8 dòng phim ăn khách của truyền hình Hàn Quốc

Hai thập kỷ sau 'Bản tình ca mùa đông', phim truyền hình Hàn Quốc đã mở rộng hơn về phạm vi đề tài, phong cách dàn dựng.

Hallyu, hay Làn sóng Hàn Quốc, bắt đầu lan tỏa ra châu Á vào thập niên 1990 và bùng nổ khi bước sang thiên niên kỷ mới. Với khán giả yêu mến phim truyền hình Hàn, những tác phẩm ghi dấu ấn trong ký ức chủ yếu vẫn là các phim có cốt truyện lãng mạn, hoặc phim cổ trang lịch sử có vai trò quảng bá văn hóa Hàn Quốc.

Hai thập kỷ sau Bản tình ca mùa đông (2002) và Nàng Dae Jang Geum (2003), "vũ trụ" phim ảnh của truyền hình Hàn Quốc đã mở rộng hơn, phạm vi đề tài, phong cách dàn dựng cũng đã đổi khác, ngân sách dành cho phim cũng đã tăng vọt. SCMP đã liệt kê ra 8 loại phim cơ bản nhất hiện nay của phim truyền hình Hàn.

 Bản tình ca mùa đông được xem là tác phẩm mở ra thời đại phát triển cực thịnh của Làn sóng Hàn Quốc ở châu Á.

Bản tình ca mùa đông được xem là tác phẩm mở ra thời đại phát triển cực thịnh của Làn sóng Hàn Quốc ở châu Á.

Tình cảm, hài lãng mạn

Tình cảm/hài lãng mạn, hay còn được gọi là melodrama, không phải loại phim duy nhất của truyền hình Hàn, nhưng vẫn là thể loại lớn và thịnh hành nhất trong thế giới phim truyền hình Hàn. Những câu chuyện về tình yêu với sự xuất hiện của các cặp sao nổi tiếng vẫn có mặt ở khắp nơi và thu về hàng triệu khán giả trên khắp thế giới.

Mô-típ thường thấy của dòng phim này là nữ chính - trẻ trung và xinh đẹp - thường không được hòa thuận, hoặc thậm chí là oan gia, với nam chính giàu có, điển trai. Hai người sẽ dần nảy sinh tình cảm sau nhiều lần gặp gỡ hoặc một vài tình huống khó xử. Chuyện tình nảy nở giữa cặp "oan gia" sẽ mang nhiều chi tiết lãng mạn, hài hước khiến khán giả thích thú.

Đây chính là dòng phim cơ bản nhất và mang lại thành công cho Hallyu ở thập niên 1990-2000.

Melodrama

Melodrama - kiểu phim tình cảm nhưng với các tình tiết cường điệu hóa để làm tăng tính bi kịch hoặc rắc rối của cốt truyện - và các phim biến thể của dòng này đang chiếm thời lượng phát sóng khá lớn, trở thành dòng phim gia đình mới được khán giả ưa chuộng.

Những năm gần đây, khán giả có xu hướng chán các phim tình cảm/hài lãng mạn thông thường, và bắt đầu dành nhiều sự quan tâm hơn cho makjang - kiểu phim bi kịch (thường có ít nhất một nhân vật chết). Các phim về sóng gió gia đình, đấu tranh xã hội một cách kịch tính và drama chiếm khung giờ vàng của các đài truyền hình, điển hình như SKY CastlePenthouse.

Penthouse (Cuộc chiến thượng lưu) là dòng melodrama mới, đạt kỷ lục rating trên đài SBS.

Phim lịch sử

Phim truyền hình cổ trang là một phần không thể thiếu trong hệ thống phim Hàn, đồng thời cũng là mắt xích hút fan quan trọng trong nhiều năm qua. Ngân sách sản xuất cho phim lịch sử ngày càng tăng cao, giúp các tác phẩm được đầu tư mạnh tay hơn, bối cảnh, trang phục cũng bắt mắt hơn.

Khán giả dường như chưa bao giờ chán xem những âm mưu phức tạp phía sau bức tường cấm cung, những cuộc chiến đấu âm thầm có, ồn ào có để giành lấy ngôi vua của triều đại Jeseon (1392-1910). Phim truyền hình cổ trang cũng được xem là cách chính phủ nước này quảng bá văn hóa, lịch sử và phong tục tập quán Hàn Quốc.

Phim giật gân

Từng có thời kỳ phim kinh dị/giật gân thống trị màn ảnh Hàn Quốc, và đang dần trở lại "làm mưa làm gió" khi khán giả ngày càng cởi mở hơn trước.

Phim giật gân không nhất thiết phải là phim dọa ma với những cú jumpscare khiến khán giả giật thót. Đây có thể là các tác phẩm kể về sát nhân hoặc những vụ giết người rùng rợn. Với sự ra đời của truyền hình cáp, khán giả có nhiều sự lựa chọn hơn, và chất lượng phim cũng được nâng cao. Các kịch bản với nội dung đen tối, mô tả cụ thể hơn trong mỗi vụ giết người... được duyệt nhiều hơn vì quy trình kiểm duyệt kịch bản của đài cáp không quá khắt khe như các kênh truyền hình trung ương.

