8 cảnh sát Hưng Yên nguy cơ phơi nhiễm HIV

Thông tin từ Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế cho hay 8 chiến sĩ công an tỉnh Hưng Yên đã bị phơi nhiễm HIV khi trấn áp tội phạm ma túy.

Cảnh sát hình sự bị thương được bác sĩ theo dõi sức khỏe. Ảnh: Công an Hưng Yên

Báo Tuổi trẻ đưa tin, vụ việc xảy ra hôm 6/6, khi Phòng Cảnh sát ma túy, Công an tỉnh Hưng Yên bắt quả tang Tạ Văn Lý, 42 tuổi tàng trữ trái phép chất ma túy. Qua đấu tranh công an phát hiện Lý mua ma túy của một người tên Huyền.

Khi công an khám nhà Huyền thì anh trai Huyền là Nguyễn Văn T., người nhiễm HIV và có 2 tiền án tiền sự mua bán ma túy, đã chống trả quyết liệt, tự cứa cổ tay và cầm dao xông vào các cán bộ công an.

Báo Tuổi trẻ TP. HCM cũng dẫn lời ông Hoàng Đình Cảnh - Phó cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế cho hay, trong quá trình khống chế và băng bó cho đối tượng, 8 chiến sĩ công an đã bị dính máu của T. là người nhiễm HIV, có nhiều vết xây xát trên da và bị phơi nhiễm HIV.

Trong khi đó Vnexpress dẫn báo cáo của tỉnh Hưng Yên cho biết, cả 8 chiến sĩ công an đều được khám, xét nghiệm HIV, tư vấn và được cấp thuốc ARV miễn phí để điều trị trong vòng 20 giờ. Thời gian điều trị ARV như vậy là sớm.

Thông tin trên vnexpress.net, ông Hoàng Đình Cảnh đánh giá nguy cơ nhiễm HIV của 8 cán bộ công an tỉnh Hưng Yên là có, tuy nhiên không cao.

Các chiến sĩ được theo dõi tác dụng phụ của ARV trong quá trình điều trị để đảm bảo việc điều trị ARV đủ liệu trình 28 ngày. Xét nghiệm lại HIV cho 8 chiến sĩ này sau 3 tháng kể từ khi phơi nhiễm. Trong thời gian này họ không được hiến máu, thực hành quan hệ tình dục an toàn cho đến khi loại trừ được tình trạng nhiễm HIV, tiêm văcxin viêm gan B nếu cần.

Các cán bộ y tế cũng như chiến sĩ công an luôn đối mặt với phơi nhiễm HIV trong môi trường nghề nghiệp. Khi bị phơi nhiễm với HIV, cần xử lý như sau:

- Xử lý vết thương tại chỗ:

Nếu tổn thương da chảy máu, cần rửa ngay vết thương dưới vòi nước. Đồng thời, để vết thương tự chảy máu trong một thời gian ngắn, không nặn bóp vết thương; rửa kỹ bằng xà phòng và nước sạch.

Nếu phơi nhiễm qua niêm mạc mắt, rửa mắt bằng nước cất hoặc nước muối sinh lý 0,9% liên tục trong 5 phút.

Nếu phơi nhiễm qua niêm mạc miệng, mũi thì rửa mũi bằng nước cất hoặc dung dịch nước muối sinh lý 0,9 %, súc miệng bằng dung dịch này nhiều lần.

- Báo cáo người phụ trách và làm biên bản:

Nêu rõ ngày giờ, hoàn cảnh xảy ra, đánh giá vết thương, mức độ nguy cơ của phơi nhiễm; lấy chữ ký của người chứng kiến và chữ ký của người phụ trách.

- Đến ngay cơ sở y tế:

Họ sẽ được đánh giá nguy cơ phơi nhiễm theo mức độ tổn thương và diện tích tiếp xúc, tư vấn và điều trị bằng thuốc ARV miễn phí nếu cần.

T.H (tổng hợp)

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/8-canh-sat-hung-yen-nguy-co-phoi-nhiem-hiv-d75123.html