8 tháng đầu năm, kinh tế Vĩnh Phúc ghi nhận mức tăng trưởng khá

Tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015- 2020, đề ra mục tiêu đến năm 2020 toàn tỉnh Vĩnh Phúc sẽ có 10 nghìn doanh nghiệp (DN) đăng ký hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Các công ty dệt may tại Vĩnh Phúc đã tạo công ăn việc làm cho rất nhiều lao động địa phương. Ảnh: Nguồn Internet

Các công ty dệt may tại Vĩnh Phúc đã tạo công ăn việc làm cho rất nhiều lao động địa phương. Ảnh: Nguồn Internet

Xác định đây là nhiệm vụ vô cùng quan trọng, Vĩnh Phúc đã triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ DN phát triển; tổ chức hàng chục hội nghị xúc tiến đầu tư trong nước; tổ chức các đoàn xúc tiến đầu tư tại nước ngoài hướng đến các thị trường uy tín, chất lượng, giàu tiềm năng.

Đối với tỉnh Vĩnh Phúc, năm 2019 là năm có vai trò vô cùng quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu trong giai đoạn 2015 - 2020. Cùng với sự lãnh, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự vào cuộc của các sở, ngành, địa phương và nhân dân, 8 tháng đầu năm 2019, nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã vượt chỉ tiêu, kế hoạch đề ra.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho thấy, hơn nửa đầu năm 2019, kinh tế Vĩnh Phúc đã ghi nhận mức tăng kỷ lục từ năm 2015 đến nay, tốc độ tăng tổng sản phẩm GRDP đạt khá cao.

Một số nhiệm vụ trọng tâm công tác của UBND tỉnh Vĩnh Phúc trong tháng 8/2019

- Triển khai thực hiện Nghị quyết số 01 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

- Tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021; giải quyết các vướng mắc, tháo gỡ khó khăn cho DN.

- Hoàn thiện quy hoạch chung Đô thị Vĩnh Phúc, quy hoạch giao thông kết nối các khu, cụm công nghiệp, khu du lịch để đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương.

- Sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 33 của Ban Chấp hành TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cấu phát triển bền vững đất nước.

Tính đến tháng 7/2019, Vĩnh Phúc có trên 10.300 DN, trong đó chủ yếu là DN nhỏ và vừa. Hầu hết các DN trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã từng bước vượt qua khó khăn, khẳng định chỗ đứng trên thị trường, góp phần làm đổi thay cơ cấu kinh tế, tăng thu cho ngân sách Nhà nước, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng trăm nghìn lao động.

Riêng chỉ số tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc trong tháng 7 cũng tăng 0,55% so với tháng 6, tặng 1,05% so với cũng tháng năm trước. Tình hình kinh doanh thương mại và dịch vụ trên địa bàn hiện diễn ra cũng khá sôi động. Hệ thống siêu thị Vinmart khai trương đi vào hoạt động đã đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân về các loại thực phẩm sạch, sản phẩm có uy tín và chất lượng.

Cùng với hoạt động xúc tiến đầu tư ở nước ngoài, tỉnh Vĩnh Phúc luôn chú trọng thực hiện xúc tiến đầu tư tại chỗ, coi đây là một trong những kênh quan trọng lan tỏa hình ảnh Vĩnh Phúc thân thiện, an toàn, điểm đến thành công với các nhà đầu tư, thông qua nhiều hoạt động như: Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đến chân hàng rào các khu công nghiệp, tạo quỹ đất sạch, cung cấp nguồn lao động tay nghề cao.

Giảm thời gian cấp quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư so với quy định của Luật Đầu tư; giảm thời gian cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh từ 5 ngày xuống còn 3 ngày làm việc; trả ngay hồ sơ trong ngày đối với một số trường hợp thay đổi nội dung đăng ký DN khi có đủ hồ sơ hợp lệ; minh bạch cơ chế, chính sách, quy hoạch và thủ tục hành chính trên các phương tiện thông tin đại chúng… Đó chính là chiến lược đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục liên quan đến DN.

Tính chung 7 tháng đầu năm, sản xuất công nghiệp tăng 9,33% so với cùng kỳ năm trước, hiện sản xuất công nghiệp trên địa bàn đang duy trì mức tăng hai con số, đến tháng 6 đạt 7,8% so với cùng kỳ, so với tháng 6 thì sản xuất công nghiệp tháng 7 tăng 1,84%. Ngành sản xuất ô tô, xe máy vẫn còn gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ, trong khi ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất là ngành sản xuất linh kiện điện tử đang có tốc độ tăng trưởng chậm lại.

Kết quả trên phản ánh những nỗ lực và quyết tâm của tỉnh trong việc thực hiện phương châm hành động “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá và hiệu quả” trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong năm 2019. Phương châm ấy đã được tỉnh cụ thể hóa vào điều kiện thực tế ở Vĩnh Phúc bằng rất nhiều giải pháp căn cơ, hiệu quả.

Trong đó, tập trung xây dựng kịch bản tăng trưởng cho từng quý; tổ chức tốt các chương trình xúc tiến đầu tư, chú trọng đến xúc tiến đầu tư tại chỗ; cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao chất lượng thu hút đầu tư vào tỉnh.

Thành phố Vĩnh Yên là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Baovinhphuc.com.vn

Đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho người dân và DN. Thường xuyên theo dõi sát hoạt động của các DN để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ DN phát triển.

Rà soát, ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân phát triển sản xuất nông nghiệp. Đẩy mạnh các chương trình xúc tiến thương mại, du lịch. Khuyến khích, hỗ trợ các DN nâng cao chất lượng dịch vụ, duy trì thị trường truyền thống, đồng thời liên kết, tìm kiếm thị trường tiêu thụ mới, đẩy mạnh xuất khẩu…

Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, tỉnh tiếp tục triển khai các giải pháp và bước đi phù hợp, đưa kinh tế Vĩnh Phúc vươn tới những mục tiêu mới, cao hơn, xa hơn.

Luôn đồng hành chia sẻ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho DN trong quá trình tìm hiểu môi trường đầu tư cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Duy trì đối thoại gặp gỡ giữa lãnh đạo tỉnh với DN vào chiều thứ 6 hằng tuần để kịp thời lắng nghe và giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho DN cũng là một trong những nỗ lực để đưa Vĩnh Phúc trở thành điểm đến của các nhà đầu tư.

Thanh Thanh

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/xa-hoi/doi-song/8-thang-dau-nam-kinh-te-vinh-phuc-ghi-nhan-muc-tang-truong-kha_t114c1159n153388