8X Bình Dương dùng nước vo gạo, mắt quả dứa trồng đủ giống rau lạ

Trong khu vườn khoảng 100m2 trên sân thượng, ngoài trồng các loại rau ngắn ngày, chị Trần Thị Tươi còn trồng các giống rau lạ như: Bắp cải hoa hồng, bắp cải tím, cải hoa hồng...

Chị Trần Thị Tươi (SN 1986, quê Nam Định) vào Bình Dương học và làm việc từ năm 2004. Hiện chị làm kế toán cho công ty gia đình. Công việc thoải mái về thời gian nên chị tranh thủ 3-4 giờ/ngày để làm vườn.

Khoảng 3-4 năm trước, chị có trồng rau, các loại cây ở đất vườn. Cuối năm 2019, chị Tươi xây căn nhà hai tầng, rộng hơn 100m2 ở huyện Tân Uyên, Bình Dương làm chỗ ở.

Sau khi xây nhà, chị thiết kế sân thượng để làm vườn, vừa cung cấp rau sạch cho gia đình vừa tạo niềm vui cho bản thân mỗi ngày.

Chị Tươi cho biết, làm vườn trên sân thượng, ban đầu sẽ có những khó khăn. Đó là việc vận chuyển đất, các vật dụng trồng lên sân thượng. Ngoài ra, diện tích trồng cũng khiêm tốn hơn ở mặt đất. Nhưng vườn sân thượng có lợi thế là tránh được các loại sâu, côn trùng và dễ dàng thay đổi vị trí các khay, chậu.

Chị Tươi cho biết, làm vườn trên sân thượng, ban đầu sẽ có những khó khăn. Đó là việc vận chuyển đất, các vật dụng trồng lên sân thượng. Ngoài ra, diện tích trồng cũng khiêm tốn hơn ở mặt đất. Nhưng vườn sân thượng có lợi thế là tránh được các loại sâu, côn trùng và dễ dàng thay đổi vị trí các khay, chậu.

Sau khi thiết kế sân thượng có nền hạn chế thấm nước, chị Tươi lắp đặt hệ thống 160 khay thông minh, hơn 50 chậu to, nhỏ, giỏ treo khác nhau... để trồng rau.

Diện tích sân thượng có phần hạn hẹp vì vậy chị Tươi phân chia không gian một cách khoa học để có thể trồng được nhiều loại rau, cây khác nhau.

Ngoài trồng các loại cây ngắn ngày như: Mồng tơi, rau má, rau cải, thì là, hành, các loại rau thơm, su hào, bắp cải... vườn của chị còn có các cây rau dài ngày: Cải kale, bắp cải tím, cải hoa hồng...

Bình Dương là xứ nóng vì vậy khi trồng các giống cây lạ, bí quyết của chị Tươi là chọn hạt giống chịu nhiệt tốt để trồng.

Để cây trái, rau xanh trong vườn luôn tươi tốt, cho năng suất cao, chị dùng đất thịt kết hợp tro trấu, xơ dừa, phân gà và phân bò ủ hoai mục sau đó rắc trichoderma để phòng trừ các loại nấm và rệp.

Ngoài ra, bí quyết của chị Tươi là dùng nước vo gạo và mắt quả dứa (quả thơm) ủ, rồi tưới cho rau. Chị Tươi cho biết, nước vo gạo được xem là nguồn dinh dưỡng tuyệt vời cho các loại cây đặc biệt là rau xanh. Tưới cây bằng nước vo gạo là một sự lựa chọn tuyệt vời để giúp tiết kiệm nước và có vườn rau sạch thực sự. Còn dùng nước vỏ quả thơm (dứa) ủ hoai tưới cho rau không chỉ cây giúp hấp thu được chất dinh dưỡng tốt mà còn đuổi được các loại sâu.

Dàn bạc hà rủ của chị Tươi.

Đây là cây cải hoa hồng xòe tán rộng đẹp mắt. Chị Tươi cho biết, chỉ cần một đến hai cây là đủ một bữa ăn.

Những cây bắp cải hoa hồng (còn gọi là bắp cải sa mạc) của chị Tươi.

Để đỡ tốn diện tích, chị Tươi thiết kế các chậu treo. Mỗi một chậu treo, chị Tươi trồng một cây cải hoa hồng.

Những củ su hào căng mọng do chị Tươi trồng. Chị cho biết, trồng các loại su hào, bắp cải... giúp gia đình chị luôn có rau sạch.

Người phụ nữ này kể, trước đây, có thời gian rảnh là chị lên mạng xem phim, thi thoảng đi chơi với bạn bè. Từ khi có vườn rau, ngày nào chị cũng bận với việc tưới nước, gieo hạt, bón phân, bắt sâu, nghiên cứu và tìm giống rau lạ về trồng. "Chiều, tôi lên sân thượng ngắm cây. Tối, tôi cũng lên thăm vườn một chút", chị Tươi nói.

Từ khi có vườn rau đẹp, chị Tươi tham gia vào nhóm trồng rau trên mạng. Ở đó, chị và các thành viên khác trong nhóm giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, hạt giống và tổ chức những buổi gặp mặt định kỳ. Đặc biệt, hơn một năm qua, gia đình 9 người của chị luôn có đầy đủ các loại rau sạch ăn. Những lúc thu hoạch được nhiều, chị mang đi biếu bạn bè, người thân và đồng nghiệp. "Hiện, tôi tiếp tục tìm mua các giống rau lạ khác mang về vườn trồng", chị Tươi nói.

Tú Anh

Ảnh: Nguyệt Quang

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/doi-song/gioi-tre/8x-binh-duong-dung-nuoc-vo-gao-mat-qua-dua-trong-du-giong-rau-la-716690.html