9 bộ phim về trò chơi sinh tồn

Bên cạnh các phim quen thuộc như 'The Hunger Games' hay gần đây là 'Squid Game', những cái tên sau đây đưa người xem vào nhiều ngóc ngách của dòng phim 'trò chơi sinh tồn'.

The Running Man là một bộ phim nằm trong top kinh điển của dòng phim sinh tồn. Ra mắt vào năm 1987, đây được xem là tiền bối của The Purge The Hunger Games khi có cách tiếp cận câu chuyện có phần tương đồng.

The Running Man (1987)

Lấy bối cảnh trong tương lai vào năm 2017, nước Mỹ lúc này được cai trị dưới một bộ máy độc tài. Những kẻ cầm quyền đã nghĩ ra chương trình truyền hình The Running Man, tống hết tất cả đối tượng bất đồng chính kiến vào đó, khiến họ tàn sát lẫn nhau để sống còn.

Ngôi sao cơ bắp Arnold Schwarzenegger vào vai phi công thuộc lực lượng quân đội, tuy nhiên vì lòng nhân từ với đồng bào, anh đã không nã đạn vào cuộc biểu tình. Chính vì vậy, anh bị ghép tội rồi đẩy vào trò chơi tàn bạo này.

The Running Man hấp dẫn người xem bởi những pha hành động chân thật và đẹp mắt, kèm theo đó là nhịp phim cực kỳ gay cấn.

 Arnold Schwarzenegger trong cuộc chiến sinh tồn của trò chơi The Running Man.

Arnold Schwarzenegger trong cuộc chiến sinh tồn của trò chơi The Running Man.

Red Room (1999)

Nếu Battle Royale đã trở thành biểu tượng, Red Room cũng không hề kém cạnh khi khai thác dòng phim này theo một chất riêng.

Với thời lượng vỏn vẹn chỉ 68 phút, Red Room của đạo diễn Daisuke Yamanouchi đã khiến người xem sửng sốt trước trí tưởng tượng không có điểm dừng của ông khi từng vật dụng nhỏ nhất trong phim như chiếc kẹp tóc, đều được tận dụng để hạ sát đối thủ.

Bối cảnh của phim chỉ diễn ra trong một căn phòng chìm trong không gian màu máu đỏ với bốn nhân vật chính được gọi là “người chơi”. Họ phải lần lượt rút những lá bài để trở thành “vua”. Nhiệm vụ của họ là làm mọi cách để dẫn dụ các người chơi khác vào chiếc lồng rồi bị tra tấn cho đến khi chịu bỏ cuộc.

Phim có bối cảnh hẹp, tạo cảm giác bức bối.

Hai phần phim Escape Room (2019-2021)

Được dựa trên trò chơi tương tương tác đời thật cùng tên gây bão vào đầu những năm 2010, Escape Room phần đầu tiên ra mắt năm 2019 đã thu về số doanh thu không tưởng gấp hơn 17 lần kinh phí sản xuất cho hãng phim Sony.

Phim xoay quanh 6 người chơi được tuyển chọn từ nhiều lý lịch khác nhau tham gia vào một cuộc chơi với giải thưởng hấp dẫn. Họ phải bỏ qua hết tất cả bất đồng lẫn tính cách cá nhân để cùng tìm lời giải cho các thử thách thoát khỏi căn phòng, nếu không sẽ mất mạng.

Escape Room phiên bản người thực đóng.

Những câu hỏi hóc búa đòi hỏi sự suy luận cao độ trong khoảng thời gian giới hạn, kết hợp phần hình ảnh và âm thanh cuốn hút đã khiến khán giả phải nín thở đến phút cuối. Phần 2 với tên gọi Tournament of Champions (tạm dịch: Trận đấu của những nhà vô địch) ra mắt vào tháng 8 vẫn giữ được phong độ thậm chí có phần trội hơn.

Nhà sản xuất còn mạnh tay làm hai cái kết khác nhau giữa bản chiếu rạp và bản phim phát hành trên các ứng dụng VOD, khiến người xem buộc phải chi thêm tiền để xem cả hai phiên bản.

5 phần phim The Purge (2013-2021)

Cũng giống The Running Man, The Purge lấy bối cảnh tại Mỹ trong tương lai với sự cai trị của một chính quyền độc tài. Họ tạo ra The Purge (cuộc thanh trừng) vào một ngày trong năm, khi mà từ khoảnh khắc bắt đầu đến 6h sáng hôm sau, mọi tội ác đều có thể tự do diễn ra mà không bị truy cứu.

