86% nạn nhân bị xâm hại tình dục biết kẻ tình nghi

Trên thực tế ở Việt Nam 86% nạn nhân được hỏi nói rằng họ biết người bị tình nghi và 76% nạn nhân không có dấu hiệu thương tích rõ rệt.

Ngày 21-3, Chương trình phát triển Liên hợp quốc UNDP, Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ UNWomen và Cơ quan phòng chống tội phạm và ma túy Liên hợp quốc đã phối hợp tổ chức công bố nghiên cứu: “Xét xử tội hiếp dâm – Tìm hiểu cách ứng phó của hệ thống tư pháp hình sự đối với bạo lực tình dục ở Thái Lan và Việt Nam”.

Báo cáo nghiên cứu đã phân tích cách thức các hệ thống tư pháp hình sự tại Thái Lan và Việt Nam ứng phó với những trường hợp hiếp dâm và tấn công tình dục phụ nữ. Nhóm nghiên cứu đã rà soát 290 hồ sơ vụ án và phỏng vấn 213 người gồm các quan chức Chính phủ, nhân viên tư pháp, các nhà hoạt động xã hội dân sự và các nhà cung cấp dịch vụ cho những nạn nhân sống sót.

Nghiên cứu tại Việt Nam được thực hiện ở TP Hà Nội và tỉnh Đắk Lắk, qua phỏng vấn người dân và nghiên cứu 121 hồ sơ vụ án của cơ quan công an, VKS và Tòa án cấp quận, huyện.

Theo kết quả nghiên cứu, trên toàn cầu, ở cả nước giàu và nghèo, cứ 3 phụ nữ thì có 1 người bị bạo lực và đe dọa bạo lực. Nghiên cứu của Liên hợp quốc ở 6 nước khu vực châu Á – Thái Bình Dương qua phỏng vấn hơn 10.000 nam giới cho thấy tỷ lệ bạo lực tình dục ở các quốc gia này ở mức độ đáng báo động cao, từ 10%-60% trên các địa bàn nghiên cứu. Đáng nói, phần lớn nam giới thừa nhận hành vi hiếp dâm không phải đối mặt với hậu quả pháp lý và nhiều ngườu thậm chí không cảm thấy có tội!

Lễ công bố kết quả nghiên cứu

Bà Anna Karin Jatfors, Phó Giám đốc khu vực, Văn phòng UN Women khu vực châu Á – Thái Bình Dương cho biết, nghiên cứu chỉ ra nhiều yếu tố chính trong các vụ án hiếp dâm trái ngược hoàn toàn với các quan niệm sai lầm phổ biến về hãm hiếp. Theo quan niệm các vụ hãm hiếp thường do người lạ, gây thương tích và xảy ra ở nơi công cộng.

Nhưng trên thực tế ở Việt Nam 86% nạn nhân được hỏi nói rằng họ biết người bị tình nghi và 76% nạn nhân không có dấu hiệu thương tích rõ rệt. Trong đa số các trường hợp, nạn nhân và nghi phạm quen biết nhau. Đa số các vụ việc không được lưu hồ sơ hoặc tài liệu hóa ghi nhận về thương tích, về thể chất và xảy ra tại những nơi riêng tư.

Đáng quan tâm, nghiên cứu cho biết, một số cán bộ tư pháp ở cả Thái Lan và Việt Nam có quan niệm cố hữu về việc thế nào mới bị coi là nạn nhân hiếp dâm. Ví dụ, nạn nhân phải sợ hãi, bất lực hoặc những phản ứng cảm xúc mạnh mẽ.

Phụ nữ thường bị đổ lỗi vì những lý do khách quan, từ việc họ làm gái mại dâm, đến ăn mặc khiêu khích, đi chơi khuya với đàn ông, thậm chí chỉ là đi xe buýt một mình vào ban đêm.

Qua phân tích hồ sơ vụ án cho thấy, nạn nhân thường phải kể đi kể lại vụ việc nhiều lần, khiến họ cảm thấy bị làm nhục và làm trầm trọng thêm những sang chấn về tâm lý và làm tăng thêm khả năng muốn bỏ cuộc của nạn nhân. Các rào cản này ngăn chặn nạn nhân báo cáo và quyết tâm theo đuổi quá trình tố tụng hình sự. Ở cả hai nước, tình hình bỏ cuộc ở giai đoạn tiếp xúc ban đầu và giai đoạn trình báo là rất cao.

Ông Malhotra, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam cho rằng, bạo lực đối với phụ nữ cản trở sự phát triển chung của con người, và gây ra những hậu quả nghiêm trọng, từ những ảnh hưởng ngắn hạn đến những ảnh hưởng lâu dài về thể chất, sức khỏe tình dục, tâm lý và xã hội - cản trở sự tham gia đầy đủ của phụ nữ và trẻ em vào trong các hoạt động xã hội.

Không chỉ vậy, bạo lực đối với phụ nữ còn để lại hậu quả lớn về kinh tế ở cả các cấp độ, từ cấp độ cá nhân, hộ gia đình đến cộng đồng và xã hội nói chung.

“Chúng ta cần lan tỏa một thông điệp rõ ràng rằng bất kỳ hành động bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái nào cũng là không thể chấp nhận được. Các nhà cung cấp dịch vụ tư pháp có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sự an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái và buộc thủ phạm phải chịu trách nhiệm cho hành động của mình”, ông Malhotra nói.

H.L

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/86-nan-nhan-bi-xam-hai-tinh-duc-biet-ke-tinh-nghi-112474.html