8 người cùng gia đình ở Indonesia tình nguyện thử vaccine phòng COVID-19

Khi chính quyền kêu gọi tình nguyện viên thử nghiệm vaccine phòng COVID-19, anh lái xe ôm công nghệ Fadly Barjadi Kusuma cùng 7 thành viên khác trong gia đình ở Bandung, Indonesia, đã không ngần ngại đăng ký.

Anh Fadly Barjadi Kusuma là tài xế xe công nghệ. Ảnh: S.T

Anh Fadly Barjadi Kusuma là tài xế xe công nghệ. Ảnh: S.T

Anh Fadly cùng vợ là Mira Nurari, đều 32 tuổi, đã vượt qua buổi khám sức khỏe và đủ điều kiện cho cuộc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối trên người. Loại vaccine được thử nghiệm do hãng dược phẩm tư nhân Sinovac Biotech của Trung Quốc phát triển. Công ty cũng đang thử nghiệm lâm sàng vaccine tại nhiều quốc gia khác trong đó có Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ.

Ba chị em gái và một người họ hàng khác của cô Mira cũng hưởng ứng lời kêu gọi trên. Tuy nhiên, một người chị và mẹ của cô Mira không được tham gia vì tiền sử huyết áp cao. Anh Fadly bày tỏ với tờ Straits Times rằng gia đình anh hy vọng sẽ sớm phát triển thành công vaccine phòng chống đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

“Làm một tình nguyện viên thử nghiệm lâm sàng đồng nghĩa với việc giúp mọi người chiến đấu với virus. Nếu vaccine này không hoạt động, sức khỏe chúng tôi có thể bị nguy hiểm. Nhưng nếu nó hiệu quả, tôi sẽ là người hưởng lợi đầu tiên. Những người khác cũng được lợi. Mọi người đều có lợi”, Fadly nói.

Cô Mira cho biết cô đăng ký thử vaccine một tuần sau khi chồng cô tiêm liều đầu tiên hôm 11/8 và không có triệu chứng nào đáng ngại. Cô còn được chị gái thuyết phục tham gia. Người chị này từng tình nguyện thử vaccine chống cúm gia cầm H5N1 cách đây 10 năm. “Khi tôi đăng ký, nhiều người tôi quen biết cũng làm theo. Điều này thêm phần khích lệ tôi”, cô nhân viên giặt là chia sẻ.

Tại Indonesia, Sinovac Biotech đã phối hợp với công ty dược phẩm nhà nước Bio Farma để triển khai thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối. Đây là bước cuối cùng để được Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Indonesia (BPOM) cấp phép.

Giới chức y tế cho biết họ đặt mục tiêu tiêm phòng cho gần 160 triệu người trong tổng dân số 270 triệu người để tạo “miễn dịch cộng đồng”. Thuật ngữ này ám chỉ tình trạng khi hầu hết người dân đều miễn dịch với một loại bệnh truyền nhiễm. Theo anh Fadly, sẽ tốt hơn khi được tiêm phòng sớm hơn là phải chờ đợi trong số hàng chục triệu người.

Không triệu chứng đáng ngại

Fadly tiêm liều đầu hôm 11/8 và liều thứ hai vào hai tuần sau đó. “Lần tiêm đầu khiến tôi buồn ngủ như thể đã thiếu ngủ dài ngày. Tôi đi ngủ từ 5 giờ chiều. Chuyện này chưa từng xảy ra vì tôi toàn thức khuya”, người đàn ông 32 tuổi kể lại. Mũi tiêm thứ hai khiến anh bị đau đầu và nhức tay. Anh uống paracetamol và mọi triệu chứng biến mất. Anh vẫn tiếp tục làm việc sau khi tiêm.
Trải nghiệm của cô Mira thì tốt hơn. Cô bị nhói buốt khi tiêm lần đầu còn lần hai chỉ khiến cô thèm ăn nhiều hơn trong ba ngày. Đã hai tháng trôi qua kể từ ngày gia đình anh Fadly và cô Mira tiêm thử nghiệm. Không có phản ứng nghiêm trọng nào xảy ra.

Vượt qua những nghi ngờ

Một người tham chương trình thử nghiệm vaccine chống COVID-19 tại Indonesia. Ảnh: EPA-EFE

Nhiều người bạn quở mắng Fadly vì mạo hiểm sinh mạng để tham gia thử nghiệm vaccine. Tình nguyện viên không được trả tiền. Họ chỉ nhận được khoản bồi hoàn tiền phí đi lại đến phòng thí nghiệm. Ở trường hợp của anh Fadly, từ nhà anh đến chỗ nghiên cứu mất 30 phút lái xe. "Họ bảo tôi ngu ngốc. Họ nói ‘nếu cậu chết vì tiêm vaccine thì sao?’. Tôi trả lời ‘Nếu tôi chết, chẳng phải việc của các anh”.

Một số bạn bè thậm chí còn lầm tưởng anh đã mắc bệnh nên chủ động xa lánh. Ông bố ba con này thừa nhận ban đầu bản thân anh cũng đắn đo nhưng sau đó lại cảm thấy yên tâm khi biết mình không phải tình nguyện viên duy nhất ở Indonesia hay trên thế giới.

Bác sĩ Achmad Yurianto, quan chức cấp cao tại Bộ Y tế Indonesia khẳng định an toàn là yếu tố hàng đầu trong các cuộc thử vaccine giai đoạn cuối. Ông nhấn mạnh: “Nếu không an toàn, chúng tôi sẽ không thể đi đến giai đoạn 3 được”.

Hy vọng về điều tốt đẹp nhất

Anh Fadly và gia đình cần chờ thêm 4 tháng nữa để được kiểm tra sức khỏe lần cuối. Đây cũng là thời đánh dấu hoàn thành thử nghiệm. Anh và các tình nguyện viên khác sẽ được kiểm tra sức khỏe tạm thời, trong đó có xét nghiệm máu, vào ngày 24/11 tới. Hàng tháng, họ đều nhận được cuộc gọi từ trung tâm nghiên cứu để hỏi thăm tình hình.

Bên cạnh những quy tắc y tế chung để phòng chống COVID-19 như đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên và giữ khoảng cách an toàn, các tình nguyện viên không được phép rời khỏi Bandung.

Fadly chia sẻ: “Chúng tôi đang được theo dõi chặt chẽ. Chúng tôi không được uống bất kỳ loại thuốc nào có nguy cơ gây suy yếu hệ miễn dịch”. Tuy nhiên, họ vẫn tiếp tục cuộc sống như thường lệ.

Còn quá sớm để khẳng định vaccine của Sinovac Biotech sẽ đạt hiệu quả như mong đợi. Cô Mira nói: “Chúng tôi trông chờ vào Đức Thánh”. Còn chồng cô thì tự hào rằng, nếu phải chết, anh sẽ giống như một chiến binh, hy sinh thân mình để giúp đỡ người khác.

Hoàng Trang/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/8-nguoi-cung-gia-dinh-o-indonesia-tinh-nguyen-thu-vaccine-phong-covid19-20201030161519087.htm