Đặc sản của series The Purge chính là sự đa dạng về độ sa lầy và biến thái của những kẻ tham gia vào ngày thanh trừng. Bao hàm trong đó là người hàng xóm ngày thường rất thân thiện, người bất mãn xã hội, lũ nhà giàu, chính trị gia, kẻ nghèo hèn sống dưới đáy xã hội hay đơn giản là những người không kịp về nhà vô tình trở thành con mồi… Họ là những phần phải có trong một xã hội có hệ thống chính trị thối nát đang dần sụp đổ.

The Purge có ý tưởng kịch bản độc đáo.

Được xây dựng với một ý tưởng độc đáo nhưng càng về sau, loạt phim này dần sa lầy vào mục đích chính trị thiên tả nên doanh thu đã bắt đầu suy giảm từ phần phim gần nhất ra mắt vào tháng 7 năm nay.

Ready or Not (2020)

Đám cưới, được trở thành cô dâu, có lẽ là một trong những điều tuyệt vời nhất trong cuộc đời của mọi cô gái. Tuy nhiên, hãy tưởng tượng, sẽ ra sao khi trong ngày cưới, cô dâu ấy trở thành con mồi trong cuộc đi săn man rợ mà các thợ săn, không ai khác chính là chồng cùng gia đình chồng của cô?

Ra mắt vào năm 2020, Ready or Not ngay lập tức tạo được vô vàn chú ý bởi sự độc đáo trong kịch bản và phá cách trong thể hiện. Phim không chỉ mang đến cho người xem một cuộc chơi “trốn - tìm” thót tim, mà còn phơi bày lối sống truyền thống bệnh hoạn của những gia tộc giàu có.

Ready or Not gây chú ý với dàn diễn viên đẹp, có các chi tiết mang tính hiện đại lôi cuốn.

Đồng thời, phim đã thành công khi lồng ghép đan xen các chi tiết xưa cũ và hiện đại cực kỳ lôi cuốn khán giả Gen Z… Ví dụ chuyện một nhân vật lên Internet tra cứu các cách sử dụng chiếc nỏ xưa, hay cô dâu mang giày Converse cùng váy cưới rách rưới trong cuộc rượt đuổi đẫm máu…

Nerve (2016)

Nerve do hai nhà làm phim trẻ - Henry Joost và Ariel Schulman thực hiện, khai thác đề tài trò chơi thực tế ảo, xu hướng gây sốt trong những năm gần đây.

Thuộc thể loại hình sự, ly kỳ, Nerve lôi cuốn người xem từ những giây phút đầu tiên. Nữ sinh Vee (Emma Robert thủ vai) bắt đầu ngày mới với các ứng dụng mạng xã hội Facebook, Twitter hay Google như bao cô cậu khác và bất ngờ nhận được lời mời tham gia trò chơi tương tác Nerve.

Nerve nhấn chìm người xem vào bầu không khí gay cấn, nơi mà người chơi sẵn sàng chấp nhận mọi lời thách đấu, dù điên rồ như giữ thăng bằng trên các tòa cao ốc, nhảy qua đường ray tàu điện ngầm hay bịt mắt lái xe... để đổi về những món tiền thưởng kếch xù.

Đó cũng là nơi những người theo dõi sẵn sàng kích động người chơi, thậm chí khuyến khích họ đánh đổi tính mạng để vượt qua thử thách, đổi lại những khoảnh khắc giật gân, gây sốc, tạo thành hiện tượng trong thế giới ảo.

Thế giới ảo trong Nerve phản ánh con người thời hiện đại phụ thuộc vào điện thoại, công nghệ.

Nerve là chiếc gương phản ánh cuộc sống của đa phần giới trẻ ngày nay khi họ gắn chặt mình với chiếc điện thoại thông minh. Kéo theo đó là những giá trị nổi tiếng ảo trên mạng khiến đạo đức ngày càng suy đồi, đồng thời là nguy cơ thông tin cá nhân bị đánh cắp bởi kẻ xấu có thể dẫn đến những hậu quả không lường.

The Hunt (2020)

Được xem là một trong những chuyến săn người đậm chất "Mỹ" nhất trên màn ảnh rộng, The Hunt khiến người xem cực kỳ kích động.

