8 nhiệm vụ, giải pháp và 3 đột phá để Đông Nam Bộ phát triển bậc nhất Đông Nam Á

Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TW và Kết luận số 27 của Bộ Chính trị

Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa-Vũng Tàu Phạm Viết Thanh trình bày tham luận tại hội nghị.

Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa-Vũng Tàu Phạm Viết Thanh trình bày tham luận tại hội nghị.

Sáng 9/7, Chính phủ đã tổ chức hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TW ngày 29/8/2005 và Kết luận số 27-KL/TW, ngày 02/8/2012 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ và vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Thành ủy TP. Hồ Chí Minh.

Tại hội nghị, ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã phát biểu tham luận. Báo Bà Rịa-Vũng Tàu Điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn nội dung bài tham luận này, dưới đây:

(*) Tựa đề do tòa soạn đặt

Sau 17 năm thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TW vai trò của vùng Đông Nam Bộ và kinh tế trọng điểm phía Nam càng thể hiện rõ nét, là vùng đứng đầu cả nước về quy mô GRDP và thu ngân sách nhà nước. Là thị trường lớn với dân số hơn 21 triệu người. Vùng còn là trung tâm công nghiệp, cảng biển và logistics lớn nhất của cả nước, hàng năm đảm nhận 45% tổng khối lượng hàng hóa và hơn 60% khối lượng hàng container thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam.

Trình độ phát triển kinh tế của vùng Đông Nam Bộ đang có sự thay đổi tích cực ở hầu hết các ngành, các lĩnh vực, cụ thể như công nghiệp công nghệ cao, đô thị, du lịch, viễn thông, tài chính, ngân hàng; nghiên cứu, ứng dụng và triển khai, đào tạo nhân lực, với tứ giác động lực TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa-Vũng Tàu, cùng sự năng động kinh tế và vai trò ngày càng cao của Long An, Tiền Giang, Bình Phước và Tây Ninh.

Tuy nhiên, thời gian gần đây tốc độ phát triển của các địa phương trong vùng đã có dấu hiệu chậm lại, nguyên nhân chủ yếu là do sự quá tải của hệ thống kết cấu hạ tầng, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông kết nối vùng. Và nhiều nguyên nhân khác như chiếc áo thể chế quá chật hoặc không được thiết kế phù hợp với yêu cầu phát triển của vùng.

Cần ưu tiên hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối để khai thác lợi thế cụm cảng nước sâu Cái Mép-Thị Vải. Trong ảnh: Tàu vào làm hàng tại Cảng CMIT.

Mặc dù là khu vực chủ lực về sản xuất công nghiệp và xuất khẩu hàng hóa, nhưng vùng Đông Nam Bộ vẫn chưa hình thành được các trung tâm logistics, cảng cạn quy mô lớn có vai trò trung chuyển hàng hóa đa phương thức của vùng; thiếu hẳn một tuyến đường sắt quốc gia nối từ các trung tâm công nghiệp ở Bình Dương, Đồng Nai xuống cụm cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải.

Việc phối hợp giữa các địa phương trong vùng, nếu có, chỉ là sự hợp tác liên kết phát triển riêng rẽ giữa các địa phương, thiếu sự kết nối tổng thể của Vùng về chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng.

Từ đó vai trò dẫn dắt tăng trưởng của vùng đang suy giảm so với chính mình và so với các vùng khác. Mặt khác, qua đánh giá kết quả liên kết Vùng vẫn còn khiêm tốn, hai yếu tố quan trọng dẫn đến kết quả không như mục tiêu Nghị quyết đề ra là: Hội đồng Vùng thiếu thẩm quyền quyết định và thiếu nguồn lực để thực hiện.

Chúng ta đang đứng trước xu hướng chuyển dịch của các ngành công nghiệp và chuỗi cung ứng toàn cầu đang tạo ra cơ hội rất lớn cho Việt Nam nói chung và vùng Đông Nam Bộ nói riêng trong việc thu hút các dòng vốn quốc tế. Nếu không có sự liên kết và hợp tác trong chiến lược phát triển công nghiệp và thu hút đầu tư, việc cạnh tranh nội vùng sẽ có nguy cơ làm lãng phí nguồn lực tài nguyên, đất đai và giảm tính hấp dẫn của từng địa phương nói riêng và cả vùng Đông Nam Bộ nói chung.

