8X Đồng Nai mạnh dạn kết nối các nhà vườn ở địa phương, phát triển mô hình du lịch vườn trái cây đa dạng

Sau 20 năm ở nước ngoài trở về Việt Nam thấy tiềm năng của quê hương Đồng Nai cũng như cuộc sống của bà con nông dân nơi đây lam lũ, vất vả nên Đặng Thị Diễm My (sinh năm 1984, quê gốc ở Cẩm Mỹ, Đồng Nai) đã mạnh dạn kết nối các nhà vườn địa phương, phát triển mô hình du lịch vườn trái cây đa dạng, dự kiến đem lại thu nhập hàng tỷ đồng cho từng nhà vườn mỗi năm.

Diễm My tâm sự vì gia đình nghèo nên cô chỉ được học hết lớp 9 thì phải nghỉ học đi làm lo cho gia đình. Nhờ người tân, cô được ra nước ngoài lập nghiệp và được bảo lãnh định cư bên Mỹ. Sau đó, lấy chồng cô trở về Úc sinh sống. Sau bao nhiêu năm bôn ba, lập nghiệp, Diễm My và gia đình quyết định quay trở về quê hương Đồng Nai sinh sống.

Diễm My vui vẻ nướng đồ ăn trong vườn cùng du khách.

Ban đầu, khi mới về Việt Nam, cô và gia đình chỉ định xây dựng khuôn viên và vườn trái cây rộng hơn 1 ha để nghỉ dưỡng, nhưng với ý tưởng táo bạo làm giàu và nhìn cảnh bà con cơ cực, vất vả mà vẫn nghèo, lại thấy tiềm năng du lịch lớn của địa phương là nhiều nhà vườn, nhiều cây trái nên cô quyết định làm mô hình nhà vườn với tên gọi “Vườn Dì Hai” tại địa chỉ tổ 2, ấp Cây Da, xã Bình Lộc, thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai.

Để hiểu hơn về Vườn Dì Hai và mô hình vườn cây ăn trái của Đặng Thị Diễm My, phóng viên đã có cuộc trò chuyện cùng cô nàng 8X đầy cá tính này.

Vườn chôm chôm bắt đầu chín vào khoảng tháng 6, tháng 7.

- Chào Diễm My, bạn có thể chia sẻ đôi chút về cái tên Vườn Dì Hai?

- Thực sự thì Diễm My đi nước ngoài lâu lắm rồi. Mình và gia đình mới về nước được tầm 1 năm thôi là mình làm luôn mô hình này.

Dì Hai là tên mà mình thực sự rất tâm đắc. Bởi vì mình là người con thứ hai trong gia đình, lại có nhiều đứa cháu gọi là dì nên mình nghĩ sẽ lấy cái tên đó cho tên vườn của gia đình.

Hơn nữa, khi đặt tên vườn mà kêu vườn cô hai thì cũng không hay, bà hai cũng không hay, chị hai thì nghe không thân thiện. Đối với mình, dì hai hướng về bên quê ngoại, có một cái gì đó gần gũi, trìu mến và thân thương hơn. Chính vì thế, nên mình đặt tên là vườn Dì Hai.

- Xuất phát từ ý tưởng nào mà Diễm My mạnh dạn làm mô hình này?

- Về Việt Nam, mình đã đi đến rất nhiều vùng trái cây như Lái Thiêu, về miền Tây như Bến Tre, Cần Thơ,Trà Vinh thì thấy các vườn đơn điệu quá. Bởi vì mỗi chủ vườn như vậy chỉ được 1 – 2 ha, người nào đến trước thì có trái để ăn, người đến sau chỉ toàn nhìn cây và lá.

Lúc bấy giờ mình thấy ở xung quanh mình (vùng đất Long Khánh – Đồng Nai) có nhiều tiềm năng để phát triển, nhiều nhà có vườn, lại đa dạng các loại cây ăn trái, hơn nữa mình thấy người dân ở đây còn quá nghèo nên mình mới có suy nghĩ liên kết các nhà vườn lại để làm thành một hệ thống các vườn trái cây, để mọi người được thưởng thức trái cây thoải mái.

Cái thứ hai là thị hiếu và nhu cầu của khách rất cao, mình muốn tạo thêm điều kiện và nâng tầm du lịch vườn tại Đồng Nai. Bởi vì du lịch miệt vườn ở miền Đông Nam Bộ giờ đây đã dần bị mai một.

Trước đây ở miền Đông Nam Bộ có vườn cây trái Lái Thiêu, nhưng từ ngày Bình Dương đô thị hóa, đất đai lên giá thì lúc bấy giờ không còn nhà vườn, người ta cắt phân lô và bán hết đất. Chỉ còn ở miền Tây thì vẫn còn mô hình du lịch này.

