giặc không phải có lòng ham muốn phú quý, mà muốn để nghìn năm sau, người đời biết ta không chịu làm tôi tớ cho bọn giặc tàn ngược".

Sau mười năm “nếm mật nằm gai, há phải một hai sớm tối”, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo giành thắng lợi. Đội quân xâm lược nhà Minh bị đuổi về nước. Tổng kết cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, Nguyễn Trãi đã viết trong Bình Ngô Đại Cáo rằng: Đem đại nghĩa để thắng hung tàn / Lấy chí nhân để thay cường bạo. Câu nói không chỉ ứng vào cuộc khởi nghĩa do Lê Lợi - Nguyễn Trãi lãnh đạo, mà đó còn là đạo lý dựng nước và giữ nước của cha ông ta trong hàng nghìn năm lịch sử.

Lê Thánh Tông được hậu thế đánh giá là vị vua vĩ đại nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Đại Việt dưới thời trị vì của ông (1460-1497) trở thành quốc gia thịnh trị, đạt đến đỉnh cao của chế độ phong kiến. Để có thể giúp đất nước tự cường, phát triển, bàn về đạo dựng nước và giữ nước, nhà vua nói với quần thần: "Không được để mất một thước núi, một tấc sông. Một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào lại nên vứt bỏ?”.

Trên chiến trường, vua Quang Trung chỉ có tiến không lùi bước, như lời hịch gửi nhân dân hai tỉnh Quảng Ngãi, Quy Nhơn: “Nơi nào ta mang quân tới, nơi đó quân thù bị đánh tan tành”. Trước khi mang quân tiêu diệt 29 vạn quân Thanh ở Thăng Long vào Tết Kỷ Dậu 1789, nhà vua cũng khẳng định: Đánh cho để dài tóc / Đánh cho để đen răng / Đánh cho nó chích luân bất phản / Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn / Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ.

Minh Mạng là ông vua nổi tiếng của triều Nguyễn. Đại Nam dưới thời trị vì của ông là quốc gia hùng mạnh bậc nhất khu vực, được ngoại bang nể sợ. Trong quan hệ đối nội, vua có công lớn trong việc mở mang lãnh thổ, diệt trừ tham nhũng, xác định địa giới quốc gia, phân chia lại địa giới hành chính. Để xây dựng đất nước hùng cường, vua rất tin dùng người tài, ghét kẻ xu nịnh, như chính vua từng khẳng định: "Đạo trị nước phải gây dựng nhân tài".

Theo Phượng Nguyễn - Thanh Điệp (Zing)

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/dong-tay-kim-co/9-cau-noi-luu-danh-muon-doi-cua-de-vuong-danh-than-nuoc-viet-923424.html