Doanh nghiệp gặp khó khăn về nhân lực khi tái sản xuất kinh doanh

Làm sao để công nhân lao động quay lại làm việc sau đại dịch đang là nỗi lo canh cánh của nhiều doanh nghiệp hiện nay. Đây là nội dung được nêu lên tại buổi tọa đàm trực tuyến 'Nguồn nhân lực lao động cho TP.HCM và các tỉnh lân cận sau đại dịch' vừa diễn ra.

Trong tháng 8 và tháng 9 vừa qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, TP.HCM và các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Long An… đã chứng kiến làn sóng dịch chuyển lao động chưa từng có. Hàng trăm nghìn công nhân lao động ở các nhà máy, xí nghiệp, công trường do mất việc làm, giảm thu nhập, bất an với dịch bệnh và cuộc sống bấp bênh đã rời nơi sinh sống, làm việc để về quê. Nhiều người còn cho biết sẽ ở lại quê nhà, tìm sinh kế khác.

Tọa đàm trực tuyến về nguồn nhân lực cho TP.HCM và các tỉnh lân cận sau đại dịch.

Tọa đàm trực tuyến về nguồn nhân lực cho TP.HCM và các tỉnh lân cận sau đại dịch.

Tình hình trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc đáp ứng đơn hàng của các công ty còn duy trì sản xuất lớn ở các khối, ngành và doanh nghiệp sản xuất theo mô hình “3 tại chỗ”. Nhiều doanh nghiệp đã tăng lương, tăng thù lao, tăng phúc lợi để giữ chân người lao động.

Sau ngày 30/9, TP.HCM cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, nới lỏng giãn cách xã hội, mở cửa trở lại hàng loạt hoạt động, trong đó có sản xuất kinh doanh. Việc tìm kiếm lao động, nhất là nhân lực đã qua đào tạo đang là khó khăn của nhiều doanh nghiệp. Riêng đối với TP.HCM, khoảng 17 khu chế xuất, khu công nghiệp và khu công nghệ cao với gần 1.600 doanh nghiệp cần hơn 320.000 lao động. Thời gian qua, hơn 820 nhà máy đã dừng hoạt động, khoảng 245.000 công nhân đã tạm nghỉ việc hoặc về quê.

Theo đại diện các hiệp hội, hội ngành nghề, một số lĩnh vực đang thiếu từ 30% đến 60% số lượng lao động. Các doanh nghiệp có thị trường tốt, đơn hàng nhiều tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An - những tỉnh có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, đang rất lo lắng về tình trạng thiếu hụt này và đối diện với nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng.

Trao quà cho người lao động quận Bình Tân gặp khó khăn.

Lãnh đạo Ban Quản lý các khu công nghiệp – khu chế xuất TP.HCM (Hepza) cho biết: Tính đến thời điểm này, các doanh nghiệp sản xuất "3 tại chỗ" hay "1 điểm đến, 2 cung đường" bắt đầu gặp khó khăn vì chi phí quá lớn. Tất cả các doanh nghiệp đang muốn mở cửa hoạt động nhưng đều loay hoay với bài toán nguồn cung nguyên vật liệu, nhất là vấn đề lao động.

"Chúng tôi nghĩ là nên xây dựng môi trường làm việc cho người lao động yên tâm. Bên cạnh đó mong muốn TP.HCM kết hợp với các tỉnh có chính sách tuyên truyền, vận động để công nhân quay lại làm việc. Trong thời điểm này, chúng tôi chỉ hy vọng 40% số lao động đã bỏ việc quay lại làm, để có thể đảm bảo các đơn hàng sắp tới"- ông Trương Chí Thiện, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần thực phẩm Vĩnh Thành Đạt đề nghị.

Liên đoàn Lao động TP.HCM tặng 250 túi an sinh cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Dịp này, Ban Tổ chức công bố ra mắt Cổng kết nối cung - cầu lao động trên Báo Người Lao Động điện tử, phối hợp với Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM, Công ty Talentnet Corporation và Navigos Group thực hiện. Đây sẽ là địa chỉ để người tìm việc, việc tìm người; kết nối đào tạo - tuyển dụng và giữa các tỉnh, thành với nhau./.

Ngọc Xuân/VOV-TPHCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/doanh-nghiep-gap-kho-khan-ve-nhan-luc-khi-tai-san-xuat-kinh-doanh-894987.vov