Một số tỉnh như Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa Vũng Tàu người ta muốn tới vườn trái cây rất xa xôi, cho nên mình nghĩ đây là vùng đất của thủ phủ trái cây, Long Khánh là vùng đất màu mỡ, đất đỏ bazan nữa thích hợp cho tất cả các nguồn trái cây, thì mình nghĩ đây chính là tiềm năng mình mới phát triển để kéo cộng đồng dậy.

- Mô hình hiện nay có diện tích bao nhiêu?

- Vườn Dì Hai là mình liên kết tầm 100ha , tất cả là gần 80 nhà vườn, tạo thành khối liên kết lớn và khi du khách đến thì chắc chắn có trái để thưởng thức, du khách có quả ăn, có quả mang về hoặc chụp ảnh. Như vậy, du khách sẽ không thất vọng thì đó mới đúng nghĩa là du lịch vì như thế người ta được trải nghiệm, được vui chứ không phải là mua vé vào rồi chỉ có cây và lá không.

- Vườn trồng những loại cây gì?

Vườn của mình có cóc, bưởi, sầu riêng, chôm chôm, xoài, măng cụt, ca cao, mít, vú sữa,...trên 10 loại trái cây gì đó, nhiều lắm.

- Ban đầu khi mới làm mô hình, bạn gặp phải khó khăn gì không?

- Mới đầu cũng nhiều khó khăn lắm. Trước mắt, đối với các chủ vườn, họ chưa hiểu mô hình liên kết là như thế nào nên họ e ngại, sợ và không muốn hợp tác với mình.

Họ đặt ra nhiều câu hỏi như: Tại sao lại phải liên kết làm du lịch để làm gì? Lỡ khách vào phá vườn mình thì sao?Người nông dân thì chân chất, có khi còn nghĩ rằng nếu như du khách đến họ bẻ non, bẻ già thôi hoặc đi hoài trên đất thì đất sẽ bị chai, không màu mỡ, phì nhiêu.

Bên cạnh đó, khi mới bắt đầu làm mô hình, chính quyền địa phương cũng nghi ngờ về hiệu quả của mô hình này nên cũng không hỗ trợ gì nhiều. Tuy nhiên, sau một năm vừa qua, thấy được hiệu quả thực tế của mô hình nên trưởng ấp, lãnh đạo xã Long Khánh cũng đã hỗ trợ, tạo điều kiện và giúp đỡ mình để hoàn thiện một số chương trình trong hệ thống hoạt động của vườn.

- Bạn đã làm thế nào để thuyết phục được các nhà vườn hợp tác cùng làm mô hình?

- Mình cũng không phải là người giỏi thuyết phục bằng lời nói, nhưng ít nhất mình phải phân tích cho các nhà vườn họ hiểu về ngành công nghiệp không khói rất lợi, có nhiều người đến vườn để chiêm ngưỡng chứ không phải đến để phá vườn. Đặc biệt nhất, lợi nhuận từ kinh doanh dịch vụ du lịch rất cao chứ không phải đơn giản chỉ là cho ăn trái cây không.

Và khi đến nhà vườn, rất nhiều chủ vườn không đồng ý, mình phải viết 1 tờ giấy cam kết, tìm hiểu những năm trước đó vườn thu được bao nhiêu tiền. Họ bảo thu được khoảng 120 triệu cho 1,5ha. Và khi đó, mình mới viết cam kết rằng đợt này làm du lịch, gia đình sẽ có 180 triệu, nếu không được doanh số này thì sẽ đến vườn Dì Hai để lấy tiền. Lúc đó người ta mới đồng ý, nhưng cũng chỉ có một số ít nhà vườn thôi.

Vườn Cóc sai trĩu quả.

Từ 1 nhà vườn ký hợp đồng đó, sau một năm làm mô hình, ngoài con số 180 triệu thì thực tế nhà vườn này đã thu về được 220 triệu và chính người đó tự đi tuyên truyền và chính họ cũng là minh chứng rõ ràng nhất. Từ đó, bà con tin tưởng và rồi bắt đầu từ 5 vườn, đến 10 vườn, rồi 20 vườn, 30 vườn và bây giờ lên đến 80 vườn.

- Trung bình mỗi ngày có bao nhiêu người đến với vườn Dì Hai?

- Bình quân từ thứ 2 đến thứ 6 là lượng du khách dao động tầm khoảng 100 – 200 người, cuối tuần thì được 300 – 400 người. Đó là những ngày thường, còn nếu vào mùa trái cây chín chính thức là 1 ngày ít nhất khoảng 3000 du khách, nhiều nhất là 5000 người.

- Mức thu nhập đem lại cho các nhà vườn từ mô hình này ra sao?

