83% người chuyển giới tại Việt Nam bị kỳ thị, phân biệt đối xử

Ngày 2/11 tại TP.HCM đã diễn ra Hội thảo 'Luật chuyển đổi giới tình vì người chuyển giới' do Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến Phát triển cộng đồng (SCDI) thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức.

Người chuyển giới vẫn bị kỳ thị và phân biệt đối xử

Người chuyển giới vẫn bị kỳ thị và phân biệt đối xử

ThS Đinh Thị Thu Thủy, Vụ Pháp chế - Bộ Y tế thừa nhận, tại Việt Nam hiện nay pháp luật mới chỉ công nhận 2 giới tính là nam và nữ, chưa công nhận giới tính thứ 3 và có đến 83% người chuyển giới tại Việt Nam bị kỳ thị, phân biệt đối xử.

Tuy nhiên, mới đây, dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính đã được Bộ Y tế soạn thảo và sẽ trình Quốc hội trong thời gian tới để đưa vào ban hành trong năm 2019 hoặc năm 2020. Đây sẽ là dấu mốc quan trọng đối với phong trào của người chuyển giới, trong đó có những quy định cho phép thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính, tôn trọng và đảm bảo quyền của người chuyển đổi giới tính.

Hiện cả nước có 3 cơ sở được phép thực hiện xác định lại giới tính như điều trị nội tiết, phẫu thuật ngực, phẫu thuật bộ phận sinh dục là Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM. Bên cạnh đó, mới đây một số bệnh viện khác như Bệnh viện Bình Dân TP.HCM cũng đang chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân lực cho việc can thiệp y học để chuyển đổi giới tính.

Dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính cũng nghiêm cấm các hành vi kỳ thị, xúc phạm nhân phẩm, bạo lực đối với người chuyển đổi giới tính; cấm hành vi cản trở, gây khó khăn đối với việc can thiệp y học để chuyển đổi giới tính; cấm lợi dụng người chuyển đổi giới tính để mua bán người, bóc lột sức lao động; bắt buộc người chuyển đổi giới tính phải nghỉ việc, thôi học...

Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến Phát triển cộng đồng cho rằng, Dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính có một số điểm quan trọng chưa nhận được sự đồng thuận của cộng đồng người chuyển giới.

Cụ thể tại điểm 5 Điều 2 Dự thảo quy định: “Can thiệp y học để chuyển đổi giới tính là một hoặc toàn bộ quá trình từ điều trị nội tiết tố sinh dục đến phẫu thuật ngực, phẫu thuật bộ phận sinh dục để thay đổi giới tính khác với giới tính sinh học hoàn thiện”.

Như vậy theo điểm này trong dự thảo, các cá nhân muốn được thừa nhận là người chuyển đổi giới tính bắt buộc phải điều trị nội tiết tố sinh dục và phẫu thuật ngực hoặc bộ phận sinh dục. Điều này khiến rất nhiều người chuyển giới ở Việt Nam có nguy cơ không được hưởng lợi từ Dự thảo Luật này vì họ không có đủ tiền để chuyển giới, một số người không đáp ứng với hormone, bị shock khi tiêm hormone dẫn tới tử vong, hoặc điều kiện sức khỏe không thể sử dụng hormone hay phẫu thuật.

Theo một thống kê dựa trên tỷ lệ dân số, ước tính Việt Nam hiện nay có khoảng từ 300.000 đến 500.000 người chuyển giới. Các rào cản về mặt xã hội, văn hóa và pháp lý đang đặt người chuyển giới trở thành nhóm dễ bị tổn thương: bị bắt nạt tại trường học, bị kỳ thị và phân biệt đối xử ở gia đình và nơi công cộng.

Cơ hội tiếp cận với việc làm và y tế của những người chuyển giới cũng bị giới hạn, đặc biệt đối với những người bộc lộ bản dạng giới và sống đúng với giới tính mình mong muốn. Do đó, các đại biểu cho rằng, chỉ khi có hành lang pháp lý rõ ràng thì những người chuyển đổi giới tính mới có cơ hội sống bình đẳng, có quyền kết hôn và quyền được hưởng hạnh phúc trong một xã hội mà họ được công nhận

An Nhiên

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/83-nguoi-chuyen-gioi-tai-viet-nam-bi-ky-thi-phan-biet-doi-xu-post280685.info