Phát thanh sẽ tiếp tục đóng vai trò trung tâm trong tương lai

Bà Olya Booyar, Trưởng ban Phát thanh của Hiệp hội PT-TH châu Á - Thái Bình Dương: Phát thanh là một phương tiện mang tính cá nhân và điều này đặc biệt quan trọng trong những lúc xảy ra khủng hoảng, khi mọi người cảm thấy đơn độc, sợ hãi

Phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) phỏng vấn bà Olya Booyar, Trưởng ban Phát thanh của Hiệp hội PT-TH châu Á - Thái Bình Dương (ABU), nhân dịp kỷ niệm 10 năm Ngày Phát thanh thế giới được UNESCO khởi xướng (13/02/2011 - 13/02/2021). Trong cuộc phỏng vấn, bà Olya Booyar đã bày tỏ một số dự đoán về xu hướng của phát thanh trong tương lai.

Bà Olya Booyar là một chuyên gia ngành phát thanh, có nhiều năm công tác trong lĩnh vực truyền thông và đã trải qua nhiều vị trí cố vấn cao cấp tại các Hãng PT-TH lớn.

Bà Olya Booyar là một chuyên gia ngành phát thanh, có nhiều năm công tác trong lĩnh vực truyền thông và đã trải qua nhiều vị trí cố vấn cao cấp tại các Hãng PT-TH lớn.

PV: Chủ đề Ngày Phát thanh thế giới năm 2021 là "Phát thanh mới - Thế giới mới: Phát triển, Đổi mới và Kết nối". Bà có thể chia sẻ thêm về ý nghĩa của chủ đề này?

Bà Olya Booyar: Ngày Phát thanh Thế giới năm 2021 không chỉ là dịp để chúng ta ghi nhớ về những khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra mà còn là bằng chứng cho thấy những vất vả, mất mát đó không phải là vô ích, vì từ đó mà chúng ta đã có cơ hội học hỏi và phát triển mạnh mẽ hơn, thông minh hơn.

Năm 2020 chúng ta đã chứng kiến nhiều thay đổi của nhân loại do đại dịch Covid-19 toàn cầu, từ cuộc sống cá nhân đến toàn xã hội. Nhiều điều bình thường trước đây nay đã bị xóa bỏ, trong khi một số việc khác lại phát triển theo hướng chúng ta không thể lường trước được. Thật kỳ diệu, đài phát thanh dường như đang có một cuộc sống mới. Phát thanh là một công cụ thông tin, giải trí hữu ích cho công chúng trong bối cảnh giãn cách xã hội và đang trở thành một phần trong cuộc sống gia đình, bạn bè và cộng đồng.

Trên toàn cầu mọi người đều đang bật radio. Những người lớn tuổi quay trở lại phương tiện quen thuộc gắn liền với cuộc sống của họ. Những người trẻ tuổi lần đầu tiên khám phá ra tính kết nối mà phát thanh có thể mang lại, dù là phát trực tiếp, phát trực tuyến hay podcast.

Đối với những người làm việc trong ngành phát thanh, các phương thức sản xuất mới được phát triển, họ đã tìm thấy các điểm mạnh mới và tìm cách loại bỏ các điểm yếu trước đây. Những người làm phát thanh ở các tổ chức PT-TH nhỏ đến các đài PT-TH quốc gia lớn như VOV đều tìm thấy khán giả mới, cách làm việc mới, niềm vui mới trong công việc.

Chủ đề Ngày phát thanh thế giới 2021 là: "Phát thanh mới - Thế giới mới: Phát triển, Đổi mới và Kết nối"

PV: Năm 2021, chúng ta kỷ niệm 10 năm UNESCO khởi xướng Ngày Phát thanh Thế giới. Là hiệp hội nghề nghiệp lớn trong khu vực và trên thế giới, ABU đã đưa ra những sáng kiến gì để kêu gọi các thành viên hưởng ứng Ngày Phát thanh Thế giới 2021?

Bà Olya Booyar: Là tổ chức có nhiều thành viên ở khắp các khu vực trên thế giới, ABU tôn trọng sự đa dạng. Vì vậy, tôi tin rằng, hằng ngày các thành viên ABU đang sản xuất những chương trình phát thanh tuyệt vời và được hàng triệu thính giả yêu thích. Ngày Phát thanh Thế giới là cơ hội để công bố những thành tựu của phát thanh với công chúng trên toàn thế giới.

ABU từ lâu đã trở thành đối tác quảng bá và tôn vinh những thành tựu của các đài thành viên thông qua việc tổ chức và phát động Ngày Phát thanh Thế giới. Giống như UNESCO, chúng tôi xem đây là dịp để các đài phát thanh nâng cao nhận thức về nhiều khía cạnh của phát thanh. ABU kêu gọi thành viên tổ chức nhiều hoạt động trực tuyến chào mừng ngày Phát thanh thế giới, tạo nội dung đặc biệt kỷ niệm Ngày Phát thanh thế giới, khởi xướng các cuộc trò chuyện trên mạng xã hội với hashtag #WorldRadioDay và khuyến khích, kêu gọi thính giả tham gia.

Chúng tôi tạo fanpage "ABU’s Radio" để các đài thành viên, những người làm phát thanh chia sẻ những thành tựu của mình trong lĩnh vực phát thanh và khuyến khích tất cả các thành viên đăng nội dung hoạt động kỷ niệm Ngày Phát thanh thế giới trên fanpage này.