- Mức thu nhập hàng năm, bây giờ thì thực sự mình vẫn chưa tính được con số cụ thể. Đây là chương trình mà mình đang làm để khuyến khích bà con nông dân nên phần lợi nhuận mình dành cho bà con nhiều lắm.

Mình thu một đầu vé là 20.000/ người/ vé/ vườn, mình đã chi cho bà con 15.000, còn 5.000 đó là tiền mình thuê xe vận chuyển, đưa khách tới các vườn. Xác định là lấy lượng khách lớn trước, còn lời sẽ phải thu sau.

Mình suy nghĩ và mong muốn mỗi nhà vườn có nền kinh tế vững chắc trước thì người ta mới kết nối với mình lâu dài, do vậy lợi nhuận năm nay mình chưa dám nghĩ tới, mình chỉ mong mình làm đủ trả lương cho nhân viên, còn lợi nhuận nhà vườn thì mình sẽ nâng cao hơn cho từng nhà vườn.

Về kinh tế, bản thân mình cũng tạm vững để cho cuộc sống ổn định nên mình muốn làm một cái gì đó để giúp một số bà con nông dân bởi họ quá lam lũ, cực khổ. Cái đó là điều đầu tiên mình nghĩ tới để mình hình thành vườn.

- Ngoài thưởng ngoạn và được ăn trái cây, vườn còn tổ chức chương trình vui chơi giải trí nào khác?

- Các chương trình của mình cũng xuất phát từ chính bà con, xung quanh mình có rất nhiều lagim (tức là bầu, bí, mướp, khoai, dưa leo các loại) rất đẹp, mà thực sự từ chính bản thân mình thì từ trước đến nay chỉ biết ăn chứ chưa biết trồng các loại quả này ra sao? Chính vì thế mình mới hình thành hệ thống chương trình “Trải nghiệm kỹ năng sống cho học sinh”. Mình muốn liên kết với các phòng giáo dục, các trường học để đưa các em học sinh đến vườn học hỏi, tìm hiểu và trải nghiệm.

Trò chơi bắt cá được rất nhiều người yêu thích, đặc biệt là các bạn lứa tuổi thanh niên.

Đặc biệt, ở những vùng quê người ta không có kiểu câu cá giải trí, kể cả là giàu có thì họ cũng chỉ đi xuống suối để bắt cá, rồi tát mương. Tất cả đều dùng bằng tay chứ không dùng cần để câu,..nên mình muốn tạo ra không gian như vậy để cho các em học sinh trau dồi kỹ năng cho mình trong cuộc sống hàng ngày.

Mình dự kiến làm chương trình này chủ yếu cho các em nhỏ trải nghiệm thế nhưng khi đi vào thực hiện thì toàn người lớn đăng ký tham gia bởi người ta thích. Đây cũng là điều mà chính mình cũng bất ngờ. Không hiểu vì sao các đội, các đoàn, các nhóm sinh viên họ đam mê lắm, thích lắm. Rồi từ đó mình chuyển từ trẻ em thành chương trình dành cho người lớn, nhưng bên cạnh đó vẫn có trẻ em.

Đến vườn được chơi lại được hái quả đem về.

- Lượng du khách chủ yếu ở khu vực nào?

- Lượng khách nhiều nhất, chiếm tới 60% là ở các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Sài Gòn 20%, Bình Dương 10%, còn là lượng khách khoảng 10% từ Vũng Tàu, tp Biên Hòa và những tỉnh thành khác ở miền Đông Nam Bộ.

- Kế hoạch cụ thể phát triển mô hình trong thời gian tới?

- Trước mắt, dự kiến thu nhập của cả mô hình cũng được chừng vài chục tỷ/ năm. Nếu mùa lễ hội trái cây diễn ra, thì thu nhập sẽ như vậy. Lễ hội trái cây sẽ được diễn ra vào mùng 5/ 5 âm lịch vì lúc đó trái cây đang chín rộ với những trò chơi phong phú. Hơn nữa, những năm trước, mình chưa quảng cáo, mình cũng chưa sử dụng trang mạng xã hội nhiều, sang năm nay chính thức sử dụng Fanpage DuLichVuongLongKhanh thì lượng view cao, chắc chắn sẽ đông hơn năm ngoái gấp 2 – 3 lần.

- Cảm ơn Diễm My về những chia sẻ trên!

Cùng trải nghiệm ở vườn Dì Hai qua các hình ảnh dưới đây:

Nguồn ảnh: FB@DuLichVuonLongKhanh

Ngọc Giang / Tin Nhanh Online

Nguồn Tin Nhanh: http://tinnhanhonline.vn/8x-dong-nai-manh-dan-ket-noi-cac-nha-vuon-o-dia-phuong-phat-trien-mo-hinh-du-lich-vuon-trai-cay-da-dang-1482964