Phim diễn biến rất nhanh. Mở đầu bằng đoạn chat với nội dung đề cập chuyến đi săn, rồi chuyển đến cảnh các chuyến bay riêng của giới nhà giàu, rồi nhanh chóng chuyển đến cảnh giết chóc liên hoàn, kèm theo đó là những màn võ thuật tay đôi mãn nhãn và cũng không thiếu các pha đấu trí căng cực… hoàn toàn khác xa với tác phẩm cùng thể loại khi phải tốn thêm thời gian đầu phim để xây dựng câu chuyện nền trước khi cuộc đấu bắt đầu.

Dù câu chuyện có phần đơn giản nhưng dường như cả nước Mỹ được thu nhỏ vào "chuyến săn người" trong phim khi xuyên suốt thời lượng đề cập đến nhiều chủ đề nóng như phân biệt chủng tộc, kỳ thị giới tính, Chính phủ lộng quyền, đấu đá không ngừng nghỉ giữa các phe đảng chính trị... đồng thời là vấn nạn tin giả (fake news), những kẻ đặt điều dẫn dắt dư luận trên Internet.

Cảnh báo, hãy chuẩn bị tinh thần vì phần đi săn trong phim cực kỳ bạo lực nhưng cũng đầy phấn khích.

The Belko Experiment (2016)

Sẽ ra sao khi sắp tới giờ tan làm, lại bị nhốt và phải giết chóc thì mới sống sót để ra về? Bạn sẽ tìm thấy câu trả lời trong The Belko Experiment.

Điểm làm nên sự khác biệt của phim kinh dị hạng B này chính là cách phim đặt những nhân viên công sở trí thức với vẻ ngoài đạo mạo, ăn nói lịch thiệp vào trường hợp bắt buộc họ phải tàn hại lẫn nhau. Khi ấy bản chất con người và các mâu thuẫn hàng ngày mà họ phải giấu kín trong lòng bộc phát, tạo nên khung hình hỗn loạn cùng bầu không khí đáng sợ.

The Belko Experiment khai thác sự khác biệt trong tâm lý con người khi lâm vào cảnh khó khăn.

Song song đó, không chỉ mang đến cảm giác mới lạ, bối cảnh văn phòng chật hẹp bóp nghẹt những con người bên trong đó cũng như người xem qua màn ảnh. Dù không quá đặc biệt trong kịch bản, nhưng The Belko Experiment vẫn là lựa chọn khá ổn cho người hâm mộ dòng phim "trò chơi sinh tồn".

Animal World (2020)

Một đại diện đến từ Trung Quốc, cũng tương đồng với Squid Game, trò chơi trong Animal World là phiên bản nguy hiểm được "nâng cấp" từ trò oẳn tù tì mà ai cũng biết.

Thế nên, phim đã dễ dàng tiếp cận người xem qua trò chơi không quá phức tạp, vừa có thể được giải thích một cách dễ hiểu, vừa đủ kịch tính với các luật lệ được thêm vào. Luật chơi cũng đơn giản, kẻ thắng được xóa nợ còn kẻ thua trở thành hàng hóa.

Là một bộ phim đòi hỏi sự vận động đầu óc, người chơi trong Animal World phải có sự nhạy bén, óc quan sát để lựa chọn đồng minh hay đối thủ và như bao bộ phim khác để thắng trò chơi thì phải bất chấp thủ đoạn triệt tiêu càng nhiều người cạnh tranh càng tốt.

Animal World là tựa phim của Trung Quốc làm về trò chơi sinh tồn.

Nhìn chung có thể mô tả Animal World bằng cụm từ "vừa phải", khi mọi thứ trong phim đều được tiết chế hợp lý từ câu chuyện đầu đuôi rõ ràng, nhịp nhàng trong cách kể chuyện, thông điệp dễ hiểu và dễ tiếp thu, không quá sa đà vào chuyện chính trị... Đặc biệt, phần diễn xuất trong phim cũng chất lượng qua màn hóa thân của hai ngôi sao Hoa ngữ là Lý Dịch Phong và Châu Đông Vũ cùng sự xuất đặc biệt của ngôi sao gạo cội Michael Douglas.

Xuân Phúc

Ảnh: IMDB

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/9-bo-phim-ve-tro-choi-sinh-ton-post1270907.html