8 dấu hiệu đáng báo động cho thấy bạn đang 'lụy tình'

Nếu bạn hoặc người ấy có một trong số những dấu hiệu này, mối quan hệ của bạn không hề lành mạnh, thậm chí có nguy cơ đổ vỡ.

Mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau (codependency relationship) có biểu hiện khác nhau ở mỗi người nhưng điểm chung là một người hy sinh cho mối quan hệ nhiều hơn người kia.

Đó là khi một người đòi hỏi nhiều sự chú ý và hỗ trợ về mặt tinh thần, đặc biệt là khi người đó bị ốm hoặc nghiện một thứ gì đó, khiến cho người này phụ thuộc hơn vào nửa kia của mình.

Những mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau không có lợi cho cả hai. Họ thường đến với nhau vì một trong hai người có tính cách khác thường và khi yêu nhau, họ làm cho cuộc sống của người kia thậm chí còn tồi tệ hơn.

Cần nhớ rằng trong một mối quan hệ lành mạnh, bạn có thể dựa vào người kia để được an ủi và giúp đỡ, tuy nhiên cần có sự cân bằng với khả năng độc lập, nếu không vấn đề sẽ xảy ra.

Dưới đây là 8 dấu hiệu cho thấy bạn có thể đang “lụy tình” và cần xem xét lại mối quan hệ của mình.

1. Bạn là người chủ động duy trì mối quan hệ

Dấu hiệu đầu tiên của việc “lụy tình” là khi một người bắt đầu chủ động hẹn hò và liên lạc.

Khi người ấy giảm thời gian, sự cố gắng và quan tâm dành cho bạn, theo bản năng, bạn cố gắng bù lấp chỗ trống bằng cách cố gắng nhiều hơn để làm mới mối quan hệ và duy trì sự gắn kết.

Ngay khi điều ngày xảy ra, mối quan hệ chuyển sang một hướng không lành mạnh và bạn trở nên phụ thuộc vào người ấy.

2. Bạn muốn thay đổi người ấy

Lúc bắt đầu mối quan hệ, mọi thứ đẹp như mơ nhưng sau đó người ấy bắt đầu thể hiện một số hành vi không lành mạnh.

Khi ấy, bạn trở thành người hy sinh để hỗ trợ và giúp đỡ người kia, cảm thấy như đã đánh mất chính mình hoặc luôn cần hỏi ý kiến của họ thì mới có thể yên tâm.

Những người “lụy tình” thường luôn sống vì người khác, cố gắng giúp đỡ hoặc thậm chí nghĩ rằng mình đang giúp thay đổi cuộc sống của họ.

Nếu việc chăm sóc một người làm bạn bỏ qua những nhu cầu của chính mình hoặc bạn cần được người đó yêu thương để biết yêu thương bản thân, bạn đang bước vào một mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau.

3. Bạn phá bỏ các giới hạn

Người “lụy tình” thường cho đi quá nhiều – người ấy cảm thấy có trách nhiệm phải quan tâm hoặc quan tâm người kia thái quá.

Những người như vậy thường rất mạnh mẽ, chỉ là họ không hiểu việc cần phải giữ các giới hạn.

Họ cho rằng khi yêu, họ sẽ yêu hết mình mà không cần được đền đáp hoặc trân trọng.

Nếu người kia không tôn trọng họ, họ sẽ tìm cách bào chữa và tha thứ cho người kia hết lần này đến lần khác.

Vì bạn không đặt ra giới hạn cho sự quan tâm của bản thân và sự đáp lại của người kia, bạn dễ dàng mắc vào “cái bẫy” mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau.

4. Bạn cảm thấy mình không có cuộc sống riêng

Trong bất kỳ mối quan hệ nào, điều quan trọng là gắn kết với người ấy nhưng vẫn giữ được cuộc sống riêng.

Bạn không nên phụ thuộc vào người khác mà đánh mất chính mình hoặc bản sắc của mình.

Để tránh điều này, bạn có thể lên kế hoạch hẹn hò với người ấy và cả bạn bè hoặc dành riêng những buổi tối ở một mình để “đổi gió”.

