82% nhân lực công nghệ thông tin có ý định khởi nghiệp

Theo báo cáo 'Nhân lực Công nghệ trước làn sóng công nghệ mới: Trí tuệ nhân tạo (AI) và Chuỗi khối (Blockchain)' của Navigos Group, 82% nhân lực ngành Công nghệ thông tin (IT) có ý định khởi nghiệp và ½ sẽ cân nhắc dịch chuyển nếu có cơ hội.

82% nhân lực công nghệ thông tin có ý định khởi nghiệp (Ảnh minh họa) - Nguồn: NDH.VN

Khảo sát được thực hiện từ tháng 7.2018 dựa trên ý kiến của 1.100 ứng viên hiện đang làm việc trong ngành nghề Công nghê thông tin/Công nghê cao (gọi chung là lĩnh vực Công nghệ), thuộc cơ sở dữ liệu của VietnamWorks. Theo đó, có đến 82% nhân lực IT tham gia khảo sát có ý định khởi nghiệp trong tương lai, trong đó 41% ứng viên cho biết đã từng khởi nghiệp ít nhất 1 lần, 58% cho biết họ chưa bao giờ từng khởi nghiệp. Top 3 những lĩnh vực được họ lựa chọn khởi nghiệp nhiều nhất là: Phát triển trí tuệ nhân tạo; Sản phẩm liên quan đến tự động hóa và Phát triển sản phẩm ứng dụng công nghệ chuỗi khối.

Bên cạnh đó, có ½ ứng viên tham gia khảo sát cho biết nếu có đề nghị làm việc tại nước ngoài tại các công ty khởi nghiệp sáng tạo ứng dụng các công nghệ mới như AI hay blockchain thì họ sẽ quyết định dịch chuyển. Trong số đó, 25% cho biết sẽ sang nước ngoài làm việc vài năm và trở về Việt Nam, có 22% sẽ cân nhắc giữa việc đi và ở.

Bên cạnh đó, nhân sự công nghệ có xu hướng muốn trở thành Chuyên gia hơn làm Quản lý. Theo đó, các kiến thức và kỹ năng chuyên môn được nhân lực công nghệ quan tâm hơn nhiều so với các kỹ năng mềm hay kỹ năng lãnh đạo. Tuy nhiên, việc cập nhật cũng như học hỏi những kiến thức hay kỹ năng mới này còn gặp phải những rào cản nhất định. Theo đó, các ứng viên tham gia khảo sát cho biết, top 3 những rào cản lớn nhất là: Không có cơ hội thực hành thực tế sau khi học; Không có trường lớp đào tạo chuyên nghiệp; Phải học từ những trang thông tin nước ngoài, tuy nhiên khả năng tiếng Anh của ứng viên chưa đủ tốt.

Ông Gaku Echizenya, CEO của Navigos Group cho biết: “Doanh nghiệp nước ngoài được đánh giá là ứng dụng rất nhạy bén những công nghệ mới, chính vì vậy doanh nghiệp Việt Nam cần tăng tốc hơn trong cuộc chạy đua công nghệ. Bên cạnh đó, cần mở ra nhiều hơn các sân chơi dành cho cộng đồng công nghệ để trao đổi, học hỏi, thực hành những công nghệ mới. Trước nguy cơ chảy máu chất xám trong lĩnh vực công nghệ, doanh nghiệp cần chú trọng chính sách giữ chân nhân tài, tạo điều kiện để phát triển sản phẩm tiên phong sáng tạo, mở ra cơ hội được tiếp xúc công nghệ mới cho đội ngũ nhân viên”.

Nguồn Lao Động: https://laodongtre.laodong.vn/dao-tao/82-nhan-luc-cong-nghe-thong-tin-co-y-dinh-khoi-nghiep-627914.ldo