86 nghệ sĩ cải lương 2 miền Nam - Bắc hội tụ trong 'Thầy Ba Đợi'

'Thầy Ba Đợi' với sự góp mặt của 86 nghệ sĩ cải hương 2 miền Nam - Bắc sẽ ra có 2 đêm công diễn ở Nhà hát Lớn Hà Nội (27 và 28/5).

Vở cải lương Thầy Ba Đợi sẽ ra mắt khán giả Thủ đô Hà Nội vào 2 đêm 27 và 28/5 tới tại Nhà Hát lớn Hà Nội.

“Thầy Ba Đợi” là tác phẩm dàn dựng công phu từ kịch bản của PGS - TS Nguyễn Thế Kỷ. Vở kịch kể về cuộc đời của Nhạc quan Nguyễn Quang Đại (Thầy Ba Đợi) - người được xem là đã có công lớn trong việc truyền bá âm nhạc cung đình Huế trên đất Nam Bộ. Đồng thời, ông cũng là người cải biên và định hình 20 bài bản tổ trong nghệ thuật đờn ca tài tử (sau này phát triển thành ca ra bộ rồi đến cải lương). Nói một cách khác, Thầy Ba Đợi được coi là người sáng lập ra nghệ thuật cải lương Việt Nam.

Nội dung chính vở nói về giai đoạn ông vào Nam và bị giặc Pháp truy đuổi do ủng hộ phong trào Cần Vương. Tại đây ông đã được con gái quan tổng đốc giúp đỡ và có mối tình dang dở cùng nàng. Dưới bàn tay khéo léo của tác giả, số phận của Thầy Ba Đợi hiện lên một cách chân thực và rõ nét. Nhờ việc dàn dựng sân khấu và nội dung một cách tỉ mỉ, “Thầy Ba Đợi” đã khắc họa bối cảnh xã hội lúc bấy giờ một cách sinh động với nhiều tình tiết, cao trào.

Vở kịch có sự tham gia của 86 diễn viên trong làng cải lương ở cả 2 miền Nam - Bắc, gồm cả các nghệ sĩ thuộc “thế hệ vàng” của cải lương như: NSƯT Thanh Tuấn, NSƯT Hùng Minh… đến những thế hệ kế thừa như: NSND Vương Hà, NSƯT Lê Tứ, NSƯT Hữu Quốc, NSƯT Quế Trân, Trần Quang Khải, Võ Minh Lâm…

Theo đạo diễn Triệu Trung Kiên - Phó Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam, đạo diễn chính của “Thầy Ba Đợi” chia sẻ, điểm mới của vở kịch này là từ đầu đến cuối vở triển khai theo một mô típ sân khấu, mỗi lớp diễn có sự thay đổi, dịch chuyển; kết hợp cùng màn hình led để tạo ra bối cảnh và thời gian khác nhau. Ngoài yếu tố nội dung, sự tham gia của các nghệ sĩ cũng chính là thành tố toát lên ý nghĩa của tác phẩm “Thầy Ba Đợi”.

“Tôi tâm đắc với vở cải lương này chính là sự hòa hợp của các nghệ sĩ có “gốc” từ 2 miền Nam Bắc. Đây là sự đoàn kết chung tay của mọi người Việt Nam trong sự bảo tồn giữ gìn phát huy nghệ thuật truyên thống, di sản văn hóa của cha ông để lại. Thông qua vở diễn, chúng tôi muốn khán giả có thêm một cái nhìn đồng cảm hơn đối với cải lương. Cải lương chưa chết, nó chỉ gặp một chút khó khăn ở cách đổi mới của mình trong xã hội hiện đại”, đạo diễn Triệu Trung Kiên nói.

Vở cải lương "Thầy Ba Đợi" (tác giả kịch bản: PGS. TS Nguyễn Thế Kỷ, chuyển thể cải lương: Hoàng Song Việt - Phạm Văn Đằng, đạo diễn: NSƯT Triệu Trung Kiên - Lê Trung Thảo), do NSND Trần Ngọc Giàu chỉ đạo nghệ thuật, NSND Trọng Đài sáng tác âm nhạc, NSƯT Doãn Bằng thiết kế mỹ thuật và NSƯT Nguyễn Xuân Vinh chủ nhiệm công trình.

Sau 2 ngày công diễn 28 và 29/4 tại Nhà hát Bến Thành (TP Hồ Chí Minh), dự kiến vở cải lương "Thầy Ba Đợi" sẽ ra mắt khán giả Thủ đô Hà Nội vào 2 đêm 27 và 28/5 tới tại Nhà Hát lớn Hà Nội.

Phạm Quý

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/86-nghe-si-cai-luong-2-mien-nam-bac-hoi-tu-trong-thay-ba-doi-317190.html