Do đó, các phim có yếu tố sát nhân, kinh dị hoặc tà giáo mị dân đang trở thành chủ đề ăn khách của các kênh truyền hình tư nhân, như Signal, Beyond Evil hay Hoa của quỷ.

Nàng Dae Jang Geum là tác phẩm cổ trang nổi tiếng bậc nhất Hàn Quốc.

Phim hành động

Iris là tác phẩm đầu tiên, và cũng là minh chứng rõ rệt nhất cho việc phim hành động có thể ăn khách thế nào trên màn ảnh nhỏ xứ Hàn. Lee Byung Hun - biểu tượng hành động của phim Hàn từng ghi dấu ấn ở loạt phim quốc tế - đã trở lại màn ảnh nhỏ với vai một điệp viên tài giỏi và thu hút khán giả với những pha hành động mãn nhãn.

Tất nhiên, phim hành động theo phong cách Hàn Quốc vẫn luôn phải đi kèm với một mối tình lãng mạn và lý tưởng. Chẳng hạn chuyện tình của hai nhân vật do Lee Byung Hun và Kim Tae Hee thể hiện trong Iris, hoặc mối tình trai tài - gái sắc của Lee Min Ho và Park Min Young trong City Hunter.

Thành công của Iris và rating cao của City Hunter tạo tiền đề cho các phim hành động sau này của truyền hình Hàn, như Mặt nạ cô dâu, The K2, Vagabond...

Phim thanh xuân, học đường

Phim truyền hình Hàn Quốc có các nhân vật thuộc mọi tầng lớp xã hội, nhưng tất cả các nhân vật đều phải đi học, cuộc sống đều phải bắt đầu từ trường học - nơi được xem là mô hình thu nhỏ của xã hội. Tương tự Trung Quốc, Hàn Quốc cũng phải triển dòng phim thanh xuân với các nhân vật chính đều là học trò, cốt truyện xoay quanh các vấn đề khơi gợi cảm xúc của tuổi trẻ.

Nhưng khác với Trung Quốc, phim thanh xuân của Hàn không quá chú trọng vào tình yêu lãng mạn, thay vào đó chủ yếu đề cập đến các vấn đề còn tồn tại trong học đường. Cách dạy học, uốn nắn học sinh gây nhiều tranh cãi, vấn nạn bạo lực học đường... đều được dàn dựng khá chân thật và gai góc.

Khán giả thường bình luận họ có sự đồng cảm sâu sắc với các chủ đề của dòng phim học đường, vì người xem luôn bắt gặp chính mình trong những câu chuyện được vẽ lại trên màn ảnh. Loạt phim School kéo dài từ thập niên 1990 tới nay của đài KBS là một trong những phim học đường nổi tiếng nhất tại Hàn Quốc.

Iris (trái) là tác phẩm tiêu biểu của dòng phim hành động, trong khi School (phải) là series phim học đường lâu đời của Hàn Quốc.

Y tế, pháp lý

SCMP ví phim về y tế, pháp lý như dòng phim học đường, nhưng dành cho khán giả trưởng thành. Các phim kể về y tế và pháp luật đang dần trở nên phổ biến trong những năm gần đây, giúp người xem đến gần hơn với những ngành nghề phức tạp trên. Nội dung phim thường xoay quanh một môi trường khép kín về ngành nghề đặc thù, với những khó khăn, rắc rối mà các nhân vật chính phải đương đầu hàng ngày.

Những câu chuyện xoay quanh môi trường và nhân vật trên có thể là trên phương tiện nghề nghiệp, cũng có thể là trên phương diện cuộc sống đời thường, như các Hospital Playlist dàn dựng.

So với các chương trình khác, mảng phim chuyên môn trên được cho là bắt kịp khá nhanh với dòng phi tương tư của phương Tây. Một trong những bộ phim truyền hình về pháp luật nổi tiếng nhất tại Hàn Quốc là The Good Wife thậm chí được làm lại từ tác phẩm cùng tên của Mỹ.

Giả tưởng

Xuyên không, hoán đổi thân xác, người ngoài hình tinh hay những câu chuyện liên quan đến ma quỷ... là "vũ trụ" giả tưởng không bao giờ cạn kiệt đề tài của phim Hàn. Nhờ cách viết kịch bản và dàn dựng khéo léo, các tác phẩm trên vẫn giữ được sự lãng mạn, hài hước đủ để níu chân khán giả.

Một số tác phẩm giả tưởng của Hàn Quốc thậm chí gây sốt diện rộng khắp châu Á, như Secret Garden, Vì sao đưa anh tới hay Chuyện tình biển xanh. Hai năm trở lại đây, dòng phim giả tưởng có nhiều thay đổi, chủ đề phim dần nặng nề hơn, như Kingdom - tác phẩm ăn khách trên Netflix.

Secret Garden hay Vì sao đưa anh tới là những phim giả tưởng Hàn Quốc nổi tiếng khắp châu Á.

Tuệ Lâm

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/8-dong-phim-an-khach-cua-truyen-hinh-han-quoc-post1207998.html