8 dấu hiệu của những đứa trẻ thông minh

Những trẻ thông minh thường xuyên đặt câu hỏi và có khả năng diễn đạt ngôn ngữ tốt, phụ huynh nên chú ý đến các tổ chất để bồi dưỡng cho trẻ phát huy hết khả năng.

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Nga, chuyên gia tư vấn tâm lý học, Viện nghiên cứu tâm lý thanh thiếu niên chỉ ra những đặc điểm, tố chất của những đứa trẻ thông minh.

Khả năng tập trung cao

Nghiên cứu cho thấy khả năng tập trung của trẻ sơ sinh từ 4 đến 7 tháng tuổi, tỷ lệ thuận với trí thông minh sau 7 tuổi. Nhiều cha mẹ cho rằng trẻ sơ sinh không chú ý đến môi trường xung quanh. Thực tế, khả năng tập trung, chú ý của trẻ phát triển theo thời gian.

Những đứa trẻ có chỉ số IQ cao sẽ thể hiện khả năng tập trung khi còn nhỏ, chúng thường nhìn chằm chằm vào những thứ yêu thích trong thời gian dài.

Ví dụ, một đứa trẻ 2 tuổi bình thường có thể dành 7 phút để nhìn chăm chú vào một vật. Trẻ 3 tuổi tập trung trong 9 phút, trẻ 4 tuổi là 12 phút. Từ 5 đến 6 tuổi, trẻ có thể tập trung từ 10 đến 15 phút. Trẻ 7 đến 10 tuổi tập trung trong 15 đến 20 phút và trẻ 10 đến 12 tuổi có thể tập trung lên đến 30 phút. Trong khi đó, những đứa trẻ có IQ cao cùng tuổi có thể tập trung trong hơn một giờ.

Thích đặt câu hỏi

Nhiều trẻ 3 đến 4 tuổi thích đặt câu hỏi về mọi thứ xung quanh. Khi không tìm được câu trả lời vừa ý, chúng sẽ tự tìm đáp án cho riêng mình. Điều này cho thấy trẻ luôn trong trạng thái suy nghĩ, tư duy, não bộ của trẻ hoạt động rất linh hoạt.

Giai đoạn 3 đến 6 tuổi cũng là thời kỳ trí não trẻ phát triển ở mức cao nhất. Những đứa trẻ có chỉ số IQ cao ở độ tuổi này sẽ bộc lộ tính tò mò, ham khám phá khác thường.

Trẻ em thường hỏi những câu kỳ lạ và đôi khi khiến cha mẹ khó chịu, tức giận. Các em tò mò và thích xây dựng thế giới của riêng mình bằng việc tìm kiếm, lắp ghép những món đồ nhỏ.

(Ảnh minh họa: NBK)

(Ảnh minh họa: NBK)

Ghi nhớ hình ảnh, đồ vật

Nếu con bạn có thể ghi nhớ các sự kiện xảy ra trong quá khứ, ví dụ như nơi cất đồ chơi hoặc nhanh chóng nhận ra khuôn mặt và địa điểm, chi tiết nào đó... cho thấy con bạn rất thông minh. Thông thường, trẻ nhỏ thường ít nhớ lại được những gì mình đã trải qua.

Vậy nhưng những bé thông minh, có não bộ phát triển sớm thường rất nhớ mặt người quen. Điều này khiến bé sớm nảy sinh tâm lý bám mẹ, bám bà và sợ người lạ.

Thêm một cách nhận biết nữa: Nếu bé đang cầm đồ vật mà mẹ lấy, bé khóc và biết đòi từ khi mới 5 đến 6 tháng và đến 10 đến 11 tháng thì thậm chí còn biết lật chăn tìm đồ mẹ giấu. Chứng tỏ con có trí nhớ rất tốt.

Logic liên kết thông tin

Khi trưởng thành, nếu bạn nhìn thấy ai đó đang bật lò nướng, bạn có thể suy luận rằng người đó đang chuẩn bị nướng thứ gì đó, và không ngạc nhiên khi họ mời bạn những chiếc bánh quy nóng hổi sau đó.

Điều đó được hình thành khi bạn đã chứng kiến việc nướng vô số bánh, nhưng nếu một đứa trẻ chưa từng thấy bánh quy trước đây, vẫn có thể nhận ra đó là kết quả cuối cùng của một quá trình bắt đầu từ khi bạn bật lò nướng.

