8 tháng đầu năm, xuất khẩu nông lâm thủy sản tăng gần 14% so với cùng kỳ

Theo báo cáo từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng 8 năm 2017 ước đạt 3,1 tỷ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu 8 tháng đầu năm 2017 đạt 23,66 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2016.

Ảnh minh họa.

Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 12,6 tỷ USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm 2016; Giá trị xuất khẩu thủy sản ước đạt 5,13 tỷ USD, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm 2016; Giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản chính ước đạt 5,07 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2016.

Cụ thể, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 8 năm 2017 ước đạt 504 nghìn tấn với giá trị đạt 220 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo 8 tháng đầu năm 2017 ước đạt 3,96 triệu tấn và 1,75 tỷ USD, tăng 19,8% về khối lượng và tăng 17,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.

Giá gạo xuất khẩu bình quân 7 tháng năm 2017 đạt 441,4 USD/tấn, giảm 2% so với cùng kỳ năm 2016. Trung Quốc vẫn tiếp tục đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2017 với 40,9% thị phần. Xuất khẩu gạo sang thị trường này trong 7 tháng đầu năm 2017 đạt 1,38 triệu tấn và 623 triệu USD, tăng 32,7% về khối lượng và tăng 31,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Malaysia là thị trường nhập khẩu gạo lớn thứ hai của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2017 với 7,3% thị phần. Xuất khẩu gạo sang thị trường này trong 7 tháng đầu năm 2017 đạt 288,7 nghìn tấn và 110,85 triệu USD, tăng gấp 2,08 lần về khối lượng và tăng 78,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Bảy tháng đầu năm 2017, các thị trường có giá trị xuất khẩu gạo giảm mạnh là Hồng Kông (-44,5%) và Gana (-29,2%).

Xuất khẩu cà phê tháng 8 năm 2017 ước đạt 88 nghìn tấn với giá trị đạt 210 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu cà phê 8 tháng đầu năm 2017 ước đạt 1,02 triệu tấn và 2,33 tỷ USD, giảm 19,9% về khối lượng nhưng tăng 3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Giá cà phê xuất khẩu bình quân 7 tháng đầu năm 2017 đạt 2.273,2 USD/tấn, tăng 29,6% so với cùng kỳ năm 2016. Đức và Hoa Kỳ tiếp tục là hai thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2017 với thị phần lần lượt là 15,4% và 13,9%. Các thị trường có giá trị xuất khẩu cà phê trong 7 tháng đầu năm 2017 tăng mạnh là: Hàn Quốc (70,3%), Bỉ (29,8%), Hoa Kỳ (20%), Italia (16,7%), Angieri (13,1%) và Đức (10,2%).

Ước tính khối lượng xuất khẩu cao su tháng 8 năm 2017 đạt 160 nghìn tấn với giá trị đạt 243 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu cao su 8 tháng đầu năm 2017 ước đạt 795 nghìn tấn và 1,36 tỷ USD, tăng 11,2% về khối lượng và tăng 52% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Giá cao su xuất khẩu bình quân 7 tháng đầu năm 2017 đạt 1.765,2 USD/tấn, tăng 41,2% so với cùng kỳ năm 2016. Trung Quốc, Malaysia và Hàn Quốc là 3 thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2017, chiếm thị phần lần lượt 61,6%, 5,5% và 4,4%. Giá trị xuất khẩu cao su sang 3 thị trường này lần lượt là: 690,8 triệu USD (+76,3%), 61,3 triệu USD (+18,4%) và 49,2 triệu USD (+92,6%) so với cùng kỳ năm 2016.

Khối lượng xuất khẩu chè tháng 8 năm 2017 ước đạt 13 nghìn tấn với giá trị đạt 22 triệu USD, đưa khối lượng xuât khẩu chè 8 tháng đầu năm 2017 ước đạt 90 nghìn tấn và 142 triệu USD, tăng 12% về khối lượng và tăng 11,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Giá chè xuất khẩu bình quân 7 tháng đầu năm 2017 đạt 1.569,5 USD/tấn, giảm 1,5% so với cùng kỳ năm 2016. Trong 7 tháng đầu năm 2017, khối lượng chè xuất khẩu sang Pakistan – thị trường lớn nhất của Việt Nam với 26,2% thị phần – giảm 17,8% về khối lượng và giảm 15,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Các thị trường có giá trị xuất khẩu chè trong 7 tháng đầu năm 2017 tăng mạnh là Ấn Độ (gấp 6,66 lần), Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (gấp 3,12 lần), Đài Loan (+61,2%) và Ả Rập XêÚt (+15,4%).