Thêm vào đó, xu hướng hình thành các vùng kinh tế động lực mở rộng xung quanh các đô thị lớn đang diễn ra mạnh mẽ trong khu vực và trên thế giới. Trong khu vực Đông Nam Á, Thái Lan đã thành lập Hành lang kinh tế phía Đông (Eastern Economic Corridor), bao gồm ba khu vực - Chonburi, Rayong và Chachoengsao - khu kinh tế này trải dài 200 km về phía nam và phía đông của Bangkok. Một sáng kiến với sứ mệnh phát triển các tỉnh phía đông thành một khu kinh tế hàng đầu ASEAN. Điều này đòi hỏi Việt Nam cần tập trung đầu tư hạ tầng kết nối vùng Đông Nam Bộ, để trở thành một cực tăng trưởng đối trọng với Hành lang kinh tế phía Đông của Thái Lan và các khu kinh tế khác ở châu Á.

Vì vậy, cần tiếp tục phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông kết nối vùng, giải quyết điểm nghẽn phát triển vùng, cần phải tiếp tục ưu tiên đầu tư các tuyến giao thông kết nối cảng biển nước sâu, cảng hàng không quốc tế, khu đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp trong toàn vùng.

Việt Nam cần tập trung đầu tư hạ tầng kết nối vùng Đông Nam Bộ. Trong ảnh: Quốc lộ 51 đã quá chật chội, thường xuyên kẹt xe.

Các công trình kết nối vùng Đông Nam Bộ vừa đòi hỏi huy động lượng vốn đầu tư rất lớn, cần sự quan tâm của Bộ Chính trị, Quốc Hội, Chính phủ có cơ chế đặc thù như một chương trình nghị sự ưu tiên thu hút đầu tư và đặc biệt không thể không có sự phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương trong Vùng trong việc tổ chức thu hút và thực hiện đầu tư. Đây chính là các nền tảng và điều kiện tạo động lực mới, không gian kinh tế mới để Vùng phát triển vượt bậc trong chu kỳ tăng trưởng mới với định hướng, khát vọng và mục tiêu rõ ràng.

Ngoài việc duy trì là động lực tăng trưởng chính của cả nước, Vùng Đông Nam Bộ phải hướng đến trở thành một thị trường năng động nhất khu vực Đông Nam Á, một điểm đến đầu tư được lựa chọn của các tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới, một trung tâm tài chính, dịch vụ, công nghiệp và công nghệ cao, là trung tâm khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm đi đầu trong nghiên cứu, thử nghiệm và ứng dụng các thành tựu của cách mạng 4.0 và là một cực tăng trưởng quan trọng của khu vực Đông Nam Á.

Dựa trên quan điểm phát triển đồng bộ, nhanh, tiết kiệm, hiệu quả, bền vững vùng Đông Nam Bộ tiếp cận theo hướng tối ưu hóa nguồn lực được phân bổ, hạn chế cạnh tranh nội vùng và dồn nguồn lực để phát huy các thế mạnh tốt nhất của từng địa phương trong vùng, hiệp lực, tạo lợi thế quốc gia để cạnh tranh với các quốc gia khác.

Chính vì vậy rất cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện của Bộ Chính trị. Đề nghị Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2045; trong đó đề xuất tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, trung ương và các địa phương trong Vùng cần ưu tiên nguồn lực để đầu tư, nâng cấp và hoàn thiện kết cấu hạ tầng, trong đó tập trung vào các dự án giao thông có tính liên kết vùng. Thúc đẩy và hoàn thành các dự án hiện đang triển khai trong giai đoạn 2021-2026, quy hoạch bổ sung hệ thống đường sắt từ TP.HCM kết nối với sân bay Long Thành, cảng biển nước sâu Cái Mép - Thị Vải đến các thành phố vệ tinh, phát triển các tuyến vận tải công cộng nội đô và liên tỉnh, thúc đẩy công tác di dời và tái sắp xếp lại hệ thống cảng biển, cảng thủy.

Hai là, sớm thực hiện quy hoạch tổng thể Vùng theo hướng tích hợp hướng đến tầm nhìn chung vì lợi ích tổng thể Vùng và cả nước, trong đó xác định rõ lợi thế và định hướng phát triển cho từng địa phương, tránh xung đột lợi ích giữa các địa phương khiến cho lợi thế cạnh tranh của cả Vùng bị suy yếu.