Khả năng diễn đạt ngôn ngữ

Kỹ năng ngôn ngữ thực sự đóng một vai trò lớn trong trí thông minh ở trẻ em. Nếu trẻ có vốn từ vựng phong phú, thì bạn nên khuyến khích trẻ đọc thêm sách và cùng trò chuyện với con nhiều hơn mỗi ngày. Việc sử dụng ngôn ngữ sớm và thành thạo là đặc điểm điển hình ở những trẻ có tài năng, có khả năng lãnh đạo, diễn thuyết trước đám đông.

Trẻ giàu cảm xúc

Nếu con bạn cảm thương cho một con bọ bị giẫm bẹp, hay có xu hướng muốn dỗ dành những đứa trẻ đang khóc khác, có thể con bạn sở hữu bộ não thông minh.

Những đứa trẻ có khả năng chia sẻ, chơi chung với những đứa trẻ khác, thể hiện lòng trắc ẩn, khả năng giải quyết xung đột, tiếp thu ý kiến và chịu thỏa hiệp là những dự báo cho sự thành công trong cuộc sống.

Chúng có sở thích rõ ràng

Con bạn có đặc biệt tập trung vào một chủ đề cụ thể hoặc thích học, quan tâm đến những lĩnh vực cụ thể không?

Có thể nhận ra năng khiếu ở trẻ mẫu giáo nếu chúng có một tài năng cụ thể nào đó như khả năng nghệ thuật hoặc thú vui với những con số. Thông thường những đứa trẻ thích “giải quyết các câu đố và trò chơi trí não” thường thông minh hơn.

Gen di truyền

Đây cũng là một trong những đặc điểm giúp các bậc phụ huynh có thể nhận biết được chỉ số thông minh của con có cao hay không.

Hầu hết các nghiên cứu chỉ ra rằng những đứa trẻ có bố mẹ tốt nghiệp tiểu học thì chỉ số IQ của con trung bình là 98,3. Cha mẹ tốt nghiệp trung học cơ sở thì chỉ số thông minh của con đạt trung bình khoảng 103,3.

Những đứa trẻ có bố mẹ tốt nghiệp trung học phổ thông thì chỉ số thông minh của những đứa trẻ là 108,3 và những đứa trẻ có bố mẹ tốt nghiệp đại học thì chỉ số thông minh của con đạt 109,9.

Cha mẹ nên làm gì?

Nếu con có những biểu hiện của đứa trẻ thông minh, cha mẹ không nên "khai thác quá nhiều" và tránh đặt kỳ vọng, gây áp lực quá lớn. Khi tìm ra sở thích và năng khiếu của con, cha mẹ có thể cung cấp đủ nguồn lực để trẻ tự do khám phá.

Vội vàng đòi hỏi con thành công và ép chúng phải chăm chỉ dễ gây phản tác dụng. Ép buộc quá mức dễ gây mất hứng thú và tạo tâm lý phản kháng, trẻ sẽ khó tiếp thu và tiến bộ.

Để trau dồi trí thông minh và khả năng tư duy của con, cha mẹ cần cho trẻ ngủ đủ giấc, tương tác với con nhiều hơn. Giấc ngủ của trẻ rất quan trọng. Một giấc ngủ ngon giúp các bé phục hồi chức năng của não. Nếu không ngủ đủ giấc hoặc ngủ không ngon, trẻ dễ bị mất cảm xúc và tổn thương.

Các nhà tâm lý học nhận thấy âm nhạc giúp phát triển bán cầu não phải. Cha mẹ nên cho trẻ vui chơi, làm việc khi nghe nhạc. Vẽ tranh cũng là cách tốt để rèn luyện trí não. Điều này giúp trẻ nâng cao thính giác, thị giác và phát triển khả năng ngôn ngữ.

Trong giai đoạn trẻ 3 đến 6 tuổi phát triển trí não, cha mẹ nên cùng con chơi các trò chơi giáo dục. Phương pháp này giúp thúc đẩy sự phát triển trí não của trẻ và tăng cường phát triển khả năng quan sát, trí nhớ và phối hợp tay, mắt, não bộ.

Hà Cường

Nguồn VTC: https://vtc.vn/8-dau-hieu-cua-nhung-dua-tre-thong-minh-ar609406.html