80.000 tấn gạo sang EU: Không chủ động chào hàng, doanh nghiệp sẽ đánh mất cơ hội

Với hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm EU dành cho, nước ta không phân bổ hạn ngạch mà sẽ do phía EU phân bổ cho các doanh nghiệp nhập khẩu bên EU. Do đó, doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam cần chủ động liên hệ phía EU để giao dịch, chào bán cho họ.

Để xuất khẩu gạo sang EU phải có giấy chứng nhận xuất xứ kèm theo các giấy kiểm dịch. Ảnh: TL

Để xuất khẩu gạo sang EU phải có giấy chứng nhận xuất xứ kèm theo các giấy kiểm dịch. Ảnh: TL

Cần chủ động giao dịch, chào bán

Theo cam kết trong Hiệp định EVFTA, EU sẽ dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo mỗi năm với mức thuế suất 0% đối với gạo xay xát và gạo thơm. Đồng thời, thị trường này cũng xóa bỏ thuế đối với tấm trong 5 năm. Các chuyên gia kinh tế đánh giá, cam kết này là cơ hội "vàng" để gia tăng kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường châu Âu cũng như các thị trường lân cận.

Hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm bao gồm 30.000 tấn gạo xay xát; 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm và tự do hóa hoàn với gạo tấm. Sau 3 - 5 năm, thuế suất cho các sản phẩm từ gạo sẽ về 0%.

Chia sẻ với phóng viên, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, trong thời gian qua, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam sang EU khá khiêm tốn. Năm 2019, nước ta xuất khẩu khoảng 20.000 tấn, trị giá đạt 10,7 triệu USD sang thị trường này. Trong khi đó, mức tiêu thụ gạo trung bình của EU trong khoảng 2,5 triệu tấn/năm.

Đáng chú ý, Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu cho biết, với hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm EU dành cho, nước ta không phân bổ hạn ngạch mà sẽ do phía EU phân bổ cho các doanh nghiệp nhập khẩu bên EU.

Do vậy, doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam cần tìm, liên hệ doanh nghiệp EU nào được nhập khẩu gạo có hạn ngạch để giao dịch, chào bán cho họ. "Nếu doanh nghiệp không đăng ký để lọt vào hạn ngạch này thì sẽ vẫn phải chịu thuế nhập khẩu 175 Euro/tấn gạo vào châu Âu và với mức thuế suất khá cao này, gạo Việt sẽ giảm sức cạnh tranh so với các đối thủ" - ông Hải khẳng định.

Đơn cử, doanh nghiệp muốn xuất khẩu gạo vào Pháp sẽ phải xin giấy phép nhập khẩu tại cơ quan có thẩm quyền của nước này và phải nộp một số tiền bảo đảm 30 Euro/tấn gạo. Số tiền đặt cọc này sẽ được phía Pháp hoàn lại khi có chứng từ xác nhận thương vụ hoàn tất, gạo đã nhập kho của bên nhập khẩu.

Được biết, dữ liệu từ tất cả 27 quốc gia châu Âu sẽ dồn về Tòa nhà Tổng cục Thuế và Hải quan thuộc Ủy ban châu Âu. Nếu số lượng đăng ký vượt quá hạn ngạch thuế quan cho từng giai đoạn, hai đơn vị này sẽ xác định một hệ số phân bổ theo cơ chế đăng ký trước được cấp hạn ngạch trước.

Không nỗ lực sẽ bị đào thải khỏi EU

Theo các chuyên gia, gạo Việt muốn được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu vào EU phải tuân thủ quy định của Ủy ban châu Âu về việc mở và tiếp nhận hạn ngạch thuế quan cho gạo có xuất xứ từ Việt Nam.

Điều đó có nghĩa là để xuất khẩu gạo sang EU phải có giấy chứng nhận xuất xứ hoặc là tự chứng nhận xuất xứ của Việt Nam, đăng ký của Việt Nam, sau đó phải có kèm theo các giấy kiểm dịch.

Bên cạnh đó, thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu cũng cho biết, đối với gạo thơm, thị trường châu Âu yêu cầu phải có thêm xác nhận của nước ta. Do đó, quy trình xuất khẩu mặt hàng này sẽ phát sinh thêm một thủ tục hành chính. Trong khi đó, thủ tục hành chính thì phải quy định ở mức nghị định. Được biết, hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang gấp rút hoàn thiện để trình Chính phủ ban hành nghị định này.

"Thị trường châu Âu có yêu cầu cao bậc nhất thế giới về hàng nhập khẩu, nhất là lương thực, thực phẩm nên thách thức đối với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo nước ta để bước chân vào thị trường này là rất lớn. Sản phẩm gạo buộc phải đáp ứng các vấn đề an toàn thực phẩm, nguồn gốc, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường,…" - đại diện Cục Xuất nhập khẩu phân tích.

Ngoài ra, theo thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu, xuất khẩu gạo của Việt Nam thời gian qua đã tăng 5,1% về khối lượng và tăng 18,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Nhiều chuyên gia nhận định, xuất khẩu gạo Việt Nam đang trên đà vượt mặt Thái Lan. Minh chứng, trong 5 tháng đầu năm, Thái Lan chỉ xuất khẩu 2,57 triệu tấn gạo, trong khi nước ta đạt gần 2,9 triệu tấn. Điều đó có nghĩa là, Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 2, chỉ sau Ấn Độ về khối lượng gạo xuất khẩu.

Song đáng nói là tuy Thái Lan xuất khẩu ít gạo hơn, nhưng giá trị kinh tế thu về lại nhiều hơn với hơn 1,7 tỷ USD so với 1,41 tỷ USD của Việt Nam. Điều đó cho thấy, chất lượng gạo của nước ta vẫn còn chưa cao, sức cạnh tranh còn thấp so với đối thủ.

Do đó, các doanh nghiệp cần nâng cao năng lực sản xuất nội tại, cải thiện chất lượng gạo, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng để nắm bắt thời cơ từ EVFTA, chinh phục thành công thị trường EU./.

Tố Uyên

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/kinh-doanh/2020-08-05/80000-tan-gao-sang-eu-khong-chu-dong-chao-hang-doanh-nghiep-se-danh-mat-co-hoi-90543.aspx