Chẳng hạn, TP.HCM định hướng trở thành trung tâm nghiên cứu ứng dụng KHCN, đào tạo nguồn nhân lực, trung tâm các dịch vụ chất lượng cao, nhất là dịch vụ tài chính với sự định vị là trung tâm tài chính quốc tế của Việt Nam và khu vực. Riêng Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ đóng vai trò là trung tâm cảng biển, logistics, công nghiệp hóa dầu, trung tâm du lịch biển hàng đầu cả nước. Đồng thời tạo ra lợi thế để Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Phước tăng thêm động lực phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ hàng không, khuyến khích thu hút đầu tư vào các ngành thâm dụng công nghệ, nhất là các ngành công nghiệp công nghệ cao, các ngành chế biến chế tạo có giá trị gia tăng cao; thúc đẩy hình thành các chuỗi cung ứng và cụm ngành kinh tế nội Vùng đang hiện hữu hoặc manh nha; hỗ trợ kết nối, liên kết giữa doanh nghiệp trong và ngoài vùng với doanh nghiệp FDI, nhất là với các tập đoàn hàng đầu thế giới.

Ba là, cụ thể hóa hơn nữa chiến lược kinh tế biển theo tinh thần Nghị quyết 36 (Hội nghị Trung ương 8, Khóa XII), trong đó tập trung phát triển các trung tâm kinh tế biển, hình thành chuỗi đô thị du lịch biển tầm khu vực và quốc tế; cho phép nghiên cứu và tạo cơ chế thực thi các giải pháp lấn biển hiệu quả, đảm bảo bền vững với môi trường. Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về biển và hải đảo; khẩn trương lập và phê duyệt quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ dựa vào thiên nhiên, trong đó có phát triển nguồn năng lượng tái tạo, giải quyết những vấn đề liên quan đến sử dụng không gian biển, lấn biển, nhận chìm… để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời phục vụ bảo vệ chủ quyền vùng biển, hải đảo, quốc phòng an ninh.

Bốn là, phát triển đô thị theo hướng có chiều sâu đặt trong tầm nhìn đô thị hóa toàn Vùng, giải quyết các điểm nghẽn trong cung cấp hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội và dịch vụ đô thị. Đô thị hóa gắn với sắp xếp bố trí lại dân cư hợp lý, chuyển đổi quỹ đất lớn từ diện tích cây công nghiệp hiện hữu dọc theo các trục giao thông kết nối chính của vùng, vốn từ lâu đã không còn tiềm năng phát triển, hình thành Khu đại công nghiệp - đô thị cửa khẩu Mộc Bài, nhằm mở ra không gian phát triển kinh tế - xã hội gắn với an ninh quốc phòng.

Năm là, có chiến lược trong đào tạo và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho Vùng, bao gồm chuyên gia quốc tế, người có trình độ chuyên môn cao về quản trị, nhà khoa học, chuyên gia về kinh tế biển, tài chính - ngân hàng, du lịch. Cần phát huy vai trò của đội ngũ trí thức, nhà khoa học, trước hết là những người đang sinh sống và làm việc tại TP.HCM và các địa phương trong Vùng. Bên cạnh đó, cần có cơ chế khuyến khích đầu tư mạnh mẽ hơn nữa cho KHCN nhằm tận dụng cơ hội của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Sáu là, thiết kế thể chế phù hợp, tránh thể chế “một chiếc áo vừa cho tất cả”, nhất là phân cấp, cơ chế đặc thù thu hút vốn, thu hút nhà đầu tư chiến lược nhằm phát huy vai trò tích cực của các địa phương, tinh thần tự lực, tự cường, tính năng động, sáng tạo, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; mở rộng phân cấp cho địa phương quyết định các nội dung liên quan đến dự án thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương.

Bảy là, cần thể chế hóa mô hình tổ chức liên kết vùng nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý thực hiện các hoạt động phối hợp giữa các địa phương trong đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng, phân bổ nguồn lực phù hợp với tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, hợp tác tổ chức chung xúc tiến đầu tư của vùng Đông Nam Bộ hàng năm; đề xuất phân công lãnh đạo Đảng, Nhà nước kiêm nhiệm lãnh đạo vùng.

