8 thiết bị công nghệ giúp bạn sinh tồn khi đi phượt

Những thiết bị công nghệ này đều khá gọn nhẹ nhưng lại giúp ít rất nhiều cho một chuyến treking đường dài.

Những thiết bị dưới đây sẽ là người bạn đồng hành vô cùng hữu dụng đối với các phượt thủ:

1. GPS Tracklog

Tracklog là thiết bị sử dụng định vị GPS từ vệ tinh để xác định vị trí theo tọa độ địa lý. Thiết bị này sẽ ghi nhận tọa độ, thời gian những điểm bạn từng đi qua, trong trường hợp lạc hướng, bạn vẫn có thể quay lại vị trí ban đầu.

Ngoài ra các cung đường treking thường sẽ có nhiều hội nhóm đi trước, đánh dấu sẵn các cột mốc, bản đồ và lưu dạng file có đuôi GPX. Bạn chỉ việc xem đánh giá các cung đường trên, lựa chọn file bản đồ chuẩn nhất để tải vào thiết bị tracklog của mình.

Thiết bị GPS sẽ trả lời câu hỏi "đây là đâu?" giúp bạn khi đi treking. Ảnh: BestATV.

Tốt nhất hãy lưu lại tọa độ các khu dân cư, nguồn nước hay những nơi bị cảnh báo nguy hiểm xung quanh khu vực bạn treking, nếu không may bị lạc bạn có thể đến hoặc tránh những địa điểm đã chọn.

Lưu ý, bạn cần học cách kiểm soát tốt nhất thiết bị GPS của mình, cố gắng sử dụng thành thạo tất cả các tính năng của nó. Ngoài ra phải đảm bảo pin thiết bị đã được sạc đầy trước khi bắt đầu hành trình.

2. Điện thoại siêu bền

Một số dòng điện thoại siêu bền ngày nay được thiết kế phục vụ nhu cầu khá phá của người dùng. Vẻ ngoài của các model này khá hầm hố để phòng chống va đập chống nước. Bên cạnh đó, thời lượng pin của dòng smartphone này cũng khá ấn tượng, thường trên 4 ngày, đủ để người dùng có một chuyến đi treking trên 80 km.

Có vẻ ngoài hầm hố, những chiếc điện thoại này chỉ được dùng trong những điều kiện sinh tồn khắc nghiệt. Ảnh: Amazon.

Ngoài phần cứng, điện thoại dành cho phượt thủ cũng trang bị các công nghệ như cảm biến nhiệt độ, đếm bước chân, độ cao, độ ẩm, áp suất, la bàn và GPS... Một số model còn có đèn LED nhỏ phục vụ nhu cầu chiếu sáng.

3. Pin dự phòng

Để sử dụng các thiết bị công nghệ, năng lượng là yếu tố tiên quyết. Một cục pin dự phòng 20.000 mAh có thể đáp ứng hầu hết nhu cầu cơ bản như sạc đồng hồ, điện thoại cho bạn trong vòng 2-3 ngày.

Ngoài ra nếu trang bị thêm các thanh đèn LED, cục pin dự phòng của bạn có thể phục vụ cả nhu cầu chiếu sáng. Trải nghiệm thực tế với 5.000 mAh, thanh đèn LED có thể hoạt động 24 tiếng liên tục.

Kết hợp tấm sạc năng lượng mặt trời cùng một pin dự phòng cỡ 10.000 mAh, phượt thủ sẽ quên ngay nỗi lo hết năng lượng. Ảnh: Amazon.

Nếu chuyến đi kéo dài quá nhiều ngày, tấm sạc năng lượng mặt trời có thể là thứ bạn sẽ cần để liên tục duy trì năng lượng. Tuy nhiên tấm sạc này không có khả năng lưu trữ điện vì vậy bạn cần kết hợp với pin dự phòng để sử dụng.