Khối lượng hạt điều xuất khẩu tháng 8 năm 2017 ước đạt 35 nghìn tấn với giá trị 351 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu hạt điều 8 tháng đầu năm 2017 ước đạt 223 nghìn tấn và 2,2 tỷ USD, giảm 1,1% về khối lượng nhưng tăng 24,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Giá hạt điều xuất khẩu bình quân 7 tháng đầu năm 2017 đạt 9.842,5 USD/tấn, tăng 27,2% so với cùng kỳ năm 2016. Hoa Kỳ, Hà Lan và Trung Quốc vẫn duy trì là 3 thị trường nhập khẩu điều lớn nhất của Việt Nam chiếm thị phần lần lượt là 36,7%, 15,6% và 11,7% tổng giá trị xuất khẩu hạt điều. Bảy tháng đầu năm 2017, các thị trường có giá trị xuất khẩu hạt điều tăng mạnh là Nga (67,1%), Hà Lan (44,9%), Hoa Kỳ (38,2%), Israen (30%), Anh (22,1%), Thái Lan (17,9%), Úc (17%) và Trung Quốc (12,3%).

Khối lượng tiêu xuất khẩu tháng 8 năm 2017 ước đạt 18 nghìn tấn, với giá trị đạt 79 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu tiêu 8 tháng đầu năm 2017 ước đạt 165 nghìn tấn và 889 triệu USD, tăng 21,6% về khối lượng nhưng giảm 19,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Giá tiêu xuất khẩu bình quân 7 tháng đầu năm 2017 đạt 5.490,8 USD/tấn, giảm 32,4% so với cùng kỳ năm 2016. Các thị trường xuất khẩu tiêu lớn nhất của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2017 là Hoa Kỳ, Ấn Độ, Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, Pakistan và Đức với 38,9% thị phần.

Ước giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ tháng 8 năm 2017 đạt 583 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 8 tháng đầu năm 2017 ước đạt 4,84 tỷ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2016. Hoa Kỳ, Trung Quốc, và Nhật Bản - 3 thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2017 - chiếm 70,3% tổng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ. Các thị trường có giá trị xuất khẩu gỗ tăng mạnh là Hoa Kỳ (18,9%), Trung Quốc (17,7%), Canada (16,4%), (Đức 11,1%) và Hàn Quốc (8,6%).

Giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 8 năm 2017 ước đạt 749 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu thủy sản 8 tháng đầu năm 2017 ước đạt 5,13 tỷ USD, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm 2016. Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2017, chiếm 55,6% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Trong 7 tháng đầu năm 2017, các thị trường có giá trị xuất khẩu thủy sản tăng mạnh là Trung Quốc (57,2%), Nhật Bản (30,8%), Anh (30,1%), Hàn Quốc (28,8%), Hà Lan (25,3%) và Canada (20,7%).

Giá trị xuất khẩu hàng rau quả tháng 8 năm 2017 ước đạt 296 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu hàng rau quả 8 tháng đầu năm 2017 ước đạt 2,32 tỷ USD, tăng 46,5% so với cùng kỳ năm 2016. Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của hàng rau quả Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2017, chiếm 85,1% tổng giá trị xuất khẩu hàng rau quả. Trong 7 tháng đầu năm 2017, các thị trường có giá trị xuất khẩu hàng rau quả tăng mạnh là Nhật Bản (61,7%), Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (61,4%), Trung Quốc (61,3%), Nga (49,4%), Hoa Kỳ (26,7%), Đài Loan (19,2%) và Hà Lan (12,9%).

Khối lượng xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn trong tháng 8 năm 2017 ước đạt 273 nghìn tấn với giá trị đạt 69 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn 8 tháng đầu năm 2017 ước đạt 2,58 triệu tấn và 641 triệu USD, giảm 0,2% về khối lượng và giảm 7,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Trong 7 tháng đầu năm 2016, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu chính, chiếm tới 86% thị phần, tăng 0,3% về khối lượng nhưng giảm 6,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Trong 7 tháng đầu năm 2017, thị trường Nhật Bản có giá trị nhập khẩu sắn và các sản phẩm sắn của Việt Nam giảm mạnh (-39,6%).

HẠ AN

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/hang-hoa/8-thang-dau-nam-xuat-khau-nong-lam-thuy-san-tang-gan-14-so-voi-cung-ky-3126799.html