PV: Bà đánh giá thế nào về những đóng góp nổi bật của ngành Phát thanh thế giới nói chung trong thời kỳ khủng hoảng - đặc biệt là trong đại dịch Covid 19 hiện nay?

Bà Olya Booyar: Tôi đã có nhiều năm làm việc trong lĩnh vực phát thanh- truyền hình, tôi chưa bao giờ đánh giá thấp tầm quan trọng của đài phát thanh trong việc tiếp cận công chúng trong thời kỳ khủng hoảng và trong cuộc sống hàng ngày.

Ở nhiều nước, công chúng có xu hướng xem phát thanh như một phương tiện già cỗi, kém hấp dẫn. Người Anh đã từng gọi BBC là “bà Cô”. Nhưng tôi luôn cảm thấy phát thanh trẻ trung, năng động và mới mẻ. Một thực tế nổi bật là người làm phát thanh có thể tác nghiệp một cách nhanh chóng nhất, với tài nguyên hạn chế mà các phương tiện khác như truyền hình, báo chí, phim ảnh… không làm được.

Phát thanh cũng là một phương tiện mang tính cá nhân và điều này đặc biệt quan trọng trong những lúc xảy ra khủng hoảng, khi mọi người cảm thấy đơn độc và sợ hãi. Đài phát thanh tiếp cận họ, nói với họ rằng họ không đơn độc. Phát thanh cung cấp dịch vụ phù hợp theo nhu cầu, cho thấy rằng mỗi thính giả đều quan trọng và họ luôn có người bạn phát thanh bên cạnh hỗ trợ, chia sẻ.

Và tất nhiên, phát thanh có thể mang lại niềm vui và sự thoải mái. Có thể là một bản nhạc tươi vui, cuộc trò chuyện hoặc một vở kịch. Phát thanh đưa mọi người đến một nơi hạnh phúc, vui vẻ hơn, tạm tránh xa cuộc khủng hoảng mà họ đang phải đối mặt trong thực tế.

Thời gian qua, số liệu nhiều cuộc khảo sát và điều tra từ các quốc gia khác nhau như Đức hoặc Nam Phi, Việt Nam, Úc hay Fiji…cho thấy trong cuộc khủng hoảng COVID-19, số lượng công chúng nghe đài phát thanh đang tăng lên theo cấp số nhân. Thính giả đang quay trở lại với người bạn phát thanh của họ trong thời điểm cần thiết.

PV: Bà có thể cho biết dự đoán về xu hướng phát triển của phát thanh trong thời gian tới?

Bà Olya Booyar: Từ trước đến nay, chúng ta vẫn dự đoán rằng phát thanh sẽ tiếp tục giữ bản sắc nhưng cung cấp thêm phương tiện để nghe- nhìn và vẫn dựa trên văn bản. Phát thanh không tách rời khỏi xu hướng tái cấu trúc của các tổ chức truyền thông và cách thính giả theo dõi, tiếp nhận chương trình. Ví dụ: công chúng mong đợi nhận được tin từ tất cả các phương tiện truyền thông: đài phát thanh, truyền hình, báo in, mạng xã hội và các trang web tin tức - theo cách phù hợp nhất, vào một thời điểm nhất định.

Phát thanh luôn là phương tiện di động, khả năng thích ứng cao, luôn sẵn sàng và sẽ tiếp tục phát huy tính ưu việt như vậy trong tương lai gần. Hiện nay, điện thoại di động là thiết bị nghe radio rất tuyệt vời, nhưng ở nhiều vùng miền, radio vẫn là lựa chọn của công chúng bởi chi phí rẻ, một đài bán dẫn chạy bằng pin hoạt động ổn định và có thể nhận tín hiệu ở hầu hết mọi nơi, trong mọi điều kiện thời tiết, dù ngày hay đêm.

Xu hướng quan trọng thứ hai: phát thanh là một phần của mạng xã hội. Trên thực tế, Radio là phương tiện truyền thông xã hội đầu tiên cho phép mọi người nghe và tương tác với nhau. Radio có thể cung cấp nội dung phổ biến mà mọi người có thể nghe theo cùng một cách tại cùng một thời điểm, hoặc có thể phục vụ riêng từng thính giả thông qua podcast và các dịch vụ kỹ thuật số thích hợp. Đài phát thanh ngày nay thích ứng với nhu cầu của thính giả. Điều quan trọng là thính giả cần nhận được cùng một thông điệp, như trong những cuộc khủng hoảng hoặc thảm họa, đài phát thanh tiếp cận với công chúng bằng một giọng nói thống nhất.

Đài phát thanh có thể an ủi, cung cấp thông tin và giải trí cho thính giả trên tất cả các nền tảng và nhận được niềm tin từ công chúng. Chúng ta có thể nhìn thấy điều này trong bối cảnh bình thường nhưng nó thực sự phát huy giá trị trong cuộc khủng hoảng COVID 19. Đây là một trong những thời điểm thú vị nhất trong lịch sử phát thanh- truyền hình và tôi tin chắc rằng phát thanh sẽ tiếp tục đóng vai trò trung tâm trong tương lai.

PV: Xin trân trọng cảm ơn bà./.

Thanh Hải/VOV (thực hiện)

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/phat-thanh-se-tiep-tuc-dong-vai-tro-trung-tam-trong-tuong-lai-835666.vov