Tám là, tiếp tục đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, bảo đảm môi trường "Hòa bình, ổn định, tự do, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không trên Biển Đông" trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế; phát triển kinh tế biển phải trên cơ sở bền vững, bảo vệ hệ sinh thái biển, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế; ngăn ngừa, kiểm soát và giảm đáng kể ô nhiễm môi trường biển, phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao đời sống nhân dân vùng biển, đảo.

Đề xuất lựa chọn 3 đột phá chiến lược thực hiện từ nay đến 2030:

- (1) Đổi mới phân cấp, phân quyền cho các địa phương trong Vùng, nhất là thẩm quyền tự quyết đối với một số vấn đề hiện thuộc thẩm quyền của Thủ tướng hoặc các bộ ngành. Đồng thời thiết kế thể chế cho liên kết và điều phối vùng, trong đó có việc lập cơ quan điều phối Vùng có đủ thẩm quyền và nguồn lực.

- (2) Thành lập Khu mậu dịch tư do Cái Mép Hạ (thuộc Cụm cảng Cái Mép - Thị Vải) cần có cơ chế đặc thù thu hút nhà đầu tư chiến lược và thiết kế hệ sinh thái hoàn chỉnh và đồng bộ, cho phép thí điểm áp dụng các chuẩn mực hàng đầu quốc tế, để Cái Mép Hạ trở thành Khu mậu dịch tự do với chức năng chính là: (i) cảng nước sâu trung chuyển quốc tế, (ii) công viên công nghiệp gắn với trung tâm logistics đủ sức cạnh tranh trong khu vực và thế giới.

- (3) Đẩy nhanh quá trình chuyển đối số đi cùng với nâng cấp các dịch vụ hành chính công và môi trường kinh doanh; đặc biệt cần đặt mục tiêu tăng tỷ lệ chi tiêu cho R&D của Vùng lên cao hơn mặt bằng chung cả nước và gắn với lộ trình tiệm cận với các nước trong khu vực, hình thành các hubs là trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm khởi nghiệp, trung tâm nghiên cứu và thử nghiệm các công nghệ 4.0 của Việt Nam, thu hút các chuyên gia quốc tế đến làm việc và cùng học hỏi trong các lĩnh vưc như trí tuệ nhân tạo (AI), blockchain, internet vạn vật (IoT), hình thành các trung tâm dữ liệu lớn (big data), v.v…

Với 8 nhiệm vụ, giải pháp và 3 đột phá chiến lược vùng nêu trên, vùng kinh tế Đông Nam Bộ sẽ góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng để vùng Đông Nam Bộ hiện thực hóa khát vọng trở thành vùng kinh tế năng động và phát triển bậc nhất khu vực Đông Nam Á.

Theo tính toán của Hiệp hội Logistics Việt Nam, năm 2021 chi phí logistics chiếm khoảng 16,8% giá trị hàng hóa Việt Nam trong khi bình quân thế giới chỉ khoảng 10,6%. Điều này làm giảm lợi thế cạnh tranh đối với hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam mà nếu nhìn sâu hơn là giảm sức hút đầu tư đối với các tập đoàn đa quốc gia vào Việt Nam.

Hiện chi tiêu cho R&D của Việt Nam chỉ khoảng 0,5% GDP, trong khi bình quân thế giới là 2,13% GDP, Israel 4,82%, Hàn Quốc 4,29%, Trung Quốc 2,12%, Singapore 1,92%, Malaysia 1,28%, Thái Lan 1%. TP.HCM nói riêng và Vùng Đông Nam Bộ nói chung được xem là trung tâm KHCN của cả nước, nhưng mức chi cho R&D cũng không vượt trội so với cả nước. Đây là rào cản khiến Việt Nam khó nắm bắt được cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Do đó, để đi đầu và dẫn dắt cả nước, Đông Nam Bộ cần phải có thể chế để thúc đẩy tăng trưởng chi tiêu cho R&D mới có thể tạo đột phát cho tăng trưởng trong dài hạn được khi mà tăng trưởng lao động không còn như trước trong khi năng suất biên của vốn đang bắt đầu giảm dần.

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/chinh-tri/202207/8-nhiem-vu-giai-phap-va-3-dot-pha-de-dong-nam-bo-phat-trien-bac-nhat-dong-nam-a-955060/