Trong những giai đoạn đầu của một mối quan hệ, bạn không nên dành toàn bộ thời gian với nhau mà nên có khoảng trống để cả hai nhớ nhau một chút.

Hơn nữa, khi bạn theo đuổi những mối quan tâm của mình, bạn trở nên thú vị và hấp dẫn hơn.

5. Bạn ít dành thời gian cho gia đình và bạn bè

Khi bạn ít dành thời gian cho gia đình và bạn bè, bạn sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào người ấy.

Đến lúc bạn nhìn lại và thấy người kia không hợp với mình, bạn nhận ra mình không còn bạn bè hay thú vui - cả thế giới của bạn là người kia mà giờ đây thế giới ấy đã mất đi hoặc không còn tốt đẹp như trước.

Quyết định chấm dứt với người ấy, bạn không chỉ bỏ đi một mối quan hệ mà còn một phần cuộc sống.

6. Bạn cần hỏi ý kiến hoặc được người kia cho phép

Nếu bạn cảm thấy mình cần hỏi ý kiến hoặc được người kia cho phép làm những việc đơn giản hàng ngày, hay khi bạn không thể đưa ra một quyết định đơn giản mà không có người kia, đó là những dấu hiệu ban đầu của việc “lụy tình”.

Nếu bạn bắt đầu mối quan hệ với sự tự tin nhưng sau một thời gian, bạn bắt đầu nghi ngờ bản thân, tự làm giảm giá trị của mình và không còn quyết đoán, có thể bạn đang trong một mối quan hệ không lành mạnh với một người ích kỷ, gia trưởng - họ kiểm soát hoặc đặt ra những yêu cầu cho bạn đến nỗi ngay cả khi chia tay, có thể bạn vẫn tin và cho rằng mình cần người đó.

Có thể bạn sẽ gặp khó khăn để thay đổi suy nghĩ hoặc chia tay nhưng khi bạn hồi phục và chăm sóc bản thân tốt hơn, bạn sẽ trở thành một con người tốt hơn.

7. Người ấy có những hành vi không lành mạnh

Dấu hiệu sớm của mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau là khi một người liên tục có những hành vi không lành mạnh, ví dụ như nghiện rượu hoặc ăn uống không kiểm soát và người kia tham gia cùng hoặc khuyến khích điều đó vì một lý do nào đó.

8. Bạn luôn cần được trấn an

Nếu bạn muốn biết mình có “lụy tình” hay không, hãy tự hỏi bản thân những câu hỏi sau:

- Bạn hoặc người ấy có luôn lo sợ người kia sẽ chia tay trước?

- Bạn hoặc người ấy có luôn cần được chứng minh tình cảm không?

- Bạn hoặc người ấy có làm những việc để thử tình cảm của người kia không?

- Bạn hoặc người ấy có tán tỉnh những người khác để làm người kia ghen hoặc dọa chia tay để người kia xin quay lại không?

- Bạn hoặc người ấy có bào chữa cho hành vi thiếu tôn trọng hoặc không lành mạnh của người kia hay tránh những cuộc nói chuyện thẳng thắn về tình trạng mối quan hệ?

- Bạn hoặc người ấy có định nghĩa bản thân bằng mối quan hệ không? Bạn có thấy khó khăn hoặc cô đơn khi ở một mình không?

- Mối quan hệ của hai bạn có nhiều mâu thuẫn và căng thẳng không, cả hai thấy mệt mỏi hay ngầm thích thú với việc chia tay và quay lại như cơm bữa không?

Nếu bạn trả lời “Có” cho một vài câu hỏi trên, bạn đang trong một mối quan hệ thiếu lành mạnh và cần tỉnh táo nhìn nhận hoặc tự giải thoát cho chính mình.

Quỳnh Anh

Nguồn Gia Đình Mới: http://www.giadinhmoi.vn/8-dau-hieu-dang-bao-dong-cho-thay-ban-dang-luy-tinh-d4966.html