4. Đèn pin

Từ 6 giờ chiều, các đoàn treking thường hạn chế di chuyển ở khu vực nguy hiểm vì thiếu ánh sáng. Nhưng kể cả khi dừng lại, nhu cầu chiếu sáng vẫn rất cần thiết. Ngoài việc đốt lửa, đèn pin là vật dụng không thể thiếu.

Đèn pin là vật dụng sinh tồn phải có khi đi treking. Ảnh: Amazon.

Có nhiều loại đèn pin từ loại sử dụng pin một lần, pin sạc đến loại dùng năng lượng mặt trời. Tuy nhiên dân treking thường chọn đèn dùng pin sạc có thể tháo rời, có kết cấu đơn giản, dễ sửa chữa thay thế.

Khi sử dụng đèn pin ngoài trời đêm, cần tránh đèn bị ướt do sương gây ảnh hưởng đến khả năng hoạt động. Cần chuẩn bị trên hai đèn, một loại cầm tay lớn và một đèn nhỏ đeo đầu. Nếu di chuyển trong thời gian kéo dài cần có kế hoạch chuẩn bị, sử dụng đèn hiệu quả, tránh cạn kiệt pin.

5. Ứng dụng bản đồ offline

Các smartphone ngày nay đều có khả năng định vị GPS khá tốt với sai số dưới 10 mét. Nếu treking trên những cung đường không quá nguy hiểm, việc sử dụng điện thoại để tải lộ trình khá khả thi. Maps.Me là ứng dụng bản đồ offline đáng dùng trong trường hợp này.

Maps.me là ứng dụng bản đồ offline chi tiết nhất hiện nay.

Người dùng chỉ cần tải trước bản đồ quốc gia mà mình sẽ đến trong lần đầu sử dụng. Ứng dụng khá trực quan, đơn giản, bao gồm cả chế độ đêm để giảm độ sáng màn hình.

Tuy nhiên việc sử dụng smartphone để theo dõi lộ trình khá tốn pin, người dùng nên lưu ý chuẩn bị năng lượng trước hành trình.

6. Đồng hồ thông minh

Nếu việc vừa đi vừa cầm điện thoại để xem lộ trình khiến bạn khó chịu thì smartwatch là giải pháp thay thế. Đa phần đồng hồ thông minh sẽ kết nối với di động để định vị được.

Đồng hồ thể thao thông minh là thiết bị tiện lợi nhất để theo dõi thông tin của cả hành trình. Ảnh: Getty.

Tuy nhiên một số loại khác có khả năng hoạt động độc lập với cảm biến nhịp tim, GPS, tracklog, cảm biến độ cao, áp suất, nhiệt độ... cùng thời lượng pin ấn tượng.

7. Bộ đàm

Trong một đoàn treking, mọi người thường di chuyển thành hàng một với người trưởng đoàn đi đầu. Nếu đoàn quá dài, việc liên lạc giữa các thành viên khá khó khăn. Lúc này bộ đàm phát huy tác dụng của nó, giữ liên lạc cho cả đội. Nếu chi phí cho chuyến đi khá hạn hẹp, người dùng có thể thuê bộ đàm thay vì mua.

Bộ đàm là thiết bị đáng để các phượt thủ đầu tư với mức giá khá dễ chịu.

Nếu số thành viên trên 10 người có thể chia thành các tổ nhỏ. Mỗi tổ có từ 2-4 thành viên, tổ trưởng sẽ giữ bộ đàm nhằm liên lạc tốt với toàn đội. Bộ đàm dùng để truyền đạt các thông tin như điểm danh, đi, dừng, đi nhanh, đi chậm...

8. Camera hành trình

Đây không thực sự là thiết bị hỗ trợ sinh tồn cho bạn. Tuy nhiên trong trường hợp bạn bị lạc, việc bỏ lại một thứ gì đó cho đồng đội lần tìm là rất quan trọng. Lúc đó camera hành trình có lẽ là thứ chứa được nhiều thông tin về bạn nhất để đồng đội có thể tìm ra.

Xuân Tiến

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/8-thiet-bi-cong-nghe-giup-ban-sinh-ton-khi-di-phuot-post844531.html