Khu đất Đằng Xung - Dộc Khoai (phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm ) đoạn giáp Đại Lộ Thăng Long có diện tích 8ha, có nguồn gốc là đất nông nghiệp. Tuy nhiên, hiện trạng khu đất này đã được quây tôn biến thành gara ô tô, bãi phế liệu, sân bóng và nhiều dịch vụ khác...
Trao đổi với báo Tiền Phong ngày 17/9, đại diện UBND phường Mễ Trì cho biết, khu đất trên là đất nông nghiệp, giao cho các hộ xã viên HTX 1-5 Mễ Trì Thượng quản lý, sử dụng. Từ năm 2009, khu đất đã tồn tại vi phạm như của gia đình ông Đặng Khánh Hiểu (2.000m2). Ngoài ra, còn có trạm trộn bê tông với diện tích 4-5ha, đến năm 2015 phường mới cưỡng chế được.
Từ năm 2015 đến nay, một số đối tượng tiếp tục thuê của người dân đặt container, dựng công trình tạm, tập kết sắt vụn, vật liệu xây dựng, sửa chữa các loại phương tiện. Thống kê cho thấy, có khoảng 40 trường hợp vi phạm đất đai tại khu đất nông nghiệp trên.
Được biết, hàng năm UBND phường Mễ Trì đều có kế hoạch xử lý vi phạm trên đất nông nghiệp tại khu đất nông nghiệp Đằng Xung- Dộc Khoai của UBND phường Mễ Trì, đồng thời, gửi hàng chục thông báo để xử lý. Tuy nhiên, đến nay các tồn tại vẫn không có dấu hiệu giảm, thậm chí hiện vẫn có máy móc san sạt.
Tại mỗi kế hoạch, UBND phường đều nêu rõ trình tự thực hiện, phương tiện, số lượng người cần huy động và thời gian dự kiến, tuy nhiên đến nay vi phạm vẫn y nguyên.
Từ năm 2019 đến nay, UBND phường Mễ Trì đã ban hành hàng loạt thông báo xử lý vi phạm tại khu đất nông nghiệp trên.
Về vấn đề này, đại diện UBND phường Mễ Trì thừa nhận, những vi phạm này đã tồn tại từ lâu. Mỗi năm phường cũng ra quân xử lý 2-3 lần, tuy nhiên vi phạm vẫn tiếp diễn.
Nguyên nhân là bởi vi phạm tại khu đất này chủ yếu là tài sản dạng sắt vụn, máy móc thiết bị... nên khó xử lý triệt để. Còn hình ảnh máy móc đang tiếp tục san gạt phường sẽ tiếp tục kiểm tra lại.
Luật sư Mai Anh Hiếu (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, theo khoản 25 Điều 3 Luật Đất đai năm 2013 và khoản 3 Điều 3 Nghị định 91/2019/NĐ-CP thì việc 8ha đất nông nghiệp biến thành nhà xưởng, kho bãi… là hành vi hủy hoại đất.
Theo luật sư Hiếu, người hủy hoại đất có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 2 triệu đồng đến 150 triệu đồng. Ngoài ra, còn buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm. Nếu vẫn tái phạm thì có thể bị khởi tố hình sự về tội “Vi phạm các quy định về sử dụng đất đai” theo quy định tại Điều 228, Bộ luật hình sự 2015.
Thanh Hiếu